Mở đường, lối mới

(Còn nữa) 13/05/2017 14:05

Tái cơ cấu nông nghiệp bằng sản xuất chất lượng cao gắn với phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu đang là mệnh lệnh từ cuộc sống, hối thúc nhiều quyết tâm biến thành hành động, trong đó có sứ mệnh của các doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ cao đang đặt ra yêu cầu đổi mới trong việc hình thành hợp tác xã.
Trong ảnh: Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm Trung tâm ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, sự tham gia của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng nhưng không thể đợi các doanh nghiệp vào cuộc để thay đổi bộ mặt nông nghiệp Việt Nam, người nông dân vẫn phải tự lo cho mình trên đồng đất quê hương bằng việc tham gia hợp tác xã, chỉ có thông qua hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, từ đó nhiều con đường mới sẽ mở lối.

Từng có một thời gian dài theo dõi quá trình này khi còn làm Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến lúc chuyển sang cương vị là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân luôn trăn trở với câu hỏi: vì sao nông nghiệp Việt Nam có năng suất, kỹ thuật cao để sản xuất ra các mặt hàng thuộc tốp đầu thế giới như lúa, tôm, cà phê, điều, tiêu, sắn…nhưng năng suất lao động và thu nhập của người nông dân lại chỉ bằng 1/3 so với các ngành nghề khác.

Lý do khái quát nhất là vì mô hình sản xuất nông nghiệp dựa trên hộ cá thể là chính không liên kết với các hộ cá thể khác. Điều này không tương thích với kinh tế thị trường trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Do đó việc sửa mô hình sản xuất là cái gốc của vấn đề.

Người đứng đầu Mặt trận nêu ví dụ, hiện nay sản xuất phải theo nhu cầu thị trường trong nước, nước ngoài. Bình quân mỗi hộ cá thể của Việt Nam có 2 lao động, diện tích canh tác từ 2000m2 cho đến khoảng độ 1,2hecta. Không học kinh tế, những thành viên trong hộ cá thể này không thể biết thị trường cần gì, chỉ cần thấy nhiều người làm tốt có cái ăn là trồng, là nuôi theo, góp phần làm tăng sản lượng nhưng vô hình trung giá thành sẽ hạ xuống.

Đó cũng là tình trạng chung của 12 triệu hộ nông dân Việt Nam.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nói đến sản xuất thì cần phải có vốn nhưng ai cũng vậy, đã vay vốn thì phải có thế chấp nhất là vay trực tiếp. Nhưng người nông dân lấy gì thế chấp khi họ chỉ có một miếng đất vài nghìn m2 ngoài ra chẳng còn gì để các ngân hàng “nhiệt tình” chào đón.

Hiện nay trong sản xuất kinh tế thị trường, sản phẩm phải được xác nhận đảm bảo an toàn thì mới được thị trường chấp nhận. Nhưng với hệ thống quản lý chất lượng ở Việt Nam thời điểm này không có đủ người để đến tận 12 triệu hộ nông dân/năm xác nhận “an toàn”. Ngay kể cả một hộ cá thể tự bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống sản xuất và để xác nhận cũng không là điều dễ dàng bởi chi phí cũng vô cùng tốn kém.

Điều này có thể thấy rõ trong việc công nhận theo chứng chỉ VietGAP- nhiều hộ nông dân đã bỏ cuộc vì không có điều kiện để theo tới cùng.

“Không có người” cũng là tình trạng tiếp tục diễn ra trong việc hỗ trợ tư vấn giúp đỡ 12 triệu hộ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Cùng với đó, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tái cơ cấu nông nghiệp đang đặt ra bài toán phải liên kết. Có nhiều con đường để liên kết và con đường dễ thấy nhất đó là gắn với doanh nghiệp, trở thành người làm thuê cho doanh nghiệp. Đất có thể vẫn là của người nông dân nhưng doanh nghiệp yêu cầu người nông dân trồng cây này nuôi con kia theo lịch trình của họ, bằng giống vật tư mà họ cung cấp.

Đây là mô hình tốt nhưng có phải là mô hình chủ yếu để đất nước phát triển hay không thì người đứng đầu Mặt trận rất trăn trở và đề nghị các chuyên gia nông nghiệp, kinh tế…cần bàn sâu hơn để không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào cho đất nước.

Bởi vì hiện nay, mô hình liên kết ở trên thế giới được chọn nhiều nhất vẫn là HTX. Lấy dẫn chứng từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những hộ nông dân vẫn là cá thể nhưng họ liên kết trong HTX.

Khẳng định sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong việc đầu tư làm nông nghiệp chất lượng cao và cần sự khuyến khích, ủng hộ cho quyết tâm này nhưng Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, không thể mong tất cả doanh nghiệp làm nông nghiệp với hàng trăm hecta. Quan điểm của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân là cần thảo luận kỹ vấn đề này, xem đấy có phải mô hình chủ yếu của nông nghiệp Việt Nam 20 năm nữa hay không. Bởi đó không phải là kinh nghiệm của Việt Nam càng không phải là kinh nghiệm của quốc tế.

Lấy ví dụ hiện nay Việt Nam có một số doanh nghiệp rất có tiềm năng, tên tuổi đang đầu tư vào những khu công nghệ cao khoảng 300 hécta, người đứng đầu Mặt trận nêu vấn đề, hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp làm việc này? trên thực tế là rất ít, chỉ khoảng 20 doanh nghiệp.

“Giả sử có 50 doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp, mỗi doanh nghiệp 300ha tính ra là 15.000ha. 15.000ha này chỉ chiếm khoảng 0,14% của diện tích 10,4 triệu ha trồng lúa, hoa màu. Nếu có thêm 500 doanh nghiệp đầu tư thì cũng chỉ giải quyết được 1,4% diện tích. Cho nên 98% các doanh nghiệp nếu làm thì sẽ làm theo kiểu hợp tác với hộ cá thể hoặc HTX”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Lấy ví dụ cụ thể từ Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, người đứng đầu Mặt trận chia sẻ, quãng 10 năm trước, công ty này muốn giúp nông dân có thu nhập cao từ trồng lúa, bằng cách vận động nông dân sản xuất theo yêu cầu của công ty. Tức là phải trồng một loại lúa giống nhau trên các ruộng lúa gần nhau. Phân bón do người dân tạm ứng và Công ty hỗ trợ tối đa cho đến khâu thu hoạch, vận chuyển.

Nhưng muốn làm được điều này, Công ty phải có hai nghìn hướng dẫn viên kỹ thuật để hướng dẫn kỹ thuật cho trên hai vạn hộ nông dân.

“Tấm lòng và nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo công ty này là rất đáng trân trọng bởi không có công ty nào ở Việt Nam lại có thể hợp đồng một lúc với hai vạn hộ nông dân để trồng lúa. Nhưng do không đủ lực cuối cùng họ phải từ bỏ mô hình này và tiếp tục giúp nông dân bằng cách khác đó là thay vì giúp 2 vạn hộ nông dân họ chỉ phải giúp 200 HTX”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Như vậy đầu mối để tiếp nhận hỗ trợ của doanh nghiệp không phải hộ cá thể mà phải là HTX và người hướng dẫn kỹ thuật, khoa học công nghệ đến dân không phải doanh nghiệp mà chính là HTX.

Như vậy đây cũng là bài học rất quan trọng để thấy không thể dựa vào một doanh nghiệp mà hướng dẫn cho hàng nghìn hộ nông dân để coi rằng đó là con đường phát triển chủ yếu mà HTX chính là doanh nghiệp tự chủ.

Và việc các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao không phải là giải pháp chủ yếu mà đấy là giải pháp hỗ trợ nhằm tạo sự đồng bộ trong cơ cấu của nền kinh tế. Thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang phải bù lỗ và việc họ làm thực sự là tấm lòng với đất nước với khao khát muốn sản xuất thực phẩm an toàn, muốn tạo thương hiệu cho hàng Việt chất lượng cao.

“Đó là điều hết sức quý giá. Nhưng nói như thế cũng có nghĩa là doanh nghiệp mới chỉ giúp cho người nông dân trên khoảng 5-7% diện tích đất nước mà thôi, còn lại hơn 90% người nông dân phải tự lo cho mình”, người đứng đầu Mặt trận nhấn mạnh.

Bởi vậy, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là một yêu cầu bức thiết hiện nay nhưng mô hình chính không phải là của doanh nghiệp, mô hình chính phải là HTX. Còn để xuất khẩu ra thị trường thế giới, trước khi HTX có đủ kinh nghiệm cho việc này thì vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, họ có thể giúp HTX tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Mô hình HTX có một đặc điểm là phát huy hết sức mạnh của cả một tập thể, bằng cách trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ công cụ sản xuất…

Cho nên để lý giải cho trăn trở sản xuất năng suất tự nhiên, năng suất kỹ thuật tăng nhưng thu nhập lại thấp, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân là do mô hình sản xuất không tương thích. Sự không tương thích trong kinh tế thị trường cả về đàm phán đầu vào, đầu ra, sản phẩm xác nhận, bán theo nhu cầu thị trường.

Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi mô hình. Người đứng đầu Mặt trận khẳng định, có 3 mô hình. Thứ nhất điều mà thế giới đã làm nhiều nhất là thành lập HTX. Cách thứ hai là doanh nghiệp thuê người dân làm nhưng ở mức độ quản lý được, chứ không phải như câu chuyện của Công ty cổ phần bảo vệ thực phẩm An Giang từng quản lý tới hơn 2 vạn nông dân.

Và mô hình thứ 3 là sau khi các hộ cá thể vào HTX, HTX ký hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm mua đầu vào. Mối quan hệ lúc này không còn là cá thể với doanh nghiệp nữa mà là mối quan hệ của hai tổ chức kinh tế.

“Điều quan trọng là trong HTX, người nông dân- hộ cá thể giữ vai trò làm chủ và liên kết lại từ đó liên kết với doanh nghiệp. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, vai trò chủ thể của người nông dân trong HTX chính là lý do để đất nước tồn tại và phát triển”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở đường, lối mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO