Nâng cao hiệu quả vốn vay đối với ngành công nghiệp hỗ trợ

Lam Hồng - Quang Minh 13/06/2017 10:00

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang rất cần vốn để sản xuất, nhất là các nguồn vốn trung dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị và ứng dụng công nghệ mới nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng. Việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp CNHT có ý nghĩa rất quan trọng trong lúc này.

Thành phố Hồ Chí Minh vừa có bước đi tiên phong cùng với một ngân hàng triển khai gói vay 10.000 tỷ đồng cho chương trình đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (CN&CNHT) trên địa bàn. Đối tượng vay vốn là chủ đầu tư của các dự án thuộc danh mục các dự án lĩnh vực CN&CNHT được hỗ trợ lãi suất.

Mục đích là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nội địa đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng, thúc đẩy phát triển mạnh các ngành CN&CNHT.

Chương trình này có sự hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách TP HCM áp dụng cho các dự án đáp ứng đủ điều kiện và được UBND TP HCM phê duyệt hỗ với mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% phần vốn công nghệ và thiết bị, đồng thời không quá 200 tỷ đồng cho 1 dự án.

Rõ ràng, cánh cửa về vốn vay từng là nỗi ám ảnh của các DN nội trong lĩnh vực CNHT nay đã được mở ra. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi băn khoăn của các DN trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và nhiều nỗi lo khác.

Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch một Hội DN quận Tân Phú (TP HCM) chia sẻ: Tài sản thế chấp của các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT sẽ là những tài sản nào? Ngoài nhà xưởng, máy móc, công cụ được hình thành từ vốn vay thì các DN cần phải có các loại tài sản nào phải thế chấp nữa hay không? Nếu như có thì tỷ lệ đó là bao nhiêu phần trăm trong tổng vốn vay?

Được biết, vào đầu tháng 4 - 2017, trong quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có nêu rõ mức hỗ trợ tối đa 70% áp dụng các nội dung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT.

Chủ của một công ty về đúc gang và đúc thép ở TP HCM bày tỏ rằng, đây là ngành hàng phụ trợ khá vất vả, muốn sản xuất hàng có chất lượng thì thời gian chuẩn bị sản xuất rất là dài. Để thử thách cho ngành đúc nhằm sản xuất cho xuất khẩu rất là khó nên khi vay vốn để đầu tư thì thời gian ân hạn cần dài hơn vì thiết bị ngành đúc hiện giờ để làm được hàng chất lượng cao thì phí rất lớn.

Thực ra, có nhiều nguyên nhân khiến các tổ chức tín dụng ngại cho vay vốn đối với DNNVV nói chung và các DNNVV trong lĩnh vực CNHT. Trước hết là năng lực công nghệ thấp, số nhà khoa học, chuyên gia làm việc chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động trong các DNNVV, 76% máy móc và trang thiết bị sử dụng từ thập niên 1980-1990 thì 75% trong số đó đã hết khấu hao.

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn nằm ở chỗ hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, hàng tồn kho lớn, nguyên liệu đầu vào của các ngành đều tăng trong khi giá bán sản phẩm không tăng, chưa kể, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động không cao. Trong khi đó, năng lực tiếp cận với các văn bản và hệ thống chính sách pháp luật, thông lệ quốc tế trong kinh doanh còn hạn chế.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, để DN nhỏ và vừa trong ngành CNHT phát triển thì vốn tín dụng ngân hàng chỉ là một trong những yếu tố. Các cơ quan quản lý phải giúp các DN này về hạ tầng, về đầu tư, nguồn nhân lực, làm thế nào để nâng cao năng lực quản trị và hỗ trợ các DN xây dựng các dự án cho đúng và cho thật. Trong vấn đề vốn vay, theo giới chuyên gia, trước tiên các DNNVV trong lĩnh vực CNHT cũng phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị, hiệu quả hoạt động và minh bạch trong sản xuất, kinh doanh, trong báo cáo tài chính… Đây là những yếu tố giúp DN CNHT tăng sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập, là niềm tin để các ngân hàng thương mại mở rộng tăng trưởng tín dụng hiệu quả, mở rộng các hình thức tín dụng tín chấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao hiệu quả vốn vay đối với ngành công nghiệp hỗ trợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO