Mặt trận tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Quốc Trung 12/12/2016 16:58

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở cơ sở và địa phương.

Mặt trận tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị tập huấn trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng dân cư do Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tại Bạc Liêu ngày 12/12, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết: Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm; việc huy động sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng gia tăng.

Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng, đời sống văn hóa tình thần, vui chơi, giải trí và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được đảm bảo.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp và không có chiều hướng giảm. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra nhiều so với tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Số vụ trẻ em bị xâm hại, bị hành hạ, bị gây thương tích dẫn đến chết người vẫn xảy ra ở nhiều nơi gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tính chất các vụ án xâm hại trẻ em diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn...

Mỗi năm, trung bình có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, trong đó có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em).

Tính đến nay đã có 100% các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc việc quản lý các đối tượng trẻ em trên địa bàn; 46/63 số tỉnh, thành phố xây dựng thí điểm hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và có khoảng 1.226 xã, phường xây dựng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Thời gian qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở cơ sở và địa phương.

Mặt trận cũng tích cực tham gia trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại mỗi gia đình và cộng đồng dân cư thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Cụ thể, Mặt trận các tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm sóc bảo vệ trẻ em như: Bạc Liêu đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em”.

Sở LĐTB&XH phối hợp với MTTQ và các Sở ngành liên quan đăng cai tổ chức “Trại hè liên tỉnh Ước mơ hồng” gồm 5 tỉnh: Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, diễn ra 6/2016, đây là một hoạt động quan trọng, mang nhiều ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm của các cấp các ngành chăm lo cho trẻ em, nhất là đối với các em hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo, khuyết tật...

Thời gian qua, Đồng Tháp được nhắc tới việc thực hiện nhiều mô hình, câu lạc bộ về công tác chăm sóc giáo dục trẻ em như: CLB “Ông, bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; Mô hình CLB “Cha mẹ trò chuyện với con”, đã tạo được mối quan hệ tương tác giữa cha mẹ với con cái, giúp cha mẹ hiểu con cái hơn và ngược lại; Mô hình “Liên kết các thế hệ” tất cả chấp hành pháp luật, chăm sóc lẫn nhau, hỗ trợ chia sẻ trong phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp Đoàn Thị Nghiệp cho biết: Các mô hình thực hiện công tác chăm sóc giáo dục trẻ em đang được chúng tôi nhân rộng. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nhằm bảo vệ trẻ em không bị xâm hại, đuối nước, tai nạn giao thông… tích cực tổ chức các điểm sinh hoạt văn hoá, văn nghệ lành mạnh cho các em tham gia, nhất là các em ở vùng sâu và vùng biên giới…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn tới công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở địa phương. Cụ thể là tình hình trẻ em bỏ học, trẻ em thất học; trẻ em lang thang cơ nhỡ; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em bị lạm dụng sức lao động; trẻ em bị bạo hành; trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị các địa phương tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực hiện có hiệu quả trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của địa phương.

Trong đó cần chú trọng đến những kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác bạo hành, xâm hại trẻ em ở địa bàn dân cư; cách xử lý của chính quyền và sự tham gia của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng; công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em ở cộng đồng cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO