Ngày Tết, cảnh giác với ngộ độc thực phẩm

Ngọc Hải 25/02/2018 20:00

Các bác sỹ Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi bị tan máu cấp nặng, đe dọa tính mạng. Nguyên nhân được cho là trẻ đã ăn thịt bò khô tự làm có sử dụng một loại phẩm màu không rõ nguồn gốc.

Ngày Tết, cảnh giác với ngộ độc thực phẩm

Mâm cỗ ngày Tết.

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm mà các vụ ngộ độc thực phẩm, rượu và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa gia tăng. Vậy phải làm gì để phòng tránh?

Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm bị mốc

Ngày Tết, các gia đình thường có thói quen dự trữ nhiều thực phẩm, nhất là thịt, giò, chả…Tuy nhiên, do bảo quản không đúng cách khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, thức ăn lâu ngày bị ôi thiu, nấm mốc có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng ảnh báo, với thời tiết đặc trưng của miền Bắc dịp cận Tết, mưa phùn, ẩm rất dễ khiến thực phẩm bị nấm mốc, nhất các loại hạt có dầu, được sử dụng rất phổ biến trong các dịp Tết như hướng dương, lạc, đậu tương... Khi phát hiện ra thực phẩm bị nấm mốc tuyệt đối không được sử dụng vì nó sẽ sinh ra độc tố là Aflatoxin. Đây là loại độc tố cực độc với gan và có nguy cơ gây ung thư nếu ăn phải nhiều.

Còn với bánh chưng cũng rất dễ bị ẩm mốc trong tiết trời mưa nồm. Khi vỏ bánh, đầu bánh bị mốc do làm với số lượng lớn, để lâu, vì tiếc của với quan niệm chỉ cần cắt bỏ phần mốc là được nên nhiều người vẫn sử dụng. Theo các bác sĩ, tốt nhất với những thực phẩm đã lên nấm mốc tuyệt đối không nên ăn.

Trong khi tại miền Nam thời tiết nóng bức, các thực phẩm nhiều đạm lại dễ ôi thiu vì nắng nóng, khi ăn phải những thức ăn này có thể bị ngộ độc, tiêu chảy vì nhiễm khuẩn. Do đó, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong mấy ngày Tết. Hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng, chỉ nên mua vừa đủ ăn để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Ngoài ra, thực phẩm phải bảo quản với nhiệt độ phù hợp. Thịt cá tươi nên rửa sạch cất vào ngăn đông, chia thành nhiều phần đủ cho một bữa ăn, nhằm tránh tình trạng lấy thực phẩm ra rã đông rồi cất trở lại khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn. Tủ lạnh là nơi bảo quản thức ăn, vì vậy cần phải vệ sinh thường xuyên. Tránh tồn đọng quá nhiều thức ăn khiến nhiệt độ lạnh không đảm bảo, thức ăn dễ bị hư hỏng.

Cảnh giác với ngộ độc rượu

Hẳn nhiều người vẫn không quên, năm 2017 liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng với 10 vụ làm 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người chết. Trong đó, số ca ngộ độc do rượu trắng chiếm 32,1% vụ, rượu ngâm cây rừng độc chiếm 39,3% vụ. Rượu có hàm lượng methanol cao gây ra 7 vụ ngộ độc, làm 106 người mắc và làm 23 người chết.

Theo Bác sĩ Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trung bình mỗi ngày tại Trung tâm tiếp nhận từ 2 đến 3 ca ngộ độc rượu. Nhưng vào thời điểm trước tết, trong và sau tết nguyên đán, các ca ngộ độc rượu thường tăng đột biến do liên hoan, tổng kết, gặp mặt… dịp tết đến, xuân về.

“Đa phần những trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Sau 1-2 ngày bị ngộ độc methanol, bệnh nhân nặng có dấu hiệu bị mù mắt, viêm gan, sau đó là trụy mạch và tử vong. Những người thoát chết thì cũng phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan…”- Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết.

Không chỉ bị ngộ độc rượu methanol, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu thông thường. Theo thống kê của Khoa tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), vài năm gần đây, số lượng bệnh nhân bị xơ gan do bia rượu phải nhập viện điều trị tăng nhanh. Tại khoa Tiêu hóa, ngày nào cũng tiếp nhận từ 5-7 trường hợp bệnh nhân xơ gan dù ban đầu họ chỉ bị gan nhiễm mỡ do uống quá nhiều rượu bia.

Ngộ độc rượu có thể xảy ra đối với hai loại rượu chủ yếu là rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Tuy số ca ngộ độc do sử dụng rượu thực phẩm ethanol phổ biến hơn nhưng ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nguy hiểm hơn, để lại nhiều di chứng và có tỉ lệ tử vong cao.

Theo các chuyên gia y tế, nồng độ cồn methanol trong máu bệnh nhân ngộ độc rượu thời gian gần đây thường cao gấp hàng chục, thậm chí gấp hàng nghìn lần so với mức cho phép cho thấy rượu được pha từ cồn công nghiệp methanol.

Khi đưa vào cơ thể, rượu cồn công nghiệp chuyển hóa thành các axit gây tổn thương cho các tết bào đặc biệt ở mắt não. Ngộ độc methanol có thể gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác nên gây mù vĩnh viễn. Ngoải ra, ngộ độc rượu cồn công nghiệp còn có thể để lại những di chứng như: tổn thương não, gây sốc tụt huyết áp, suy thận, mất trí nhớ...

Các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm

Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê.

Nếu thấy bệnh nhân có những biểu hiện như trên nên tiến hành sơ cứu sớm. Các bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể gây nôn để tống thức ăn bị nhiễm độc ra ngoài bằng cách cho người bệnh uống nhiều nước và móc họng. Sau khi gây nôn thì cho người bệnh nằm nghỉ, có thể dùng thuốc điện giải pha nước để bù lại lượng nước đã mất cho bệnh nhân. Nếu thấy bệnh nhân không đỡ cần đưa ngay đến trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Không nên gây nôn đối với người bị hôn mê hoặc trẻ nhỏ vì dễ bị hít sặc. Trong trường hợp này, cần cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để tránh bị hít sặc. Nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở cần cấp cứu tức thời bằng cách hà hơi thổi ngạt và ấn tim. Sau đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại một số địa phương đã từng phát hiện thực phẩm nhuộm màu đỏ bằng chất công nghiệp Rhodamine, cấm sử dụng trong thực phẩm. Để tránh nguy cơ cho sức khỏe, người dân chỉ nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, nhãn mác, hạn dùng, được công bố chất lượng tại cơ quan quản lý. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có đường dây nóng (0911811556) tiếp nhận các thông tin người dân phản ánh các vi phạm về an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày Tết, cảnh giác với ngộ độc thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO