Lộ trình ghìm nợ công

T.Hằng 26/04/2017 08:05

Không chỉ dừng lại ở quyết tâm, việc ghìm nợ công trong ngưỡng an toàn đã có lộ trình hành động

Ảnh minh họa.

Giữ nợ công ở ngưỡng an toàn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016 - 2018 với mục tiêu giữ nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Trước đó theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, ước nợ công của Việt Nam đạt 64,98%, sát trần của Quốc hội cho phép; trong đó nợ của Chính phủ là 53,1%, cao hơn mức trần cho phép.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng giảm dần, trong đó bội chi NSNN năm 2016 là 5,4% GDP, bội chi ngân sách trung ương năm 2017 khoảng 3,38% GDP và bội chi ngân sách Trung ương năm 2018 là 3,3% GDP.

Quyết định nêu rõ, huy động vốn vay của Chính phủ cho bù đắp bội chi NSNN khoảng 606,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 247,2 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 172,3 nghìn tỷ đồng và năm 2018 khoảng 186,9 nghìn tỷ đồng.

Vay để trả nợ gốc ngân sách Trung ương khoảng 414,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 là 132,4 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 144 nghìn tỷ đồng và năm 2018 là 138 nghìn tỷ đồng. Vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 118,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 32 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 42,4 nghìn tỷ đồng và năm 2018 khoảng 44 nghìn tỷ đồng.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, chỉ trong quý I/2017, nền kinh tế đã phải thực hiện chi 29,1 nghìn tỷ đồng để chi trả nợ lãi, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy áp lực trả lãi ngày càng tăng. Chưa kể trong cơ cấu chi ngân sách của VN hiện nay, tỷ trọng dành cho chi thường xuyên ngày càng lớn, thu ngân sách ngày càng khó hơn chỉ đảm bảo cho việc chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ phần vốn chi cho đầu tư từ NSNN phải dùng vốn đi vay.

Giới chuyên gia cho rằng, công tác quản lý nợ công thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý, sử dụng vốn vay chưa hiệu quả.

Phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh, dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ...

Nguyên nhân dẫn tới nợ công có nhiều, nhưng nổi lên là tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công...

Siết bảo lãnh Chính phủ

Để ghìm nợ công, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ theo nhiều hướng. Trong đó với việc phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển VN và Ngân hàng Chính sách xã hội, khống chế hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm để ổn định dư nợ.

Đối với các khoản vay nước ngoài đã được cấp bảo lãnh Chính phủ và đang giải ngân, thực hiện khống chế hạn mức rút vốn ròng hằng năm là 1 tỉ USD/năm; tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước; đồng thời rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ để xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 và hằng năm, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt.

Về vay nợ chính quyền địa phương, theo nội dung được phê duyệt, khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương năm 2017 khoảng 6.000 tỉ đồng, năm 2018 khoảng 11.100 tỉ đồng. Hạn mức vay thương mại nước ngoài (vay ròng) của các DN và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả tối đa khoảng 5,5 tỉ USD/năm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mức dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia, tốc độ tăng hằng năm tối đa 8 - 10%/năm.

Cũng bắt đầu từ tháng 3 vừa qua, Nghị định số 04/2017/NĐ–CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cũng có hiệu lực. Theo đó cách xác định điều chỉnh về mức bảo lãnh Chính phủ, cách xác định phí bảo lãnh; đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh; quy trình, thủ tục, thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ cũng như bổ sung các quy định liên quan đến việc quản lý vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, tài sản thế chấp và quản lý rủi ro được giới hạn ở tỷ lệ bé lại.

Mức bảo lãnh Chính phủ theo quy định mới đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, tối đa 60% đối với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; và tối đa 50% đối với các dự án khác.

Giá trị tài sản thế chấp được quy định rõ với mức tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại mới mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm.

Ông Hoàng Hải- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) khẳng định, điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay phát triển như ODA hay IDA ngày càng khó khăn và hạn chế, nên quan điểm tiếp cận nợ công cũng cần phải thay đổi, DN phải tự đứng trên đôi chân của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lộ trình ghìm nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO