Nâng cao vai trò gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em

Hoàng Minh 29/06/2019 07:00

Để phát huy hơn nữa vai trò của gia đình trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Nâng cao vai trò gia đình  trong phòng, chống xâm hại trẻ em

Quang cảnh Hội thảo.

Con số báo động

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc có 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục; trong 3 tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều. Tình trạng xâm hại trẻ em đang gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ em và sự bình yên, hạnh phúc của mỗi gia đình. Việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Đặc biệt, theo ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử. Trong năm 2017, 2018, một số vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội”.

Theo ông Nam, nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Cha mẹ của các trẻ em chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội.

Văn hóa ứng xử trong gia đình

Trước thực trạng này, tại Hội thảo các đại biểu khẳng định để phòng, chống xâm hại trẻ em vai trong của gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người cũng như là nơi chốn bình yên nhất của mỗi người.

Theo Ths Đặng Kim Thoa- Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Các giải pháp xây dựng văn hóa gia đình và chống xâm hại trẻ em trong xã hội công nghệ cần không chạy theo thành tích, không khuyên dạy giới trẻ những bài học lý thuyết giáo điều, mà hướng đến cụ thể giải quyết những khó khăn bế tắc của lớp người mới bằng việc làm cụ thể như giải quyết tâm tư tình cảm, công việc làm kiếm sống, đào tạo nghề, hướng nghiệp…

Xã hội cần hướng nghiệp cho lớp trẻ, phải không ngừng nâng cao dân trí, chống các khuynh hướng bảo thủ giáo điều, để xây dụng một xã hội có nhiều gia đình văn hóa, văn minh hội nhập, quốc tế hóa. Xây dựng lối sống văn hóa gia đình của giới trẻ trong xã hội đương đại là nền tảng của mọi giá trị đạo đức nhân văn, kiến tạo một xã hội bình yên để phát triển con người, phát triển đất nước giàu mạnh. Phát triển nền kinh tế thị trường cùng với xây dựng vững chắc nền văn hóa nghệ thuật đương đại Việt Nam, là thiết thực xây dựng văn hóa gia đình dân tộc truyền thống và đương đại.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhìn nhận, thời gian qua, xã hội phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với trẻ em, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về luật pháp, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu.

Một số địa phương chưa khơi dậy và phát huy hết các nguồn lực, vai trò, trách nhiệm của gia đình, trường học, cộng đồng cơ sở đối với bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác truyền thông vận động để mọi người dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa rộng khắp.

Với thực trạng này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, mỗi gia đình, thành viên gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại con, cháu của mình; sau đó phải trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, những kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực với việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao vai trò gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO