Mối lo của ngành chăn nuôi: Mạnh ai nấy làm

Minh Phương 22/03/2017 08:35

Suốt từ thời điểm trước Tết Nguyên đán cho đến nay, giá thịt gia cầm giảm sâu khiến người chăn nuôi vùng Đông Nam bộ lỗ lớn. Thực trạng này cũng diễn biến tương tự đối với ngành chăn nuôi lợn trên cả nước. Theo ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thực tế, bà con nông dân vẫn đang chăn nuôi theo kiểu tự phát. Điều quan trọng là phải thay đổi bằng được tư duy của người chăn nuôi, cần phải để ý tín hiệu của thị trường chứ không nên chăn nuôi theo kiểu tự phát.

Cung vượt cầu do tăng đàn quá nóng khiến giá các sản phẩm chăn nuôi sụt giảm liên tục - đó là “vấn đề muôn thuở” mà ngành chăn nuôi nước ta hầu như năm nào cũng phải đối mặt. Trong bối cảnh hàng hóa nước ngoài ngày càng có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường trong nước, giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng, người chăn nuôi phải thay đổi phương thức sản xuất nếu không muốn bị hàng ngoại đè bẹp.

Đa số bà con chăn nuôi theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ.

Hệ lụy từ lối chăn nuôi tự phát

Suốt từ thời điểm trước Tết Nguyên đán cho đến nay, người dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ chứng kiến cảnh giá thịt gia cầm sụt giảm sâu. Theo phản ảnh của bà con nông dân tỉnh Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm 2017, giá thịt gà giảm khiến người nuôi lỗ lớn. Nguyên nhân của thực trạng này vẫn xuất phát từ một vấn đề không mới, đó là do bà con nông dân thấy thương lái tìm mua trả giá cao đã ồ ạt lao vào chăn nuôi tăng đàn gà. Khi đến thời điểm xuất chuồng, thương lái lại mua với giá thấp hoặc hủy luôn các giao kèo đã thỏa ước trước đó khiến bà con nông dân lỗ nặng.

Thực trạng này cũng diễn biến tương tự đối với ngành chăn nuôi lợn. Cụ thể, giá thịt lợn liên tục bất ổn, lên xuống bấp bênh đẩy người nông dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ vào tình trạng khốn đốn. Có thời điểm, lợn đến thời điểm xuất chuồng nhưng giá lợn lại giảm quá sâu khiến cho bà con nông dân lâm cảnh “bán thì lỗ, không bán thì ế”.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thực tế, bà con nông dân vẫn đang chăn nuôi theo kiểu tự phát, nghĩa là thấy giá lên thì ồ ạt tăng đàn, không quan tâm đến thực tế cầu của thị trường ra sao. Và hệ lụy của cách làm ăn tự phát là thừa, ế, bị thương lái ép giá, giá thụt giảm sâu, bà con thua lỗ. Đây là câu chuyên không mới song hầu như năm nào người chăn nuôi cũng phải đối mặt. Ông Trọng cho hay, năm 2016, đàn lợn được nhân rộng và đã lên tới 4,2 triệu lợn nái, lợn thịt có lên đến 29 triệu con. Sản lượng tăng cao gây áp lực cung vượt cầu dẫn đến giá thịt lợn trong năm 2016 đã rớt thảm hại. Nếu năm nay, bà con nông dân không rút ra được bài học đó, vẫn ồ ạt tăng đàn, gây quá tải nguồn cung thì thực trạng “được mùa rớt giá” sẽ tiếp tục tái diễn.

Ngay ở thời điểm hiện tại, giá thịt lợn có nhích lên đôi chút so với trước Tết Nguyên đán, song theo ông Trọng, dù giá thịt lợn tăng trở lại, nhưng trước thực trạng quy mô đàn lợn tăng chóng mặt như hiện nay, chắc chắn việc sản xuất của bà con sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Và như vậy, người chăn nuôi phải gánh chịu những hệ lụy do chính mình tạo ra.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, một thực trạng tồn tại lâu nay của ngành chăn nuôi nước nhà đó là sản xuất theo hướng tự phát, thích gì nuôi đó, không cần biết giới hạn nhu cầu của thị trường. Việc sản xuất vẫn theo hướng “mạnh ai nấy làm” đã và đang làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi nước nhà. Nếu tiếp tục sản xuất theo tư duy đó, sớm muộn ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị các sản phẩm nông nghiệp nước ngoài đè bẹp.

Nếu vẫn sản xuất theo phương thức cũ, tăng đàn ồ ạt,
người nông dẫn sẽ phải gánh nhiều hệ lụy.

Khắc phục cách nào?

Để “chữa” căn bệnh “trầm kha” này, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, giải pháp cấp thiết là phải kìm hãm được nguy cơ tăng đàn vật nuôi, vì nếu không sẽ đẩy nguồn cung tăng cao quá mức vượt cầu, khi đó, nếu không xuất chuồng được người nuôi lại mất thêm chi phí nuôi còn nếu muốn tiêu thụ ngay thì sẽ bị ép giá. “Điều quan trọng là phải thay đổi bằng được tư duy của người nuôi, cần phải để ý tín hiệu của thị trường chứ không nên chăn nuôi theo kiểu tự phát”- ông Trọng khuyến cáo và nhấn mạnh, các địa phương cần phải tập trung chỉ đạo nhà sản xuất cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường thịt lợn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, phải làm sao khuyến khích được người chăn nuôi tham gia chuỗi để tăng tính bền vững, ổn định, tránh tình trạng bấp bênh, “tự bơi”.

Theo TS. Dương Xuân Tuyển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA, không có vốn, kiến thức hạn chế, không chủ động được thị trường tiêu thụ là những khó khăn, rào cản đối với người nông dân Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, làm sao để kết nối giữa nông hộ và DN, thúc đẩy nông dân tham gia vào các chuỗi sản xuất, khuyến khích các trang trại chăn nuôi kết hợp với lò mổ từ đó giảm thiểu được khâu trung gian và giúp ổn định đầu ra. “Điều này không những tránh được nguy cơ bà con bị ép giá mà còn giúp việc thực hiện truy xuất nguồn gốc tốt hơn”- ông Tuyển nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối lo của ngành chăn nuôi: Mạnh ai nấy làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO