Lưu luyến chợ phiên

Thủy Anh 23/06/2021 13:00

Chợ là một nét văn hóa có từ lâu đời ở mọi vùng miền trên khắp đất nước ta. Trong đó, chợ phiên vùng cao được cho là nơi tập trung những nét đẹp văn hoá của các dân tộc thiểu số.

1. Sinh ra ở miền núi, mỗi lần về quê tôi thường có thói quen xem lịch, để biết trong khoảng thời gian ở nhà có ngày nào họp chợ hay không. Chỉ muốn có thật nhiều thời gian rảnh rỗi để được đắm mình trong không gian của những phiên chợ. Theo lịch âm, cứ những ngày lẻ mấy xóm xung quanh nhà tôi lại họp chợ thường, còn ngày chẵn như mùng 10, 20, 30 là ngày chợ chính.

Mỗi buổi chợ, từ sớm tinh mơ, mẹ tôi lại chuẩn bị gồng gánh đống “hàng”, nào là mấy mớ rau ngoài vườn trồng sẵn, mấy nải chuối mới chín, vài quả mít... mang ra chợ. Giống như mẹ tôi, nhiều người trong xóm cũng vô tình trở thành “dân buôn” như vậy. Những món đồ bán chỉ có giá vài nghìn, ngồi hết cả buổi lãi cũng chỉ được mấy đồng lẻ. Nhưng đó đã là cả niềm vui, là cách “kiếm ăn” mà ai cũng cố gắng để làm.

Điều mà tôi nhớ nhất là những lần thay mẹ ra chợ bán, vui sướng khi thấy những người mua cũng chân chất như người bán vậy, chẳng kì kèo. Họ có thể mời nhau, cho nhau những “món hàng”, bởi đơn giản đều là người cùng xóm, cùng làng, cùng xã. Người dân cứ thỏa sức mà họp chợ, nhường nhau “chỗ đẹp” để ngồi. Những hôm mẹ tôi không có hàng gì bán, bà lại xách theo cái làn làm người đi chợ, để mua về cho nhà mình những thứ lặt vặt còn thiếu.

Chợ phiên quê tôi mọi mặt hàng đều rất thủ công. Những con dao bán sẵn cũng do người dân tự tay làm. Những cái thúng, cái quạt nan, cái nón... đều được làm từ đôi tay khéo léo, chăm chỉ của người miền núi. Có cả những bà cụ đã ngoài 60, 70 tuổi vẫn miệt mài đi chợ bán những món đồ dân dã.

Tôi nhớ nhất là quán bánh đa quạt than của một bà cụ làng bên. Bà ngồi quạt bánh đa từ khi tôi còn rất nhỏ. Những chiếc bánh được làm từ sắn, tráng mỏng vô cùng khéo léo, là cả tuổi thơ của rất nhiều đứa trẻ. Mỗi buổi chợ, bà lại mang theo một tải than củi, ngồi trong một góc nhỏ quạt cho bánh thật giòn để bán cho khách đến mua…

Được đi chợ với những người trẻ như tôi là niềm vui, là kỷ niệm. Vì ở đó, chúng tôi được gặp nhiều người, gặp bạn bè mà bình thường ít có thời gian để gặp.

Lựa chọn hàng hóa ở chợ phiên.

2. Chợ phiên vùng cao khác chợ thông thường ở chỗ chỉ mở bán vào những ngày đặc biệt cố định. Có chợ thì mở vào thứ Bảy, Chủ nhật mỗi tuần, có một vài chợ mở vào thứ Năm, thứ Sáu; có nhiều chợ mở theo ngày Dần và Thân, Tỵ và Hợi mỗi tháng.

Chợ phiên mang nét đẹp văn hóa không thể nào trộn lẫn và cũng là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Đó không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và cũng là nơi cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục…

Đến với Lào Cai, có thời gian lưu lại chợ phiên ở Bắc Hà chắc hẳn khách du lịch sẽ chẳng thể nào quên được. Không thể quên món bún đặc sản, món thắng cố béo ngậy mà chỉ có vùng Tây Bắc này mới có được vị đậm đà thơm ngon đến thế. Chỉ tới đây mới thấy được nét thơ ngây hiền dịu của những cô con gái vùng cao e ấp mong kiếm tìm được cho mình một nửa thương yêu; thấy những bà những chị với bị to gùi nhỏ rộn ràng mua bán. Thỉnh thoảng lại nghe thấy cả tiếng khèn, tiếng sáo, hay tiếng hát cất lên văng vẳng nơi góc chợ. Ở đó cũng có những lời mặc cả bán mua nhưng chất phác thật thà.

Người đến chợ cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, đặc biệt là có nhiều nam nữ thanh niên. Những bà mẹ, những người vợ đi chợ để mua sắm. Các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn. Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ. Thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình tạo nên một khung cảnh vui tươi, đầy sắc màu rực rỡ. Họ cùng tạo cho vùng Tây Bắc một nét đẹp, nét văn hóa tuyệt vời, khiến cho những người đã từng tới đây luôn ấn tượng và mong có một ngày trở lại.

Để đi chợ phiên, người dân phải dậy từ lúc trời còn tối. Họ đến chợ với hành lý đơn sơ là chiếc gùi đựng vài cân gạo, mớ rau hay nải chuối. Những chiếc bao tải nhỏ đựng vài lưỡi cuốc, con dao, cái liềm hay dắt theo cả con bò, con ngựa, con lợn, con gà…

Những sản phẩm ấy là kết tinh của sự lao động cần cù, cũng là những sản vật đặc trưng do bà con các dân tộc làm ra. Hàng hóa mang đi rất đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ - là những tấm bạt trải ra giữa đất, nơi nào tốt hơn chút thì là những chiếc lán nhỏ được làm bằng tre, nứa. Tuy đơn sơ nhưng nơi đây là nơi bày đủ thứ của ngon vật lạ từ núi rừng.

Nói chợ phiên là nét đẹp văn hoá độc đáo mang đặc trưng của đồng bào vùng cao bởi người dân vùng cao đến chợ không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình tô thêm sắc màu cho phiên chợ. Tại các phiên chợ, sẽ được nhìn ngắm những gương mặt thuần phác của người dân tộc trong bộ trang phục truyền thống mà phụ nữ mặc. Họ cũng bán chính những sản phẩm mà họ tự tay làm ra như những chiếc áo, chiếc váy được cắt may, thêu tay tinh xảo…

Đi chợ cùng mẹ.

3. Khi đô thị hóa phát triển, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang dần thay thế cho chợ truyền thống thì chợ phiên ở miền núi phía Bắc nước ta vẫn còn tồn tại như thuở nguyên sơ, vẫn tấp nập kẻ bán người mua và vẹn nguyên nét truyền thống. Ngày nay, du khách khắp nơi đổ về các vùng miền núi ngày một nhiều, có sự “góp sức” của những phiên chợ vùng cao. Bởi đến với chợ phiên, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa đầy tính cộng đồng - một nét đẹp vùng cao hiếm có.

Chợ phiên ngày nay không chỉ là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương do đồng bào các dân tộc tự tay làm ra mà nó còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Chợ phiên chưa bao giờ thôi là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu văn hóa vùng cao.

Đến chợ phiên có thể thấy được sự đa dạng sắc màu trong văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi núi rừng. Chẳng thế mà, như lẽ tự nhiên, về Lào Cai, ai cũng muốn được một lần dự phiên chợ Bắc Hà. Về Cao Bằng dự chợ phiên Trùng Khánh, đến Sa Pa có chợ tình, chợ Sa Pa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lưu luyến chợ phiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO