Mô hình vay vốn và phát triển kinh tế của Việt Nam rất đáng học tập, nhân rộng

K.Lê 20/09/2018 18:46

Đây là khẳng định của Tiến sĩ Prasun Kumar Das - Tổng Thư ký Hiệp hội APRACA khi tìm hiểu về hoạt động của NHCSXH tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Mô hình vay vốn và phát triển kinh tế của Việt Nam rất đáng học tập, nhân rộng

Tiến sĩ Prasun Kumar Das - Tổng Thư ký Hiệp hội APRACA tìm hiểu về mô hình sản xuất đậu phụ của gia đình bà Nguyễn Thị Lịch.

Nằm trong chương trình Hội thảo quốc tế “Thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn vì người nghèo - kinh nghiệm của Việt Nam”, vừa qua, đoàn cán bộ cấp cao của Hiệp hội các tổ chức Mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính bền vững cho người nghèo (APRACA) do Tiến sĩ Prasun Kumar Das - Tổng Thư ký làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác và tìm hiểu về hoạt động của NHCSXH tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội).

Điểm đến đầu tiên của Đoàn là xã Vĩnh Ngọc là một xã có diện tích đất tự nhiên 929 ha bao gồm 4 thôn với 15.500 nhân khẩu. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để SXKD, mở rộng các loại hình dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt… tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nguồn vốn góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Tại đây, Đoàn công tác của Hiệp hội APRACA cũng đã tìm hiểu mô hình hoạt động Điểm giao dịch xã, công tác ủy thác vốn vay qua 4 tổ chức hội, đoàn thể và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời tìm hiểu về phương thức chuyển tải và quản lý vốn vay của NHCSXH.

Đặc biệt Đoàn đã đến thăm hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lịch, thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Từ một gia đình hộ nghèo, phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm ăn, năm 2016 gia đình bà được vay 30 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH để đầu tư máy móc và các thiết bị làm đậu phụ phục vụ bà con.

Với bản tính cần cù, chịu khó, hằng ngày bà Lịch làm đậu phụ và trực tiếp mang đến các chợ tiêu thụ, đến nay mỗi tháng trừ chi phí gia đình bà Lịch có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, gia đình bà còn được tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Gia đình chị Đinh Thị Toan cũng ở thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc có hoàn cảnh khó khăn. Hai vợ chồng chị bươn chải làm nhiều nghề để kiếm sống, nhưng cuộc sống rất bấp bênh.

Tháng 3/2018, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ thôn, chị được vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn, đến nay, chị đã phát triển gia trại hơn 2ha với các loại cây ăn quả như cam, chuối… và đàn gà gần 500 con chuẩn bị cho thu hoạch, hứa hẹn một tương lai không xa sẽ mang đến thu nhập cao cho gia đình chị.

Trò chuyện với đoàn công tác, chị Toan cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH gia đình tôi mới có điều kiện đầu tư phát triển mở rộng chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình. Nếu không có nguồn vốn vay này, gia đình tôi cũng không biết đến bao giờ mới có cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Bà Gouri Krishna - Tổng Giám đốc tổ chức Basix consulting (Ấn Độ) thành viên đoàn công tác cho rằng việc NHCSXH cho vay đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hết sức hiệu quả, thực hiện giao dịch tại Điểm giao dịch xã thông qua chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn là một nét đặc thù, riêng có của NHCSXH, rất đáng để các quốc gia trong Hiệp hội APRACA và các quốc gia có tỷ lệ hộ nghèo cao học hỏi, rút kính nghiệm.

“Đây là một mô hình quản lý riêng của hệ thống NHCSXH và của đất nước Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng được thụ hưởng trong việc vay vốn, trả nợ và nắm bắt kịp thời các thông tin về tín dụng chính sách, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại khi giao dịch với NHCSXH, tạo được niềm tin của nhân dân”, bà Gouri Krishna đánh giá.

Đồng quan điểm Tiến sĩ Prasun Kumar Das - Tổng Thư ký Hiệp hội APRACA cũng cho rằng việc NHCSXH cho vay đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hết sức hiệu quả, những mô hình vay vốn và phát triển kinh tế như thế này rất đáng được học tập, nhân rộng và kinh nghiệm trong việc quản lý, chuyển tải vốn vay là bài học để nhiều nước trên thế giới học tập.

Tiến sĩ Prasun Kumar Das cũng khẳng định các chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH đang triển khai là kênh tín dụng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện cải thiện cuộc sống, thoát nghèo, nâng cao trình độ. Nhờ được vay vốn từ NHCSXH nên vị thế của người nghèo tại Việt Nam đã được nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình vay vốn và phát triển kinh tế của Việt Nam rất đáng học tập, nhân rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO