Mạnh tay để bao phủ vaccine

Hà Anh 01/10/2021 11:11

Cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu đang ở giai đoạn nước rút, số ca mắc có chiều hướng giảm, cùng với đó, độ bao phủ vaccine cũng không ngừng tăng tại nhiều nước.

Tuy nhiên, để đạt được số phần trăm tiêm chủng an toàn vẫn còn cả chặng đường dài. Đây chính là động lực để nhiều quốc gia đưa ra các biện pháp cứng rắn đối với những người không tiêm vaccine.

Nhiều biện pháp mới

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền Israel đã ban hành quy định mới. Theo các quy định mới, hơn 1 triệu người Israel sẽ không có “Thẻ xanh”, bắt đầu từ ngày 3/10 do từ chối tiêm chủng liều vaccine ngừa Covid-19 thứ 3. Theo thống kê của Bộ Y tế Israel, khoảng hơn 3,2 triệu người Israel đã được tiêm liều vaccine thứ 3 và được cấp “Thẻ xanh”.

Israel đã tái áp dụng các hạn chế đối với việc tụ tập đông người khi tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày vẫn ở mức cao. Dù đạt tỉ lệ tiêm chủng hơn 78% và đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên nhưng số ca mắc Covid-19 mới tại Israel vẫn ở mức hơn 3.800 ca/ngày.

Trong khi đó tại Pháp, chính phủ nước này sẽ yêu cầu người dân phải tự bỏ tiền túi để trả phí xét nghiệm nếu được yêu cầu trong trường hợp từ chối tiêm vaccine. Đây là một trong những điều chỉnh về quy định y tế nhằm nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của Pháp.

Trong tuyên bố ngày 28/9, Thủ tướng Pháp Jean Catex cho biết, ngân sách nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ chi phí xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) cho các trường hợp có chỉ định của bác sĩ hoặc đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Ngược lại, những trường hợp từ chối tiêm vaccine thì sẽ phải tự bỏ tiền túi để trả phí xét nghiệm nếu được yêu cầu.

Tính đến nay, có khoảng 72% người dân Pháp đã hoàn thành việc tiêm vaccine. Ông Castex hy vọng quy định mới này sẽ khuyến khích những người còn nghi ngờ hiệu quả của vaccine sẽ đi tiêm phòng và những người đã tiêm vaccine vẫn tiến hành xét nghiệm nếu nghi ngờ có các dấu hiệu mắc Covid-19.

Cuối tháng trước, Sở Y tế bang New York (Mỹ) đã ban hành lệnh sa thải hoặc đình chỉ công tác đối với các nhân viên y tế không chịu tiêm vaccine Covid-19. Lệnh này yêu cầu tất cả nhân viên y tế phải tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên ít nhất vào ngày 27/9, khiến các bệnh viện đổ xô đi tiêm chủng cho nhân viên của họ.

Novant Health, một hệ thống bệnh viện lớn ở Bắc Carolina (Mỹ) cũng đã đình chỉ công việc đối với 375 nhân viên tại 15 bệnh viện và 800 phòng khám thuộc hệ thống vào tuần trước do không tuân thủ quy định tương tự.

Theo bà Megan Rivers, Giám đốc quan hệ truyền thông của Novant Health, chỉ trong vòng 5 ngày sau khi quyết định đình chỉ được đưa ra, 200 nhân viên của hệ thống bệnh viện này đã đồng ý tiêm vaccine.

Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu tất cả các chủ lao động với ít nhất 100 nhân viên trở lên sẽ phải đảm bảo lực lượng lao động của mình được tiêm vaccine đầy đủ hoặc yêu cầu những nhân viên chưa được tiêm phòng có xét nghiệm âm tính với Covid-19 ít nhất 1 lần/tuần.

Mạnh tay ngay cả ở nơi thiếu vaccine

Trong nhiều tháng, Acholo Jani, một thợ máy 43 tuổi người Zimbabwe, đã do dự, lo sợ về những tác dụng phụ có thể xảy ra khi được yêu cầu tiêm vaccine Covid-19. Nhưng ngay khi được thông báo rằng, việc tiêm chủng sẽ cứu được công việc của anh ấy, Jani đã sẵn sàng xếp hàng chờ được tiêm.

Chủ lao động của Jani nằm trong số nhiều doanh nghiệp ở Zimbabwe được ủy quyền tiêm vaccine cho nhân viên của họ. Ngay cả các cơ quan chính phủ cũng đang yêu cầu tiêm vaccine Covid-19 cho 500.000 nhân viên của mình. Điều đó khiến Zimbabwe khác biệt với hầu hết các quốc gia khác tại châu lục, nơi thách thức trước mắt vẫn là làm thế nào để có đủ vaccine.

Chính phủ Zimbabwe cho biết, hiện tại, họ có nguồn cung vaccine dồi dào, chủ yếu được mua từ Trung Quốc, nhưng sự chần chừ tiêm đang kìm hãm chiến dịch của họ - một vấn đề cũng gây khó khăn cho các quốc gia châu Phi khác, một phần do sự thiếu tin tưởng chung của các nhà chức trách.

Tuy nhiên, chiến lược tiêm chủng của Zimbabwe đang đặt ra những câu hỏi đáng lo ngại về sự cân bằng cung – cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, khác với các nước giàu có, việc triển khai của Zimbabwe không phù hợp với tiềm lực vaccine hiện có. Các trung tâm tiêm chủng đôi khi thiếu nguồn cung cấp, các thị trấn nghèo ở thành thị và các vùng nông thôn thường bị thiếu vaccine trong những tháng gần đây.

“Chính phủ Zimbabwe trước tiên nên tập trung vào việc đảm bảo rằng vaccine được cung cấp bình đẳng cho tất cả mọi người mà không gặp bất kỳ trở ngại nào trước khi xem xét việc bắt buộc tiêm vaccine”, bà Dewa Mavhinga, Giám đốc khu vực Nam Phi của Tổ chức Theo dõi nhân quyền cho biết.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Johannes Marisa, chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ tư nhân về y tế và Nha khoa của Zimbabwe lại cho rằng, tiêm chủng là nhiệm vụ rất quan trọng. “Bạn phải dùng biện pháp mạnh nếu muốn đạt được bất kỳ bước tiến nào. Sức khỏe cộng đồng cần được ưu tiên”, bà Marisa nói và tin rằng, thách thức lớn nhất tại châu Phi đang chuyển từ việc làm cách nào có được vaccine sang việc đưa chúng vào vòng tay những người do dự.

Cho đến nay, khoảng 15% trong số 15 triệu người Zimbabwe được tiêm chủng đầy đủ - cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của châu Phi là 4% nhưng còn xa mục tiêu của chính phủ là 60%.

Jani cho biết, tại nơi làm việc của anh, thẻ tiêm chủng giờ đây chính là “vé vào cổng”. “Không có nơi nào để trốn”, Jani nói khi đang đợi tiêm vaccine trên một con đường đầy bụi bên ngoài một phòng khám ở thị trấn Mufakose của Thủ đô Harare.

Tuy nhiên, nước láng giềng của Zimbabwe là Nam Phi, nơi có số ca tử vong do Covid-19 nhiều nhất lục địa với hơn 87.000 người, lại đang hướng tới các ưu đãi. Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết, những người được tiêm chủng đầy đủ có thể sớm được phép tham dự các sự kiện thể thao và hòa nhạc.

Một số công ty tư nhân tại Nam Phi đã cho thấy, các yêu cầu tiêm vaccine đang diễn ra. Công ty Bảo hiểm y tế và Dịch vụ tài chính khổng lồ Discovery, sử dụng hơn 14.500 nhân viên ở Nam Phi, cho biết, họ sẽ yêu cầu tất cả nhân viên của mình phải tiêm phòng vào đầu năm tới để có thể làm việc tại văn phòng.

Theo WHO, tại các nước kém phát triển ở khu vực châu Phi, trung bình chỉ có khoảng 4% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới tái khẳng định, mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho 40% dân số của mọi quốc gia vào cuối năm nay và 70% dân số vào giữa năm sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay để bao phủ vaccine

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO