Nhọc nhằn những cuộc hồi hương

Thư Hoàng 31/07/2016 09:15

Bởi nhiều lý do khác nhau, những cổ vật quý, những tác phẩm của các danh họa nổi tiếng đã phiêu bạt nơi đất khách quê người, lọt vào tay giới sưu tập nước ngoài. Tuy nhiên tới nay đang có xu hướng cổ vật hồi hương. Nhưng có những cuộc hồi hương hết sức nhọc nhằn, thậm chí đã bị biến dạng.

Nhọc nhằn những cuộc hồi hương

Bức "Chiều tà" của Vua Hàm Nghi.

1. Suốt gần tháng qua, câu chuyện 17 bức tranh gắn tên nhiều danh họa nổi tiếng của VN được trưng bày trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” đã cho thấy một thực tế, nhiều tác phẩm hồi hương là hàng giả. Mà nói theo từ ngữ của giới thẩm định, 15/17 bức tranh đó “không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện”. Đặc biệt, bức tranh của họa sĩ Thành Chương vẽ từ những năm 70 của thế kỷ trước, sau một thời gian bôn ba, cũng trở về quê nhà. Chỉ có điều, lần này, đứa con đó lại mang tên “Trừu tượng” ký tên “Tạ Tỵ 52”. Giữa tháng 7 vừa qua có việc vào TP HCM, họa sĩ Thành Chương tìm tới xem triển lãm, và “dựng tóc gáy” khi nhận ra bức tranh của mình. Ông đã cố gắng kiềm chế, nhưng sự việc càng lúc càng khiến ông phẫn nộ, đòi hỏi phải trắng - đen rõ ràng, để trả lại giá trị đích thực của những tác phẩm mỹ thuật khi hồi hương. Chính vì vậy, Thành Chương đã chính thức gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng, đề nghị xử lý hình sự vụ tranh bị mạo danh. Trong đơn đề ngày 25/7 ông viết: “Ngày 14/7/2016, tôi phát hiện một bức tranh của tôi có tên là “Chân dung cô Kim Anh” sáng tác khoảng thời gian 1970-1975 được trưng bày trong “Triển lãm Bộ sưu tập tranh Mỹ thuật Đông Dương” với tên gọi “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của ông Vũ Xuân Chung, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nhưng tên tác giả đã bị thay đổi thành Tạ Tỵ. Thậm chí tên tác phẩm cũng bị đổi thành “Trừu tượng”! Tôi khẳng định tác giả đích thực và duy nhất của bức tranh này là tôi – họa sĩ Thành Chương, không phải của họa sĩ Tạ Tỵ như đang hiện trên bức tranh. Tên bức tranh do tôi đặt là “Chân dung cô Kim Anh”, chứ không phải là “Trừu tượng”. Đồng thời tôi khẳng định tên tác giả “Tạ Tỵ 52” trên bức tranh có tên là “Trừu tượng” hiện nay là giả mạo”. Cuối đơn, họa sĩ Thành Chương kiến nghị: “Kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ và giám định các bức tranh nêu trên để có cơ sở xử lý hình sự hành vi làm tranh giả, buôn bán hàng giả lừa đảo người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật”.

Chuyện về bức tranh của Thành Chương bị “hô biến” thành tranh của họa sĩ Tạ Tỵ rất may đã được phát hiện kịp thời, với những nhân chứng, vật chứng thuyết phục, và khi họa sĩ đích thực vẫn còn đủ minh mẫn, sức khỏe để lật tẩy sự trở về cố hương không đúng như tác phẩm ban đầu. Trong giới mỹ thuật, người ta cũng đã nhiều lần phàn nàn về những cuộc trở về của những tác phẩm của các danh họa như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên...

Còn nhớ, năm 2015, cuộc triển lãm “Hội họa Việt Nam - một diện mạo khác” trưng bày hơn 50 tác phẩm của các họa sĩ trưởng thành từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu... Đây là những bức tranh do nhà sưu tập Nguyễn Minh ở Hà Nội mua lại từ các nhà sưu tập nước ngoài, trong đó có bức ông đã đấu giá thành công tại phiên đấu giá Christies (Hồng Kông) và Skinner (Mỹ). Nguyễn Minh kể, để có được 2 bức tranh của họa sĩ Lê Phổ và 4 bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, ông đã phải thực hiện hàng chục chuyến bay sang Hồng Kông và Mỹ để tham gia các phiên đấu giá. Những chuyến đi phải nói là tốn kém với không ít những vất vả, năm 2013 ông đã đấu giá thành công và... khá tốn kém. Đến tháng 7/2013, Nguyễn Minh đã đón 4 bức tranh của họa sĩ xa xứ Vũ Cao Đàm mà ông đã đấu giá thành công tại phiên đấu giá Christies (Hồng Kông) và Skinner (Mỹ) về tới Hà Nội. Nhà sưu tập Nguyễn Minh tâm sự: “Đưa được 4 bức tranh của cụ Vũ Cao Đàm về tới Hà Nội là một niềm hạnh phúc lớn trong hành trình của tôi”. Tuy vậy, khi triển lãm diễn ra, đã xuất hiện ý kiến nghi ngại về tính “thật” của một số bức tranh trong triển lãm. Thậm chí, có những chuyên gia cũng chỉ ra những nét vẽ vụng về hoặc màu mực còn khá mới trên một vài bức tranh. Song, lần đó, không có ai tung ra những bằng chứng thuyết phục nên tất cả chỉ dừng lài ở “tin đồn”.

Nhọc nhằn những cuộc hồi hương - 1

Chiếc xe kéo Hoàng thái hậu Từ Minh.

2. Vào tháng 4 năm ngoái, nhiều người VN vui mừng khi thấy chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (thân mẫu vua Thành Thái) sau nhiều thập kỷ ly hương đã hồi hương. Cuộc trở về này được đón chào rầm rộ. Tuy vậy, ít người biết, để đưa được kỷ vật độc đáo này về nước là cả một nỗ lực và tốn kém. Trước đó, ngày 13/6/2014 ở phiên đấu giá diễn ra tại Văn phòng Rouillac (Pháp), đại diện của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo này với mức đấu giá 45.000 euro (cộng thêm phần lệ phí đấu giá thành 55.800 euro - khoảng 1,3 tỉ đồng). Đây chỉ là một trong rất nhiều cổ vật có giá trị của VN đang lưu lạc ở nước ngoài đã hồi hương. Đây cũng là lần đầu tiên VN đấu giá thành công cổ vật ở nước ngoài.

Lý do của những sự ra đi thì có nhiều, do chiến tranh, do đói nghèo, do mất trộm… Nhưng lý do của sự trở về, dường như chỉ có một: đó là tình yêu với Tổ quốc, với đất Mẹ Việt Nam. Chính vì thế, như đối với chiếc xe kéo kể trên, khi vừa đấu giá xong, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris) tuyên bố nhà nước Pháp đề nghị mua lại chiếc xe ấy (với giá trên) theo nguyên tắc “quyền ưu tiên mua” ở nước sở tại. Sau quá trình vận động ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp đã đồng ý không tranh mua cổ vật với VN đối với chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh. Như vậy, đây là cổ vật đầu tiên của VN đang lưu lạc ở nước ngoài được VN đấu giá thành công và đưa trở về nước.

Nhiều cổ vật khác cũng đã trở về quê hương với tình yêu như vậy. TS Trần Đức Anh Sơn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng từng kể, có lần ông đưa một người VN qua Đức, và anh này đã mua lại những cổ vật ngày xưa anh bán cho người Đức để đem về VN. “Đây là một trong những tín hiệu mà theo tôi là cho thấy bắt đầu có xu thế cổ vật hồi hương về lại VN”, theo ông Sơn.

Nhọc nhằn những cuộc hồi hương - 2

Phố Gia Ngư - màu dầu, Bùi Xuân Phái.

3. Tuy vậy, đến nay, rất nhiều cổ vật quý của VN vẫn đang lưu lạc xứ người. Con số ấy cụ thể là bao nhiêu?

Theo ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, trong mấy năm qua, đơn vị này từng tiếp nhận một số cổ vật hiến tặng đưa về từ Pháp, gồm: một cặp ngà voi, một chiếc bàn gỗ sơn son mặt sứ, một chiếc đồng hồ khảm xà cừ… Nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn cổ vật của VN và Huế đang lưu lạc ở nước ngoài, trong đó ở Pháp là nhiều nhất. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, cổ vật triều Nguyễn đã xảy ra những đợt mất mát lớn vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972... Vụ mất mát lớn nhất của Huế trong lịch sử lại gắn liền với sự kiện thất thủ kinh đô (5/7/1885, nhằm ngày 23/5 năm Ất Dậu), khi tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã cướp bóc…”. Có thể nói, phần lớn của cải trong hoàng cung nhà Nguyễn và cả trong giới quý tộc Huế đã bị người Pháp đưa về “chính quốc” và hiện được trưng bày tại các bảo tàng của Pháp. Ngoài ra, do chiến tranh qua các thời kỳ lịch sử khác nhau mà cổ vật triều Nguyễn đã mất mát, rơi vào tay nhiều giới khác nhau, thậm chí không ít số đó đã bị tuồn ra nước ngoài. Trong đó, ở Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có cổ vật của triều Nguyễn mà tôi đã trực tiếp nhìn thấy”, theo ông Hải.

Để cổ vật quý của Việt Nam tiếp tục có hồi hương, nhiều chuyên gia cho rằng, nỗ lực của các cá nhân, của giới yêu cổ vật thôi chưa đủ. Nhà nước cần có chính sách phù hợp có thể mua, lập hồ sơ để kiện đòi cổ vật, hoặc trao đổi các cổ vật quý. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh cuộc vận động “hồi hương cổ vật”, nhất là các cổ vật quý thuộc sở hữu của và con Việt kiều ở nước ngoài. Một cuộc vận động có chủ đích sẽ tạo điều kiện phát hiện cổ vật, bắt cầu cho việc “hồi hương cổ vật” bằng các hình thức thích hợp.

Có như vậy, những cuộc hồi hương mới chính danh, và bớt phần nhọc nhằn.

Một trong những cổ vật quý mà thời gian qua chúng ta đã cố gắng để hồi hương nhưng bất thành đó là bức tranh “Chiều tà” do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915. Mặc dù UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế ủy quyền Đại sứ quán VN tại Pháp tham gia đấu giá bức tranh này vào ngày 24/11/2010 để bổ sung vào bộ sưu tập cổ vật hoàng gia, cung đình Huế nhưng bất thành do giá bức tranh được mua cao hơn số tiền mà VN đưa ra.

Bên cạnh đó, một số quốc gia còn quy định thời gian cổ vật lưu lại trên đất nước họ bao nhiêu năm thì sẽ thuộc tài sản của họ. Ví dụ theo quy định của Pháp, bất kỳ cổ vật nào sau 30 năm lưu lạc ở nước này đều thuộc tài sản của họ. “Vì vậy, sau khoảng thời gian này, dù VN có chứng minh được nguồn gốc cổ vật cũng như việc chúng bị lấy cắp thì cũng không thể đòi lại được nữa”, một chuyên gia phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhọc nhằn những cuộc hồi hương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO