Những “hạt ngọc” vùng cao

Ngọc Thanh 28/09/2017 14:00

Bên cạnh việc trồng những giống lúa mới có khả năng chống chọi sâu bệnh, mang lại năng suất cao, cải thiện đời sống thì tại nhiều địa phương, bà con vùng cao vẫn dành đất canh tác giống lúa truyền thống có hương thơm, dẻo mềm và rất ngọt cơm. Bà con cho rằng đó là giữ lại những giá trị truyền thống của cha ông từ bao đời nay.

Cây lúa rẫy của đồng bào Cor

Đồng bào dân tộc Cor tỉnh Quảng Ngãi, sống chủ yếu ở các huyện Tây Trà, Trà Bồng, với nghề chính là trồng quế và lúa rẫy. Từ bao đời nay, bà con ở Trà Bồng đã canh tác lúa trên những dãy núi. Cây lúa sinh trưởng và phát triển theo lẽ tự nhiên của đất trời, mà không hề sử dụng phân, thuốc. Bởi vậy, tuy sản lượng không cao nhưng chất lượng gạo thì rất ngon. Bát cơm xới ra thơm nức, dẻo và ngọt. Bởi vậy, chỉ cần cơm trắng ăn với muối mè cũng thấy rất ngon và khỏe, leo núi không biết mỏi, làm nương không biết mệt. Hạt cơm lúa rẫy, lúa nương đã nuôi lớn bao thế hệ người Cor.

Hàng năm, cữ vào độ giữa tháng 5 âm lịch, bà con bắt đầu tỉa hạt lúa rẫy. Trước ngày tỉa hạt, dân làng làm lễ cúng ma lúa. Trước nay người Cor vẫn quan niệm rằng ma lúa giữ cho cây lúa rẫy tốt tươi, nhiều hạt. Còn từ tháng 10 - 11 Âm lịch lại là tết Giã rạ - được tổ chức giống như Tết cổ truyền của người Kinh. Nếu lễ ăn cơm mới là bắt đầu cho việc thu hoạch, thì Tết Giã rạ là khi lúa đầy ắp trong bồ của từng gia đình. Đây là dịp để mọi người trong làng tạ ơn thần linh đã phù hộ cho họ nhiều lúa và cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả. Trong ngày này, mọi người quây quần bên nhau, đàn ông trổ tài đấu chiêng, phụ nữ uyển chuyển trong điệu múa cà đáo… Tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng.

Theo lời của già làng Hồ Văn Thuận ở xã Trà Thủy thì giữ cây lúa rẫy cũng là giữ linh hồn của người Cor, những ai là con cháu người Cor phải có trách nhiệm giữ loại cây trồng truyền thống này, người dân trong làng rất quý giống lúa rẫy, nhất là người cao tuổi. Vì vậy mà từ rất lâu đời đồng bào dân tộc Cor giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với cây lúa rẫy này.

Mặc dù để đảm bảo lương thực, nâng cao đời sống, đồng bào dân tộc Cor đã phát triển cây lúa nước theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, bên cạnh đó thì vẫn còn những khoảnh đất riêng trên núi để trồng lúa rẫy, lúa nương.

Lễ mừng lúa mới
Hay tại thôn Châu Đắc, xã Phước Đại, huyện Bác Ái (Ninh Thuận), nhiều đồng bào Raglai vẫn trồng giống lúa rẫy còn được ví như lúa mẹ. Cùng với những diện tích giống lúa mới năng suất cao thì đâu đó, vẫn có những khoảnh nương thơm mùi lúa rẫy. Tuy năng suất rất thấp, nhưng hạt lúa Pa Dhai Vanh rất to, dài; nấu cơm có mùi thơm và ăn rất dẻo, ngọt. Đó cũng là hạt gạo gắn với đời sống tâm linh đồng bào Raglai nên một số người trong thôn muốn giữ gìn để lưu truyền lại cho con cháu sau này. Ngày trước, theo phong tục đồng bào Raglai, cứ vào cuối vụ thu hoạch, khi bắp, lúa đã đầy kho thì người dân tổ chức lễ mừng lúa mới.

Đây là một trong những lễ rất quan trọng của đồng bào Raglai để tạ ơn và cầu xin giàng (trời), thần lúa cho dân làng có cuộc sống ấm no, sung túc.

Các lễ vật dâng thần trong lễ mừng lúa mới rất đơn giản, gồm rượu cần, trầu cau, cơm, trứng gà và cơm trắng. Cơm được nấu từ hạt gạo Pa Dhai Vanh. Đồng bào Raglai quan niệm rằng nếu không tổ chức lễ tạ ơn Giàng vụ mùa tiếp theo sẽ bị chim chóc, sâu bệnh, thú rừng phá hoại. Chính vì vậy, hàng năm vào cuối vụ sản xuất nhà nhà rộn ràng chuẩn bị lễ vật dâng lễ tế thần theo nghi thức truyền thống.

Sau khi thầy cúng đã dâng lời cầu khấn sức khoẻ, bình an, mùa màng bội thu, những bát rượu được người Raglai chuyền tay nhau uống cạn. Rượu phải cạn thì người trong gia đình mới khỏe mạnh, cuộc sống mới hạnh phúc. Đây chính là dịp để bà con gặp gỡ, chung vui thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, giúp nhau trong lao động sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại giờ còn rất ít người lưu giữ giống lúa Pa Dhai Vanh truyền thống. Bởi vậy, cần sớm có kế hoạch để bảo tồn giống lúa quý này cũng là bảo tồn nét văn hóa đặc trưng lâu đời của đồng bào Raglai.

Theo Già làng PôA Lê Soai (xã Phước Đại, huyện Bác Ái (Ninh Thuận), phong tục xưa hễ nhà nào thu hoạch lúa mẹ và mùa vụ xong là có thể ăn mừng lúa mới trước, nhà nào thu hoạch chậm hơn thì ăn sau, có thể ăn mừng lúa mới vào bất cứ ngày nào. Vì thế, mỗi năm cứ độ gần Tết bản làng Raglai luôn rộn ràng không khí lễ mừng lúa mới, ngày nào cũng có gia đình lên rẫy rước Giàng, cùng chung vui bên chén rượu cần.


Gìn giữ những giống lúa quý
Ông Võ Sỹ Phi -Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) cho biết, toàn huyện hiện duy trì khoảng 252ha lúa rẫy. Điều đáng mừng là đồng bào không còn phá rừng để trồng lúa rẫy như trước đây, trên cùng một diện tích trồng quế, keo, bà con trồng xen canh cây lúa rẫy, mè đen… Để giữ tập quán canh tác lúa rẫy, tận dụng diện tích đất ven rừng hay những khoảng đất còn trống nơi hốc đá để tỉa hạt lúa. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Trà Bồng đề ra hướng duy trì các loại cây trồng truyền thống, trong đó có cây lúa rẫy.

Còn ở buôn Je Juk (xã Đắk Phơi – huyện Lắk, tỉnh Đắc Lắc), xen giữa những ruộng lúa nước trù phú hay những nương ngô xanh mướt bà con người M’nông vẫn dành ra những diện tích để bảo tồn giống lúa truyền thống. Trong buôn có 130 hộ thì có đến 90 hộ trồng lúa nương để ăn và ủ rượu, nhiều nhất ở buôn Je Juk, T’long, Du Mah... Bà con chủ yếu trồng lúa nương ở trên đồi, canh tác hoàn toàn bằng thủ công, chọc lỗ để gieo hạt, nhờ chất đất tốt, không bị ô nhiễm nên cây lúa cứ theo mưa theo nắng lớn lên mà không cần phải phân bón hay thuốc trừ sâu.
Nhưng để có được cây lúa khỏe thì lúa giống phải là hạt to đều, chắc khỏe, được gác bếp để xử lý mầm bệnh, khi lấp đất không được quá sâu để lúa còn nảy mầm, nhưng cũng không quá cạn để chim, chuột bới lên ăn…Tất cả đều phải dựa vào kinh nghiệm của bà con. Ngày thu hoạch, bà con dùng tay tuốt từng bông lúa rồi bỏ vào gùi mang về nhà.

Nhằm giúp bà con bảo tồn giống truyền thống, Trạm Khuyến nông huyện Lắk (Đắk Lắk) phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ triển khai đề tài “Xây dựng một số mô hình cây trồng, vật nuôi bản địa có lợi thế hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk”. 2 giống lúa bản địa thuần chủng là Ba NjRang và Ba MeiMô của người M’nông được trồng thí điểm trên diện tích 1 ha. Theo đánh giá của ban chủ nhiệm đề tài, 2 giống lúa này có cây cao, khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất đạt 3,5 tấn/ha, chất lượng gạo tốt, cơm ngon. Ngoài ra, nếu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì có thể cho năng suất, chất lượng tương đương các giống lai khác, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn gen lúa quý hiếm của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những “hạt ngọc” vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO