Loay hoay giải bài toán ngập nước

Đoàn Xá 17/07/2019 07:55

Cùng với kẹt xe, ngập nước đang tiếp tục là một trong những vấn nạn đô thị gây nhiều hậu quả tiêu cực tới cuộc sống của người dân TP HCM.

Rất nhiều các giải pháp như cải tạo kênh rạch, xây hồ chống ngập, lắp máy bơm khổng lồ hay nâng đường, xây cống, xây đê ngăn triều… nhưng hiệu quả thực sự vẫn chưa như mong đợi. Đáng lo ngại là trong tương lai gần, tình trạng ngập nước vẫn chưa thể giải quyết triệt để ở TP HCM.

Loay hoay giải bài toán ngập nước

Nhiều khu vực tại TP HCM vẫn bị ngập mỗi khi mưa to. Ảnh: Moitruong.net.vn.

Với địa hình nhiều sông rạch và tiếp giáp với biển, ngập nước ở TP HCM có hai nguyên nhân trực tiếp là do triều cường và mưa lớn. Đặc biệt, nếu thời điểm triều cường mà có thêm mưa lớn, tình trạng ngập nước sẽ nan giải và khó lường hơn. Để giải quyết tình trạng ngập nước, chính quyền thành phố hiện nay đã giải quyết theo nguyên nhân gây ngập.

Ở nguyên nhân ngập do triều cường, TP HCM đã đầu tư một trong những dự án hạ tầng lớn nhất ở khu vực phía Nam là dự án “Ngăn triều chống ngập có tính tới yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1”.

Dự án khổng lồ có số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng này bao gồm 6 cống ngăn triều và khoảng gần 8km đường đê bao, kè ven sông. Tại các cống ngăn triều, khi thuỷ triều từ phía biển đổ vào sẽ được ngăn lại để nước không tràn vào thành phố. Khởi công từ năm 2016, dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 tới. Theo kỳ vọng ban đầu, người dân ở tất cả các quận huyện như quận 1, 3, 5, 8 hay Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức… sẽ không còn đối mặt với cảnh ngập do triều cường (mỗi tháng 2 lần đạt đỉnh) như trước nữa. Tuy nhiên, dự án này chỉ chống ngập triều cường cho các địa phương ở phía phải bờ sông Sài Gòn.

Các địa phương bờ trái, như quận 2 (gồm đô thị Thủ Thiêm), quận 9,… sẽ vẫn chịu tác động tiêu cực của triều cường. Theo nhiều chuyên gia, việc ngập do triều cường thực tế ở TP HCM mấy năm gần đây đã không còn quá nan giải với người dân. Nguyên nhân do triều cường được dự báo trước và hệ thống đê bao ven sông đã được hoàn thiện khá nhiều, chỉ thi thoảng mới xảy ra vỡ đê, vỡ cống ở một số điểm nhưng không khó để khắc phục.

Trong khi đó, chống ngập do mưa lớn nan giải và khó khăn hơn rất nhiều, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố khi việc thực hiện các dự án luôn tốn nhiều thời gian, tiền bạc. Thành phố cũng phân loại các điểm ngập, nơi thường xuyên xảy ra ngập khi mưa lớn để tìm cách giải quyết. Mặc dù số điểm ngập có giảm sau mỗi mùa mưa nhưng thực tế lại có nhiều điểm ngập khác phát sinh khiến người dân vẫn phải chịu ngập do mưa.

Báo cáo của chính quyền thành phố cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, TP HCM cần tới 73.000 tỷ đồng cho các dự án liên quan đến chống ngập. Nguồn vốn này chủ yếu đến từ ngân sách thành phố (16.000 tỷ đồng), nguồn xã hội hoá (20.000 tỷ đồng) hay vốn vay ODA (36.000 tỷ đồng) và một phần ngân sách trung ương hỗ trợ. Được biết, nếu nguồn ngân sách thành phố và trung ương có thể ổn định, nguồn vốn vay ODA cũng có nhiều nước phát triển cam kết triển khai thì nguồn vốn xã hội hoá (khoảng 20.000 tỷ đồng) lại là bài toán nan giải bởi khác với các dự án hạ tầng giao thông, dự án chống ngập rất khó để doanh nghiệp thu phí hoàn vốn.

Ngoài việc kêu gọi nguồn vốn, giải pháp khoa học thực sự cho chương trình chống ngập cũng là vấn đề nan giải với những người làm công tác quản lý. Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, khi triển khai dự án máy bơm khổng lồ chống ngập cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (khoảng 500 m thường xuyên ngập, gần chân cầu Sài Gòn), chủ đầu tư đã cam kết sẽ hết ngập. Thế nhưng, dù thành phố phải bỏ hàng chục tỷ đồng mỗi năm để thuê lại dự án này nhưng hiện nay mưa vẫn gây ngập đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh trên.

Cuối cùng, đầu năm 2019 này, thành phố lại giao dự án chống ngập khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh cho công ty tư nhân khác triển khai bằng cách sửa, nâng đường với hy vọng sẽ hết ngập. Chỉ với một đoạn đường mà việc chống ngập đã khó khăn như vậy nên có thể nói, giải pháp tổng thể cho chống ngập toàn thành phố sẽ còn nan giải gấp nhiều lần.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, giải pháp tổng thể chống ngập cho đô thị nói chung và TP HCM nói riêng phải bắt đầu bằng quy hoạch. Nếu việc quy hoạch đô thị, gồm các công trình như đường sá, nhà cửa, bê-tông hoá không kèm theo các tính toán ngăn ngập nước thì việc chống ngập luôn chạy theo các dự án trên. Như ở TP HCM, dù hàng trăm các dự án hạ tầng chung cư, cao ốc được cấp phép nhưng hầu như chủ đầu tư không chịu trách nhiệm và tác động bê-tông hoá đô thị mà công trình của mình gây ra.

Vì thế, nhiều sông ngòi kênh rạch tự nhiên bị lấn, lấp để xây nhà cửa, đô thị làm hẹp đi không gian thoát nước tự nhiên. Việc này tuy gián tiếp nhưng lại là nguyên nhân trực tiếp gây ngập. Để chống ngập bền vững, thành phố cần nhất quán trong việc quy hoạch cũng như cấp phép các dự án đô thị, nhất là đô thị ven sông, kênh, rạch bởi cuối cùng, việc thoát nước sẽ không đạt hiệu quả tốt nếu hệ thống sông ngòi, kênh rạch bị lấn, lấp.

Tình trạng ngập nước không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng nhiều đến môi trường đầu tư kinh doanh, du lịch ở TP HCM. Điển hình như nạn ngập nước ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) mấy năm trước đã khiến hàng loạt chuyến bay bị ngưng trệ. Dù đã giải quyết phần nào nhưng nỗi lo ngập ở sân bay thực tế vẫn chưa được giải quyết triệt để vì nhiều dự án cải tạo hệ thống thoát nước quanh sân bay, trong đó có tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát dẫn nước ra sông Sài Gòn vẫn chưa hoàn thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay giải bài toán ngập nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO