Mỹ phóng tên lửa vào Syria: Cục diện đang thay đổi

Khánh Duy 09/04/2017 08:35

Tình hình ngoại giao và cả diễn biến chiến sự trong thời gian qua dường như sáng lên đối với chính quyền Syria. Với sự giúp sức về mặt quân sự từ bên ngoài, chính quyền Tổng thống Bashar al-Asad dần củng cố sức mạnh, phe nổi dậy suy yếu dần, trong khi Mỹ tuyên bố rằng việc lật đổ ông không còn là một ưu tiên. Nhưng tất cả thay đổi chỉ sau một diễn biến bất ngờ: Vụ tấn công bằng khí độc hóa học.

59 tên lửa Tomahawk của Mỹ đã phóng vào lãnh thổ Syria. (Nguồn: Reuters).

Tất cả bắt đầu kể từ khi có ít nhất 72 người thiệt mạng ở miền Bắc Syria sau khi phơi nhiễm một loại khí độc mà những người sống sót cho là được thả từ các phi cơ chiến đấu trong hôm 4/4 - một vụ tấn công khiến toàn thể cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án trong hôm 5/4 vừa qua.

Hàng loạt nước gồm Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc Chính phủ Syria gây nên thảm họa này, diễn ra chỉ vài giờ trước khi khởi động một hội thảo viện trợ cho Syria tổ chức ở Brussels, Bỉ. Tổng thống Donald Trump đã lên án thảm họa trên là một hành động “tàn ác” và “không thể được thế giới văn minh cho qua”. Ở Anh, Thủ tướng Theresa May nói rằng bà cảm thấy thất kinh vì các báo cáo về vụ tấn công và kêu gọi Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) mở cuộc điều tra.

Nhằm vào chính quyền al-Assad

Sau một nỗ lực bất thành nhằm đổ tội cho Chính phủ Syria trong một vụ tấn công hóa học khác ở Ghouta năm 2013, gần 4 năm sau, lịch sử dường như lặp lại khi Chính phủ Syria lại một lần nữa bị các đồng minh NATO buộc tội một vụ việc tương tự.

Nhưng lần này tình hình đã khác rất nhiều, khi liên quân mà Mỹ dẫn đầu mới đây đã triển khai hàng chục nghìn binh sỹ ở Syria với dự định sẽ duy trì hiện diện lâu dài kể cả sau khi Is và các tổ chức khủng bố khác bị xóa sổ. Tồi tệ hơn, ông Vitaly Churkin- Đại sứ Nga tại LHQ người đã giúp đàm phán đưa ra Thỏa thuận năm 2013 ngăn chặn được một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ, đã qua đời.

Sự việc bắt đầu trong sáng hôm thứ Ba vừa qua, khi xuất hiện thông tin về một thảm họa ở khu vực phía Tây Bắc tỉnh Idlib, nơi mà một vụ tấn công hóa học đã khiến hàng loạt người chết, trong đó có nhiều trẻ em. Hai tổ chức, gồm White Helmets và Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) đã ngay lập tức quy kết tội cho Chính phủ Syria mà không đưa ra được bằng chứng nào.

Quân đội Syria ngay sau đó lên tiếng bác bỏ cáo buộc vô căn cứ này, nhắc tới một thỏa thuận hồi năm 2013 mà trong đó Chính phủ Syria đã giải giáp toàn bộ kho vũ khí hóa học, nhằm tránh một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, hàng loạt hãng tin phương Tây vốn đã có quan điểm coi các cáo buộc nhằm vào Chính phủ Syria là một điều hiển nhiên. Gần như giống y hệt kịch bản đã áp dụng trong sự kiện năm 2013, các quốc gia phương Tây nhanh chóng coi báo cáo của White Helmets và SOHR như một bằng chứng rõ ràng nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Được biết, cả hai tổ chức này từng đã chịu rất nhiều chỉ trích vì có quan hệ ủng hộ can thiệp quân sự ở Syria, ủng hộ chính phủ các nước đồng minh NATO.

White Helmets được thành lập bởi một cựu sỹ quan Anh và thường xuyên phối hợp với Purpose Inc - một công ty truyền thông chuyên thúc đẩy các nước phương Tây can thiệp quân sự vào Syria trong suốt nhiều năm liền. Tổ chức này còn nhận được hàng triệu USD từ các chính phủ phương Tây, trong đó có cả 23 triệu USD từ Mỹ, và hoạt động chủ yếu tại các khu vực đang được tổ chức khủng bố al-Nusra Front kiểm soát.

Trong khi đó, SOHR dường như chỉ được vận hành bởi một người duy nhất có tên Rami Abdul-Rahman, hiện đang sinh sống ở Anh. Người này thường xuyên dẫn các nguồn tin không rõ ràng của mình về tình hình chiến sự ở Syria, tuy chưa bao giờ được chứng minh nhưng lại được các nước phương Tây công nhận như một thực tế.

Điều đáng nói là cũng chính 2 tổ chức này đã đưa ra phần lớn cái mà các nước phương Tây gọi là “thông tin tình báo” về vụ tấn công hóa học năm 2013 ở Ghouta, trong đó đổ lỗi cho chính quyền Syria.

Tuy nhiên, Mỹ và nước phương Tây dường như bỏ qua tính xác thực về thông tin trong khi chỉ nhận thấy cơ hội thay đổi chế độ ở Syria trước mắt. Dẫn báo cáo của White Helmets và SOHR như một nguồn tin chính thức, Pháp đã nhanh chóng kêu gọi một cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an để thảo luận cách phản ứng với vụ tấn công “đáng ghê tởm”. Chỉ vài giờ sau đó, phía EU cũng đưa ra tuyên bố nói rằng ông Assad mang “trách nhiệm chủ yếu” trong vụ tấn công này.

Tới nay, cả Anh, Pháp và Đức đều duy trì số lượng binh sỹ nhất định trên lãnh thổ Syria.

Một người đàn ông bế thi thể của một bé gái thiệt mạng
sau vụ tấn công ở tỉnh Idlib hôm 4/4. (Nguồn: Reuters).

Nga, Syria phản bác như thế nào?

Trong hôm 6/4, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Moallem một lần nữa lên tiếng chống lại hàng loạt cáo buộc dồn dập từ Mỹ và phương Tây, nói rằng: “Tôi nhấn mạnh với các bạn một lần nữa: Quân đội Syria chưa từng, đã không và sẽ không bao giờ sử dụng loại vũ khí này - dù là nhằm vào người dân của chính chúng tôi hay là đối với những kẻ khủng bố đã tấn công người dân của chúng tôi”.

Chính quyền Nga trước đó cũng khẳng định rằng máy bay quân sự của họ không hoạt động vào thời điểm xảy ra sự việc, và công bố nhiều hình ảnh cùng chứng cứ chứng minh rằng một trái bom đã đáp trúng kho vũ khí hóa học của phe nổi dậy, gây nên thảm họa khí độc này.

Vậy lý do nào đã khiến Tổng thống Syria Bashar al-Assad đưa ra hành động đầy rủi ro, khiến cho toàn thế giới tức giận khi tấn công nhằm vào thường dân bằng cái mà phía Thổ Nhĩ Kỳ gọi là chất độc thần kinh Sarin? Vì sao vị lãnh đạo này lại bị cáo buộc gây nên vụ tấn công hóa học tồi tệ nhất kể từ năm 2013 ở Syria, khiến quân đội Mỹ có hành động đáp trả?

Một trong số các đồng minh và người ủng hộ của ông Assad, trong lúc phản bác về cáo buộc tấn công hóa học, đã nói rằng một vụ tấn công như vậy là “hành động điên rồ”, như nhận định của một nhà phân tích người Iran, Mosib Na’imi, bởi nó không hề mang lại bất cứ lợi ích nào cho chính quyền Assad trong lúc mà phe chính phủ đang giành được nhiều thắng lợi cả về ngoại giao và trên các chiến trường.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng bất kỳ một vụ tấn công hóa học nào cũng cần phải trải qua quá trình phân tích các mẫu vật tại hiện trường một cách kỹ lưỡng, và không thể có kết quả ngay trong ngày một ngày hai được.

Bất chấp các chứng cứ và lời giải thích trên, các chính phủ phương Tây vẫn không ngừng dồn dập tung ra những lời cáo buộc về phía Chính phủ Syria.

Cục diện thay đổi

Sự kiện được cho là tấn công hóa học đã lập tức làm thay đổi toàn bộ cục diện chiến sự ở Syria, mà dễ thấy nhất là sự thay đổi chính sách của hàng loạt chính phủ phương Tây, từ một tư thế thủ sang tư thế sẵn sàng can thiệp quân sự.

Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, với cam kết sẽ hợp tác với Nga và cả chính quyền Assad để chống lại phiến quân IS, giới quan sát đã bắt đầu dự báo về việc cộng đồng quốc tế sẽ sớm công nhận chính quyền Assad. Tín hiệu từ Washington càng rõ hơn khi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, tuyên bố rằng Washington có thể chấp nhận việc ông Assad duy trì quyền lực.

Mới trong hôm đầu tuần, giới chức phương Tây còn đang tụ họp ở Brussels để cân nhắc về gói viện trợ tái xây dựng trị giá hàng tỷ USD cho Chính phủ Syria, thì đến hôm thứ Năm vừa qua, giới chức quân đội Mỹ đã thay đổi 180 độ khi thảo luận về cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, trong khi ông Tillerson tuyên bố rằng “không có vai trò nào” cho ông Assad trong tương lai của Syria.

Ngay trong sáng hôm sau, tức 7/4, quân đội Mỹ đã phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk từ các khu trục hạm của họ đang đóng tại khu vực phía Đông biển Địa Trung Hải vào một căn cứ của chính quyền Syria. Sự kiện này có thể là phát súng mở màn cho cuộc can thiệp quân sự của hàng loạt các nước phương Tây vào Syria.

Như vậy, trong bối cảnh vụ tấn công mới nhất thằm vào thường dân đang bị đem ra sử dụng vì động cơ chính trị tương tự như sự kiện Ghouta hồi năm 2013, một lần nữa chính quyền Tổng thống Assad lại trở thành mục tiêu của một làn sóng binh sỹ nước ngoài đổ tới các đường biên giới của họ, núp dưới bóng các hoạt động viện trợ nhân đạo và chống khủng bố.

* Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các máy bay quân sự không hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ tấn công hóa học

* Ngoại trưởng Syria lên tiếng bác bỏ các cáo buộc nhằm vào họ

* Nguồn tin về vụ tấn công hóa học được lấy chủ yếu từ 2 tổ chức thân phương Tây White Helmets và SOHR

* Mỹ trong hôm 7/4 phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ của chính quyền Assad

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ phóng tên lửa vào Syria: Cục diện đang thay đổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO