Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm: Tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư

T.H. 15/11/2019 08:00

Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65-70 tỷ USD (bằng 200% so với hiện nay), ngành công nghiệp chế biến thực phẩm có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo xúc tiến đầu tư trong công nghiệp chế biến thực phẩm do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/11.

Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam đang có đà phát triển tốt với nhu cầu lớn về thu hút vốn và công nghệ hiện đại. Đặc biệt, trong giai đoạn 2013 – 2018, ngành chế biến nông lâm thuỷ sản phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng giá trị khoảng 5-7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm, riêng năm 2018 đạt mức kỷ lục hơn 40 tỷ USD, nâng cao vị thế của Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông lâm thuỷ sản lớn trên thế giới.

Hiện Việt Nam đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm, với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình… Trong đó, một số ngành hàng hoặc sản phẩm có thiết bị chế biến hiện đại, mang tầm của khu vực và thế giới.

Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển công thương, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), phần lớn dự án FDI vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Tỷ trọng đầu tư FDI vào công nghiệp chế biến thực phẩm chủ yếu tập trung ở dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản, thủy sản, đồ uống.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển công thương, để thúc đẩy FDI trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đòi hỏi chính quyền địa phương chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với chuyển giao sử dụng đất của nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần có cơ chế linh hoạt trong huy động vốn, khuyến khích nhà đầu tư phát triển vùng nguyên liệu…

Tiến sỹ Frauke Schmitz-Bauerdick - Trưởng đại diện Cục Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Đức tại Việt Nam, cho rằng để cạnh tranh ở các thị trường phát triển, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh lương thực và chất lượng. Một vấn đề quan trọng của việc cung cấp sản phẩm thực phẩm chất lượng cao là máy móc, thiết bị phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm: Tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO