Một người tốt 'đáng sợ'

Phạm Quang Đẩu 18/02/2017 15:10

Anh bạn vàng của tôi đây ư? Mặt hốc hác xanh xao, tóc tai bờm xờm, ánh mắt ngơ ngác… Nửa năm trước khi cùng anh ra quán uống cà phê, tôi đã linh cảm anh đang bắt đầu bị mất dần trí nhớ. Lúc ấy tôi thử hỏi về cô Mỹ, anh lắc đầu không biết. Hỏi đã lĩnh lương chưa, anh không nhớ đã lĩnh chưa và cũng không biết lương hưu của mình là bao nhiêu. Cái đầu anh “hỏng” thật rồi sao!

Họa sĩ Văn Quỳnh.

Ngay bây giờ tôi đưa anh đi khám nhé, lúc đó tôi bảo vậy, anh cười, cái cười rất tươi và lành với hàm răng trắng bong đều tăm tắp, anh lại lắc đầu, không đi đâu Đẩu ạ, tôi có bệnh gì mà khám. Việc anh từ chối cũng dễ hiểu, đã gần 40 năm nay kể từ khi chúng tôi quen nhau, chưa bao giờ anh phiền lụy đến ai dù là việc nhỏ nhất. Anh chỉ sẵn thói quen gật đầu giúp người khác thôi.

Anh Quyền cùng dạy một trường trung học cơ sở với anh, lại trong đội tuyển bóng bàn của Sở Giáo dục Hà Nội với anh, có lần kể với tôi: Văn Quỳnh thật thà, tốt bụng hiếm có. Thời bao cấp, giáo viên trong trường được phân phối tiêu chuẩn săm lốp, nan hoa xe đạp ai cần anh đều nhường dù suốt đời anh chỉ đi cái xe đạp tồng tộc; anh dạy môn toán, hễ có phụ huynh đến nhờ kèm thêm con mình về toán, không bao giờ anh từ chối, nên nhớ thời ấy dạy thêm không có thù lao gì cả… Còn chuyện này của tôi, cũng xảy ra ở thời còn bao cấp. Ngày ấy nhà tôi trong một khu tập thể, ngăn cái bếp nhỏ khoảng dăm mét vuông thành chuồng nuôi lợn. Cần một con lợn giống, vừa nghe tôi nói vậy, anh cười bảo ngay, mình có cậu học trò nhà ở Đông Anh nuôi lợn nái, để mình lấy cho một con. Tôi cùng anh lọc cọc đạp xe sang Đông Anh mua về chú lợn khoang bé xíu. Rồi cả nửa năm trời vợ tôi cám bã vất vả, con lợn tăng trọng được có… 5 kí lô. Thì ra đó là loại lợn “dái trong”, còi dí còi dị. Biết chuyện anh không khỏi bất ngờ, thế mà cậu học trò nói lựa cho thầy con hay ăn chóng lớn nhất đàn. Tôi, anh cùng cười, hai thằng chẳng có chút “năng khiếu” gì về chăn nuôi(!)

Tôi lần đầu gặp anh là vào giữa năm 1979, khi vừa được về làm việc tại tòa soạn báo Quân Đội Nhân Dân. Hôm ấy anh đến tòa soạn đánh bóng bàn, tôi biết tiếng anh bởi đã xem tranh anh đăng trên các báo đại chúng. Anh là cây biếm họa có tên tuổi ở Hà Nội. Nhiều năm, tranh Văn Quỳnh xuất hiện đều đều trên các báo trung ương, địa phương: Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong, Tuổi trẻ Cười, Lao Động, Đại Đoàn Kết, Hà Nội mới, Giáo Dục và Thời Đại… Và hầu như có cuộc thi biếm họa nào anh cũng tham gia, đều đoạt giải cao, chẳng hạn: giải nhất cuộc thi quốc tế về bảo vệ môi trường ở Bungary do Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động năm 1990; giải nhì cuộc thi về an toàn giao thông do Hội Mỹ thuật và Bộ Giao thông vận tải tổ chức năm 1993; Giải nhất cuộc thi về nếp sống văn minh đô thị do Sở Văn hóa thông tin Hà Nội tổ chức năm 1995; Hai lần có tranh triển lãm khi tham gia giải biếm họa báo chí-cúp Rồng tre do báo Thể thao & Văn hóa phát động vào các năm 2007 và 2009; gần đây nhất, Văn Quỳnh trong số 6 họa sĩ biếm được Hội Mỹ thuật hỗ trợ kinh phí để tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc và tranh anh trong số 79 tác phẩm biếm họa được bầy tại nhà triển lãm số 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Biếm họa vốn là một nhánh của hội họa, gắn liền với báo chí, thời cuộc. Ở nước ta loại hình mỹ thuật này xuất hiện khá sớm. Năm 1922, trên báo Người cùng khổ (Le Paria) xuất bản tại Paris do Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã có những tranh đả kích thực dân Pháp do chính Người vẽ. Ở trong nước, từ năm 1932 trên báo Phong Hóa và Ngày Nay của Tự lực văn đoàn có những bức biếm họa đầu tiên cổ súy thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục. Năm 1991, Văn Quỳnh cùng 4 họa sĩ biếm nổi tiếng nữa là Lý Trực Dũng, Văn Thanh, Chóe (Nguyễn Hải Chí) và Trần Quyết Thắng được kết nạp đợt đầu tiên vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, còn trước đấy những người vẽ biếm đều là các họa sĩ danh tiếng, được đào tạo bài bản, như Mai Văn Hiến, Phan Kế An, Nguyễn Bích, Văn Đa, Phạm Thanh Tâm… Hội viên lớp sau này ở Ban Đồ họa là “nghiệp dư” cả, chẳng hạn: Văn Quỳnh cùng Văn Thanh, Trần Quyết Thắng nghề chính giáo viên phổ thông; Lý Trực Dũng kiến trúc sư; Phan Quốc Kỳ thợ nguội; Phạm Tấn Phú, Lê Viết Trí(bút danh Lét) sĩ quan quân đội… Nhà biếm họa nổi tiếng người Anh William Gogarth từng có một mặc định khá hay: Họa sĩ biếm phải có cái đầu của nhà bác học, bàn tay khéo léo của bác sĩ giải phẫu và sức mạnh của anh hàng thịt. Tranh Văn Quỳnh cũng như con người anh, không “băm bổ” quyết liệt được như kiểu anh hàng thịt vung con dao sắc bén pha chế thịt, với bản tính hiền lành và mô phạm, tranh anh thường chỉ là cái cười hóm nhẹ nhàng, thâm thúy trước những khía cạnh đáng cười, cười ra nước mắt trong đời sống hay khi đả kích kẻ địch cùng các thói hư tật xấu. Nhưng quả anh có bàn tay khéo léo.

Các họa sĩ khác vẽ bằng bút sắt, bút kim, bút lông, còn anh vẽ bằng… que. Mài mực tầu xong, anh lấy cái đũa vót nhọn đầu và không cần phác trước bằng bút chì, anh chấm mực phóng tay vẽ trên giấy theo cái “tứ” đã nghĩ được trong đầu. Anh bảo, mình nghĩ tứ tranh thì lâu, vẽ thì nhanh. Dễ nhận ra tranh anh có phong cách riêng: tạo hình nét đậm cứng cỏi, phóng khoáng, ngộ nghĩnh; tứ tranh thì thông minh, hóm hỉnh. Anh còn có tài lẻ nữa, là chơi bóng bàn. Nhiều năm anh là cây vợt có hạng của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, năm nào đi thi đấu cũng mang về huy chương, không vàng cũng bạc, đồng. Hầu hết các vận động viên đều cầm vợt ngang, riêng anh cầm vợt dọc (giống vận động viên Trung Quốc), chặn đẩy nhanh và có cú bạt “cháy” lưới. Anh quen cô giáo Mỹ người Tây Ninh, dạy tiếng Anh qua một lần đi thi đấu toàn ngành giáo dục. Ngày ấy anh tuổi ngoài bốn mươi mà chưa lập gia đình, còn Mỹ cũng tuổi “băm” chưa có ý trung nhân. Mỹ vóc người tầm thước, trắng trẻo khá xinh xắn, lại tính tình cởi mở, dễ chịu. Khi hai đội giáo dục Hà Nội và Tây Ninh gặp nhau thì không hiểu sao vận động viên của cả hai bên đều nhất tề “gán” Mỹ cho Quỳnh. Và trong mấy ngày thi đấu, mỗi khi giáp mặt là cả hai đều đỏ mặt, lúng túng y như mối tình đầu thủa học trò “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Tôi đã mấy lần gặp Mỹ khi chị từ trong Nam ra chơi với anh ở ngôi nhà số 20 phố Hồng Phúc. Đây vốn là một biệt thự cổ thời Pháp. Cụ ông thân sinh Văn Quỳnh là một nhà nho hiền lành, còn cụ bà buôn bán gạo ở nội thành một thời khá phát đạt. Trên ban thờ của gia đình anh hiện còn treo một tấm biển sơn son thiếp vàng có hàng chữ nho “Tiết hạnh khả phong”. Anh nghe cha kể lại, cụ bà cố nội chồng mất sớm khi mới ngoài hai mươi tuổi, ở vậy nuôi đàn con khôn lớn, được vua Khải Định ban tấm biển đó.

Ngày rước tấm biển từ triều đình Huế ra Hà Nội hãnh diện lắm, linh đình lắm. Đã gần một thế kỷ trôi qua, tấm biển gỗ vinh danh vẫn long lanh, còn cái tán lọng bằng vải gai đi kèm thì đã mủn nát cả. Sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1955, căn nhà bị nhiều hộ “nhẩy” vào chiếm chỗ, mấy anh em anh phải co cụm lại trên tầng hai, còn giữ được gian để ban thờ tổ tiên. Khi cô giáo Mỹ từ Sài Gòn ra thăm, anh chị lại rút lên ở chỗ trần tiếp giáp với nóc lợp mái tôn. Mấy lần tôi đến chơi đều được anh tiếp trên cái “tổ chim cu” áp mái, mùa hè nóng như rang, mùa đông lạnh thấu xương ấy, còn anh không bao giờ phàn nàn về nơi ăn ở dẫu xềnh xoàng tạm bợ như thế. Anh là vậy, với người thân, bạn bè luôn lấy sự giúp đỡ, nhường nhịn làm đầu. Ngay cả chuyện tình cảm giữa anh và Mỹ cũng quá giản đơn, có thể do ý nguyện của cả hai, sống với nhau mà không có giấy hôn thú, không tổ chức cưới xin lần nào. Thường vào dịp nghỉ Tết hoặc nghỉ hè anh đi tầu hỏa vào Sài Gòn ở với Mỹ, khi ấy thể nào hai người cũng có chương trình đèo nhau bằng xe máy về quê Mỹ gần tòa thánh Tây Ninh. Nghe anh nói, nhà Mỹ đông anh em, bố mẹ là nông dân có mảnh vườn đất đỏ rộng hàng mấy hec ta trồng toàn hồ tiêu.

Từ khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi người em trai kế anh bị đột quỵ nằm liệt giường, thì anh không còn thường xuyên đi Sài Gòn thăm Mỹ nữa, anh bảo với tôi: Cô em dâu mình gày yếu, vừa rồi lại bị cắt một bên thận, mình phải ở nhà trông nom em, phụ giúp cho cô ấy, không thể vào thăm Mỹ được. Có lần đi uống cà phê với anh tôi nói thẳng: Anh phải lo cho anh khi già, khi bệnh tật nữa chứ. Nên vào Sài Gòn ở hẳn với Mỹ cho thành một gia đình. Anh thần mặt giây lát, rồi nói: Nhưng tôi đi, ai lo cho Bảo (tên người em trai). Ngày trước vào dịp nghỉ hè, Mỹ đã mấy lần ra thăm anh, rồi thưa dần, đến những năm gần đây không thấy chị ra nữa. Không ai biết quan hệ giữa họ như thế nào, có bị đứt đoạn hẳn hay không? Vậy là thêm một lần anh vì người khác mà tự nguyện hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, tôi thấy hơi khó lý giải trong chuyện này. Trong cuốn Kỷ yếu nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ có một lời tự bạch khá bất ngờ: “Trong cuộc sống, tôi… đặc biệt sợ những người tốt.” Chắc hẳn nữ nhà văn qua trải nghiệm cuộc đời mà có suy nghĩ như vậy, còn với cô giáo Mỹ nếu chiếu câu ấy vào trường hợp ứng xử của họa sĩ biếm Văn Quỳnh, thì có lẽ không thể trách không thấy chị ra với anh nữa. Quả anh cũng trong số người tốt… “đáng sợ”.

Nay căn bệnh lú lẫn ập đến anh quá sớm. Bảo thì vẫn nằm đấy, như sống thực vật, còn anh không thể làm gì giúp được em trai nữa. Và người em dâu lại phải gánh thêm trên đôi vai gày yếu người anh chồng ngu ngơ, hễ ra khỏi nhà là lạc. Năm 2017 này anh mới bước sang tuổi 73. Thời nay tuổi đó đâu đã quá già. Mấy lần tôi và người thân của anh nèo anh đi bệnh viện để khám, điều trị anh cứ một mực lắc đầu, bảo khỏe, không có bệnh gì. Nghiệt ngã thay bản năng cố chấp của con người!

Giờ thì mỗi ngày anh cứ ngồi đó im lìm thả hồn vào một thế giới khác, lãng quên dần cái thế giới thực mình đang hiện diện, quên hẳn cái nghiệp biếm họa mà anh đeo đuổi suốt bốn mươi năm qua, thành danh do gặt hái được không ít thành tựu. Có còn ai nhớ tới anh, con người hiền lành, tử tế và tài hoa? Biết đâu chẳng có người mách được một phương thuốc gia truyền nào mầu nhiệm, hoặc một biện pháp cụ thể hữu hiệu giúp trí nhớ anh phục hồi. Thì xin chia sẻ, điện về ngôi nhà 20 Hồng Phúc, với số điện thoại bàn 0438281307. Xin cảm tạ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một người tốt 'đáng sợ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO