Nam Định: Nhiều văn bản chỉ đạo bảo vệ, đê điều vẫn ‘oằn lưng’ trước vi phạm

Duy Hưng 17/05/2023 20:42

Tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ ở Nam Định được nhìn nhận tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp.

Ngày 16/5, UBND tỉnh Nam Định ban hành văn bản hối thúc các sở ngành liên quan cùng UBND 10 huyện, thành phố thực hiện các biện pháp “rắn” xử lý vi phạm đê điều, kéo dài danh sách các văn bản chỉ đạo có nội dung tương tự trong bối cảnh tình trạng vi phạm được ghi nhận vẫn tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Hộ dân, doanh nghiệp “bất chấp”, chính quyền cơ sở “né tránh, đùn đẩy”

Được biết, ngoài hơn 70 km đê biển, địa bàn tỉnh Nam Định còn có hệ thống đê điều của sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Châu Thành, sông Sò…

Báo cáo cách đây ít ngày của Công an tỉnh Nam Định cho biết, trên các tuyến đê sông thuộc địa bàn tỉnh hiện có 305 bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng chỉ có 64/305 bãi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn đê điều.

Theo Công an tỉnh Nam Định, không chỉ doanh nghiệp, người dân có ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ đê điều kém, mà tình trạng vi phạm còn xảy ra ngay chính trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể là tình trạng: cho thuê đất trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào hành lang bảo vệ đê điều, mái đê, hành lang thoát lũ, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc người dân tự ý chuyển đổi sử dụng đất sai mục đích.

Việc cấp phép của một số ngành, địa phương không đúng quy định, thẩm quyền. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ở địa phương trong quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chặt chẽ, kịp thời; một số địa phương né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; không kiên quyết xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng xây dựng công trình, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, thoát lũ, chất thải vật liệu xây dựng cao quá mức cho phép.

Văn bản chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Nam Định liên quan công tác bảo vệ đê điều.

Thực tế trên ở Nam Định được ghi nhận trong bối cảnh 5 năm trước, vào ngày 7/10/2019, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị (số 24/CT-TTg) về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Ngày 31/10/2019 UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ; ngày 17/8/2020 UBND tỉnh tiếp tục có văn bản về việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều. Và, chỉ cách đây ít ngày, vào ngày 13/4, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn.

Như đã phản ánh, 33 ngày sau, hôm nay (16/5), UBND tỉnh Nam Định tiếp tục có văn bản với nội dung tương tự. Trong văn bản chỉ đạo mới nhất, ngoài công tác tuyên truyền, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo UBND cấp huyện nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đê điều, nhất là quản lý chặt chẽ các công trình đê điều, đất trong hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông,..; phối hợp, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm, không để kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép, các bến bãi, kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng trái phép trên các bãi sông và vi phạm hành lang bảo vệ đê.

“Gắn trách nhiệm người đứng đầu, nhất là đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra trên địa bàn mà không kịp thời phát hiện, xử lý hoặc xử lý không kiên quyết, để tồn đọng, kéo dài”, văn bản nhấn mạnh.

Tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều ở Nam Định được ghi nhận đang gia tăng, diễn biến phức tạp. Trong ảnh là Khu sinh thái Lưu Gia Trang nằm ven đê sông Đào (đoạn qua địa bàn TP Nam Định), được chính quyền địa phương xác định vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều.

Đồng thời giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ hành lang đê điều. Thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng, kéo dài. Phối hợp với Sở GT-VT cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều; lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng trên các tuyến đê.

Giao Sở GT-VT thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các bến bãi bốc xếp hàng hóa tự phát (có sử dụng cẩu điện tự chế); các hành vi bốc, xếp hàng hóa từ các phương tiện thủy lên các bến bãi tập kết VLXD tự phát, trái phép ven các sông. Rà soát, tham mưu điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế.

Giao Sở TN-MT thanh tra, kiểm tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp ở mái đê, hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật.

Giao các sở KH-ĐT, Xây dựng phối hợp rà soát, kiểm tra các Dự án liên quan đến đê điều; xây dựng các công trình, nhà xưởng trái phép trên các bãi sông, hành lang bảo vệ đê, lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ,.. tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án hoạt động không hiệu quả, xử lý nghiêm vi phạm của các chủ doanh nghiệp, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ.

Chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở GT-VT kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ phương tiện không chấp hành pháp luật về giao thông, chở quá khổ, quá tải trên các tuyến đê. Chủ trì, phối hợp tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép (cát, sỏi lòng sông) dẫn đến việc gây sạt lở đê điều.

Ban hành quyết định xử phạt… cho có?

Liên quan tới công tác bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ ở Nam Định, theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, ở địa phương đang tồn tại vụ việc liên quan đến Khu sinh thái Lưu Gia Trang (nằm nằm ven đê sông Đào, thuộc địa bàn phường Năng Tĩnh, TP Nam Định).

Cụ thể, từ trước năm 2019, nhiều cơ quan báo chí thông tin, phản ánh ngay sát thân đê sông Đào và bãi sông thuộc địa bàn phường Năng Tĩnh, TP Nam Định mọc lên một khu tổ hợp nhà hàng, quán cafe, lầu vọng cảnh, khu vui chơi và công trình tâm linh. Trong đó cổng vào khu này được xây dựng đồ sộ ngay trên mái đê…

Trong năm 2019, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra công trình này. Trong thông báo kết quả kiểm tra ngày ngày 28/8/2020, Đoàn kiểm tra liên ngành khẳng định Công ty Trường Thoa, chủ đầu tư khu công trình trên đã vi phạm hàng loạt các quy định về đất đai, đê điều và xây dựng.

Cụ thể, theo kết quả kiểm tra, năm 2016, Công ty TNHH Trường Thoa được chính quyền tỉnh Nam Định cho thuê, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích đất 6.923,1 m2, thuộc diện đất sản xuất phi nông nghiệp ở địa chỉ ven sông Đào thuộc địa bàn phường Năng Tĩnh, TP Nam Định; thời gian thuê đến năm 2043; mục đích sử dụng làm “văn phòng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm kết hợp trồng cây xanh”. Sở Xây dựng Nam Định sau đó đã cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp này.

Nhưng theo kết quả kiểm tra, về lĩnh vực đất đai, Công ty Trường Thoa đã sử dụng quá hơn 200m² so diện tích 6.923m² được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về lĩnh vực đê điều, doanh nghiệp đã xây dựng hạng mục cổng và một đoạn tường bao ngay trên mái đê sông Đào, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều.

Về lĩnh vực xây dựng, Công ty đã tăng quy mô, diện tích một số công trình mà không có giấy phép xây dựng; có nhiều công trình với diện tích hơn 480m² nằm trong phạm vi quy hoạch không được xây mới công trình.

Công ty cũng xây nhiều hạng mục công trình không có trong quy hoạch tổng mặt bằng và không có giấy phép xây dựng với tổng diện tích hơn 728m². Với các hạng mục công trình có trong quy hoạch tổng mặt bằng và giấy phép được xây dựng được cấp, hiện trạng nhiều công trình có sự thay đổi về vị trí, diện tích, chiều cao, số tầng...

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, trong năm 2020, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trường Thoa, chủ đầu tư khu sinh thái Lưu Gia Trang, tổng số tiền phạt là 140 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu chủ đầu tư này phải có biện pháp khắc phục những sai phạm, xây dựng phương án, tổ chức tháo dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Thời hạn thực hiện trong 1 năm.

Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc Công ty TNHH Trường Thoa thực hiện kết quả kiểm tra; báo cáo các Bộ có liên quan để xử lý các vi phạm theo quy định.

UBND tỉnh Nam Định khi đó cũng chỉ đạo căn cứ sai phạm, các Sở có liên quan, UBND TP Nam Định và UBND phường Năng Tĩnh phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Cổng vào Khu sinh thái Lưu Gia Trang (TP Nam Định) được xác định nằm trên mái đê sông Đào vẫn tồn tại cho đến nay.

Đáng nói là, quyết định xử phạt của UBND tỉnh Nam Định cho Công ty THHH Trường Thoa thời hạn 1 năm để khắc phục hậu quả, xây dựng phương án, tổ chức tháo dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng vi phạm nhưng đến nay, khi thời gian ban hành quyết định xử phạt đã sang năm thứ tư nhưng các công trình, hạng mục xây dựng ở Khu sinh thái Lưu Gia Trang được các cơ quan chức năng ở tỉnh Nam Định kết luận sai phạm, phải dỡ bỏ vẫn tồn tại. Trong đó, cổng vào Khu này vẫn được giữ nguyên, ngay trên mái đê sông Đào, như chưa hề có quyết định xử phạt của UBND tỉnh Nam Định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Nhiều văn bản chỉ đạo bảo vệ, đê điều vẫn ‘oằn lưng’ trước vi phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO