Những thảm họa 'nhân tạo' tồi tệ nhất thế giới

Mai Nguyễn (Theo Grunge) 01/04/2022 19:27

Thiên tai là những điều thảm khốc mà con người không thể kiểm soát và tránh khỏi. Nhưng nếu chính bàn tay con người lại mang đến những thảm họa, điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn gấp nghìn lần.

Thảm kịch ‘Love Canal’

Trong khi thảm kịch của Love Canal bùng nổ vào năm 1978, mọi chuyện đã bắt đầu nhen nhóm từ năm 1890. Thời điểm đó, thành phố New York được quy hoạch với điểm nổi bật là kênh thủy điện nối thượng nguồn và hạ lưu sông Niagara. Tuy nhiên, do kinh phí cạn kiệt, con kênh chỉ được đào một phần và sau đó được chiếm dụng trở thành một địa điểm chứa rác thải.

Thảm kịch Love Canal tại thành phố Niagara Falls, bang New York. Ảnh: CNN.
Thảm kịch Love Canal tại thành phố Niagara Falls, bang New York. Ảnh: CNN.

Mãi cho đến những năm 1940, khi Công ty Hóa chất Hooker mua lại bãi rác và thải 21.000 tấn rác thải hóa học độc hại xuống con kênh bỏ hoang trong khu dân cư Love Canal, mọi thứ mới thực sự trở thành thảm họa. Họ đã chôn rác thải để che giấu rồi bán khu đất lại cho địa phương với giá 1 USD vào năm 1953. Chính quyền sau đó đã cho xây dựng ở đây ngôi trường mang tên 99th Street.

Trong 20 năm tiếp theo, nơi đây chính xác là một quả bom hẹn giờ. Trải qua nhiều mùa đông ẩm ướt vào cuối những năm 1970, các thùng hóa chất trong lòng đất bắt đầu rò rỉ ra ngoài và nổi lên trên bề mặt, chất thải độc hại rò rỉ khắp thành phố.

Công nhân mặc đồ bảo hộ kéo một thùng chứa đất nhiễm độc tại bãi thải nguy hại ở Love Canal năm 1988. Ảnh: Buffalo News.
Công nhân mặc đồ bảo hộ kéo một thùng chứa đất nhiễm độc tại bãi thải nguy hại ở Love Canal năm 1988. Ảnh: Buffalo News.

Theo số liệu năm 1978, 56% trẻ em ra đời trong giai đoạn 1974 - 1978 đều bị mắc các dị tật bẩm sinh. Với hơn 80 độc tố chảy ra từ kênh, chính phủ đã phải ban bố tình trạng thảm họa cấp liên bang tại Love Canal, khiến hàng nghìn cư dân phải di dời.

Thảm họa Chernobyl

Những gì đã xảy ra ở Chernobyl luôn được coi là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân cả về số người thiệt mạng, thiệt hại về kinh tế và hậu quả kéo dài mãi về sau.

Trở lại ngày 26/4/1986, một vụ tai nạn đã xảy ta tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Liên Xô), phá hủy hoàn toàn lò phản ứng của tổ máy điện thứ tư và phun ra một đám mây phóng xạ trên khắp bầu trời châu Âu.

Thảm họa hạt nhân kinh hoàng ở Chernobyl, Liên Xô cũ (nay là Ukraine). Ảnh: The Independent.
Thảm họa hạt nhân kinh hoàng ở Chernobyl, Liên Xô cũ (nay là Ukraine). Ảnh: The Independent.

Trước khi vụ tai nạn xảy ra, lò phản ứng của tổ máy thứ tư chứa 180 - 190 tấn nhiên liệu hạt nhân (uranium dioxide). Theo các ước tính hiện được coi là đáng tin cậy nhất, từ 5-30% khối lượng uranium dioxide đã bị thất thoát vào không khí.

Số người chết sau thảm họa Chernobyl hiện vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi. Theo Hiệp hội Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, 28 trường hợp tử vong đã được thống kê trong vòng ba tháng đầu tiên. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc sau đó đã khẳng định rằng khoảng 4.000 người cuối cùng sẽ chết vì ung thư do bức xạ. Ung thư và phóng xạ là những kẻ giết người lén lút và phải mất rất nhiều năm mới có thể phát hiện. Nhiều khả năng, con số chính xác về số người thiệt mạng ở Chernobyl sẽ không bao giờ được biết đến.

Thảm họa mỏ than Benxihu

Thảm họa Benxihu không chỉ là tai nạn khai thác mỏ tồi tệ nhất từng được ghi nhận, mà còn là thảm kịch từ sự vô tâm tuyệt đối của con người.

Thời điểm năm 1942, Benxihu từng là một mỏ than của Trung Quốc dưới sự giám sát của Đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Và khi một vụ nổ làm rung chuyển khu phức hợp, bi kịch đã xảy ra.

Mỏ than Benxihu ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Mỏ than Benxihu ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Các đám cháy mỏ than luôn nổi tiếng là khó dập tắt ngay cả trong thời điểm hiện đại. Năm 1942, do không có cơ sở hạ tầng an toàn nào được lắp đặt, Đế quốc Nhật Bản đã niêm phong trục, ngăn oxy để dập tắt đám cháy – một quy trình cứu hỏa vô cùng hợp lý. Tuy nhiên, điều phi logic là ngay lúc đó các thợ mỏ vẫn còn ở trong trục.

1.549 công nhân đã chết do ngạt thở hoặc ngộ độc khí carbon monoxide, không phải do hỏa hoạn mà bắt nguồn từ nguyên nhân chính là miệng lò bị bịt kín để ngăn oxy tiến vào bên trong.

Thảm họa ‘Màn sương khói khổng lồ’

Trở về ngày 5/12/1952, khi thủ đô London chật kín người mua sắm cho mùa Giáng sinh và năm mới, một màn sương khói dày đặc xuất hiện đã hạn chế tầm nhìn chỉ còn 10m. Ở khu vực Isle of Dogs, sương mù dày đặc đến nỗi người dân không thể nhìn thấy chân mình.

Bầu trời London giữa thảm họa ‘Màn sương khói khổng lồ’ năm 1952. Ảnh: AP.
Bầu trời London giữa thảm họa ‘Màn sương khói khổng lồ’ năm 1952. Ảnh: AP.

Đặc biệt là khói mù có mùi rất kinh khủng, một số người mô tả mùi của nó giống như mùi trứng thối. Có thông tin khói độc ô nhiễm đến mức đã khiến những con bò chết ngạt trên cánh đồng.

Thời tiết tồi tệ không phải là điều quá xa lạ với Vương quốc Anh, nhưng mùa đông tháng 12 năm đó đặc biệt khắc nghiệt. Người dân London đã phải đốt một lượng lớn than để sưởi ấm. Nhưng do chất chống đông, khói tạo thành không bốc lên cũng không phân tán. Đúng hơn, chúng tích lũy. Và đó là khi mọi thứ trở nên tồi tệ.

Bầu trời London giữa thảm họa ‘Màn sương khói khổng lồ’ năm 1952. Ảnh: Mirror.
Bầu trời London giữa thảm họa ‘Màn sương khói khổng lồ’ năm 1952. Ảnh: Mirror.

Mãi đến ngày 9/12, sương khói bắt đầu phân tán nhanh chóng sau khi thời tiết thay đổi, nhưng đến thời điểm đó đã có hơn 150.000 người phải nhập viện và hơn 12.000 người đã tử vong do các biến chứng về sức khỏe.

Ngọn lửa Peshtigo vĩ đại

Nếu thảm họa cháy rừng Peshtigo nghe có vẻ mới, có thể là do tâm điểm chú ý thời điểm đó bị thu hút bởi một sự kiện đô thị khác xảy ra cùng ngày: Trận đại hỏa hoạn Chicago. Và trong khi đám cháy ở Chicago chắc chắn rất tàn khốc, ngọn lửa ở Peshtigo thậm chí còn khủng khiếp và chết chóc hơn.

Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết, mùa hè năm 1871 đặc biệt khô hạn đối với khu vực Vịnh Green của Wisconsin. Ngày 8/10/1871, chỉ trong hai giờ, một ngọn lửa đã bùng nổ khắp thị trấn ‘giống như một cơn lốc xoáy’, phá hủy mọi thứ trên đường đi.

Bức vẽ về thảm họa cháy rừng Peshtigo năm 1871. Ảnh: History.
Bức vẽ về thảm họa cháy rừng Peshtigo năm 1871. Ảnh: History.

Theo Hiệp hội Lịch sử Wisconsin, một khoảng rừng rộng lớn đã bốc cháy, thiêu rụi 1,5 triệu mẫu Anh ở cả hai bên Vịnh Green. 16 thị trấn đã biến thành tro bụi, và ít nhất 1.500 người đã thiệt mạng (có thể lên đến 2.000 người) và 1.500 người khác bị thương.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia cho biết sức nóng quá tàn khốc đã khiến các nạn nhân đang chạy trốn tự nhiên bốc cháy. Đó là trận cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Thảm họa biển Aral

Từ vị trí là hồ nước mặn lớn thứ tư thế giới, sau 40 năm, diện tích biển Aral đã thu hẹp xuống chỉ còn 1/3, nước bị mất đi 80% và hạ thấp xuống 21 mét. Chính con người đã biến Aral thành thảm họa sinh thái đáng sợ nhất thế kỷ 20.

Được hình thành bởi các con sông Syr Darya và Amu Darya, Biển Aral là một thứ khu vực địa chất kỳ lạ, nằm giữa sa mạc Trung Á khô như xương. Nơi đây cũng đồng thời là cái nôi của các đế chế và địa điểm nghỉ ngơi trên Con đường Tơ lụa.

Aral chính là thảm họa sinh thái đáng sợ nhất thế kỷ 20. Ảnh: Greenerideal.
Aral chính là thảm họa sinh thái đáng sợ nhất thế kỷ 20. Ảnh: Greenerideal.

Bi kịch bắt đầu từ năm 1950, khi các nước trong khu vực cần đến bông vải để may quân trang cho quân đội. Tuy nhiên trên thị trường lúc đó, bông được xem là ‘vàng trắng’, có giá trị rất cao. Mỗi kg bông vải trị giá gấp 30 lần 1 kg ngũ cốc. Trong điều kiện kinh tế còn khiêm tốn, các nước trong vùng đã cho rằng tốt hơn hết là tự cấp tự túc. Họ cần trồng bông, cũng như ánh sáng và nước.

Ánh sáng trên vùng Trung Á không thiếu, nhưng nước luôn khan hiếm trầm trọng. Sau một thời gian, các quốc gia đã quyết định tận dụng nước từ hai con sông Amou-Daria và Syr-Daria. Kể từ thập niên 1950, người ta đã cho xây các đập chắn, kênh đào và một hệ thống tưới tiêu rộng lớn. Một trong những công trình quan trọng là kênh đào Karakoum. Con kênh này dẫn nước đi 1.600 km để biến những ốc đảo trên đất Turkmenistan thành những vườn rau ngút ngàn, những cánh đồng bông bát ngát.

Aral giờ đây chỉ còn lại một vùng đất khô hạn. Ảnh: Travel.
Aral giờ đây chỉ còn lại một vùng đất khô hạn. Ảnh: Travel.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định đã bỏ qua việc bê tông hoá những kênh đào. Hậu quả là, dưới ánh mặt trời nhiệt đới chói chang và cái nóng nhiều khi lên đến 40 độ của vùng Trung Á, 50% nước của hai dòng sông đã ngấm vào cát bỏng hay bốc hơi vào bầu không khí oi bức quanh năm.

Thảm họa Bhopal

Thảm kịch Bhopal là một vụ rò rỉ đến gần 30 tấn khí Methyl isocyanate (MIC) và các khí độc khác trong vong 3 - 4 tiếng đồng hồ, tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu được sở hữu bởi Union Carbide (UCIL) ở Bhopal, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Tại thời điểm đó, sự vụ này được cho là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử Ấn Độ.

Ước tính về số người chết không được thống nhất. Ban đầu, số lượng người chết trong thảm kịch Bhopal được cho là 2,259 người. Sau đó, chính quyền bang Madhya Pradesh xác nhận lại thì con số đó lên tới 3,787 người.

Khung cảnh tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu ở Bhopal năm 2002. Ảnh: CNN.
Khung cảnh tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu ở Bhopal năm 2002. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, đến năm 2006, một bản kê khai của chính phủ cho biết, vụ rò rỉ khí độc khiến 558.125 người bị phơi nhiễm, trong đó có 38.478 người bị thương nhẹ và khoảng 3.900 người bị thương nghiêm trọng và có nguy cơ để lại di chứng suốt đời. Nhưng có lẽ bi kịch lớn nhất của Bhopal là dường như không một ai quan tâm.

Thảm họa ‘Bão tuyết đen’

Thảm họa Dust Bowl (Bão tuyết đen) được xem là thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở Mỹ những năm 1930. Các cơn bão bụi bắt đầu vào cùng thời điểm mà cuộc Đại suy thoái thực sự bắt đầu bao trùm đất nước, và nó tiếp tục quét qua các Vùng đồng bằng phía Nam nước Mỹ cho đến thời điểm cuối những năm 1930. Ở một số khu vực, các cơn bão không ngừng cho đến năm 1940.

Mọi chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 1931, khi mưa ngừng rơi và một đợt hạn hán kéo dài trong hầu hết thập kỷ đã giáng xuống khu vực. Bầu trời trở nên u ám. Gia súc bị mù và chết ngạt, bụng đầy cát mịn. Trẻ em và người lớn hít phải cát, ho ra chất bẩn và chết vì một bệnh dịch mới gọi là “viêm phổi bụi”. Trận bão bụi tồi tệ nhất đã xảy ra vào ngày 14/4/1935 — một ngày được gọi là "Chủ nhật Đen".

‘Bão tuyết đen’ bao phủ bầu trời Mỹ những năm 1930. Ảnh: Gannett.
‘Bão tuyết đen’ bao phủ bầu trời Mỹ những năm 1930. Ảnh: Gannett.

Ở thời điểm tồi tệ nhất, Dust Bowl bao phủ khoảng 100 triệu mẫu Anh ở Southern Plains, một khu vực có diện tích gần bằng bang Pennsylvania. Bão bụi cũng quét qua các thảo nguyên phía bắc của Mỹ và Canada, nhưng thiệt hại ở đó không thể so sánh với sự tàn phá xa hơn về phía nam.

Sự cố đập Banqiao

Năm 1975, cơn bão Nina đổ bộ vào Trung Quốc qua tỉnh Hà Nam, gây ra lượng mưa hơn 170 cm trong suốt 5 ngày. Và đó chính là sự khởi đầu của thảm họa.

Vào ngày 8/8/1975, xảy ra sự cố “758” vỡ đập ở Hà Nam, Trung Quốc - một ngày mà vô số người dân ở Trung Quốc sẽ mãi mãi không thể quên. Đập Banqiao được xây dựng vào năm 1952 để kiểm soát sông Ru. Trước những kỳ vọng là con đập “không thể phá vỡ”, các vết nứt đã bắt đầu xuất hiện trên đập Banqiao sau khi xây dựng xong.

Con đập Banqiao ở Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: CNN.
Con đập Banqiao ở Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Lúc đó, cơn bão đã tràn vào khu vực, các công nhân đập đã được lệnh không xả nước khỏi Banqiao, mặc dù nước đang tràn vào con đập. Quá hoảng sợ, các công nhân đã chất đống các bao cát để tăng thêm độ chắn. Điều này giúp tăng dung tích hồ chứa nhưng lại gây thêm áp lực lên con đập vốn đã không được bảo vệ. Và cuối cùng, Banqiao đã vỡ.

Tổng cộng đã có 29 khu vực bị ảnh hưởng, liên quan đến 12 triệu người, phá hủy hơn 6,8 triệu ngôi nhà, hơn 100 km đường sắt Bắc Kinh - Quảng Châu, làm tuyến đường sắt này gián đoạn trong 18 ngày, ảnh hưởng đến giao thông bình thường trong 48 ngày và thiệt hại kinh tế trực tiếp là khoảng 10 tỉ NDT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thảm họa 'nhân tạo' tồi tệ nhất thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO