Niềm tự hào của người Tày ở Ea Sar

Tuấn Anh 31/08/2015 16:56

Vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, hiểu được nỗi nhọc nhằn của ông bà, cha mẹ, em Hoàng Ngọc Cường (sinh năm 1996, người dân tộc Tày ở thôn 1, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) tính nghỉ học đi làm thuê phụ giúp gia đình. Thế nhưng với niềm khát khao được đến giảng đường đại học, em đã nỗ lực “Dùi mãi kinh sử” và trúng tuyển vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân với số điểm 27,5. Mặc dù con đường học tập phía trước của em còn nhiều gian nan nhưng em là tấm gương cho nhiều học sinh nghèo vù

Niềm vui của gia đình cường và thầy giáo (ngoài cùng bên trái)
khi biết tin em đậu đại học với điểm cao

Thôn 1, xã Ea Sar hiện có 87 hộ trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95% (phần lớn là đồng bào Tày từ tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp) đời sống chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Ông Hoàng Văn Nhượng (bố của Cường) chia sẻ: “Trước đây do gia đình quá nghèo nên cả tôi và mẹ nó không được học hành đến nơi đến chốn, cái chữ thì rơi rớt hết trên nương rẫy. Năm 1990, sau khi vào Đắk Lắk lập nghiệp khai hoang được ít đất, chăm chỉ làm ăn gia đình không còn phải đói như những năm trước. Cuộc sống mình đã khổ, học nhành không đến nơi. Chỉ mong các con không phải thất học nên dù nghèo đến mấy vợ chồng phải đi làm thuê làm mướn, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho con cái nó học cái chữ để nó bớt khổ. Vì vậy vợ chồng tôi luôn động viên các con phải nỗ lực vươn lên”.

Trước khi xuống TP. Hồ Chí Minh nhập học, hàng ngày Cường vẫn chăm chỉ phụ giúp gia đình phơi ngô

Có lẽ hành trình đến trường nuôi chữ của Cường cũng như nhiều bạn cùng trang lứa nơi vùng quê nghèo này cũng lắm gian nan và khổ cực. Trước đây điều kiện đi lại còn khó khăn, mỗi ngày đến trường không có xe em phải lội bộ quãng đường hơn 7km. Nhiều khi, để kịp đến lớp em phải băng qua khúc sông trước nhà, men theo đường mòn bên rẫy của người dân khoảng 3km mới không bị lỡ buổi học. Vất vả là thế, nhưng được sự động viên của ông bà nội, cha mẹ và người anh trai em đã nỗ lực vươn lên để không kém bè, thua bạn. Cường chia sẻ: “Lúc đầu em chỉ nghĩ cố gắng học xong cấp 3 có cái bằng cho bố mẹ vui, rồi về trồng cỏ nuôi bò, phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Bởi ông bà, bố mẹ đã lớn tuổi, phần nữa anh trai đi bộ đội chưa về nên đất đai không có người làm”.

Tuy gia đình còn vất vả, khó khăn nhưng bố mẹ Cường luôn động viên con phải đi học, ông Nhượng bảo con nếu con học xong đi thi không đậu bố mẹ không buồn, chứ con học xong không đi thi thì bố mẹ buồn gấp trăm lần. Do ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, thông tin hạn chế nên có nhiều thông tin Cường không cập nhật kịp thời. Năm trước, Cường làm hồ sơ thi vào ngành Công an nhưng do không nắm được lịch khám tuyển nên đành gác lại ước mơ. Để bố mẹ không buồn lòng, Cường giả vờ vác bô lô đi thi cho có lệ nhưng em lại bắt xe lên Đà Lạt (Lâm Đồng) đi làm thuê làm mướn. Bởi em biết gia đình còn nghèo, nếu học trường khác bố mẹ sẽ không kham nổi. Với quyết tâm không làm bố mẹ thất vọng, sau gần 1 năm làm thuê từ giữ xe quán cà phê, quán phở đến làm mộc, đào hố, đúc trụ tiêu thuê cho người ta. Số tiền kiếm được em trích một phần phụ giúp bố mẹ trả nợ ngân hàng, một phần em dùng để trang trải tiền ôn thi. Ngày thi gần kề cũng là lúc em học ngày, học đêm để củng cố lại kiến thức chờ ngày “ứng thí”, được sự động viên, giúp đỡ của thầy giáo và gia đình em đã vợt qua kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 với điểm số cao (Môn Địa lý đạt 9,5 điểm; môn Lịch sử 9,0 điểm và môn Văn 6,0 điểm), cộng với điểm ưu tiên vùng em đã đậu vào Trường Đại học Cảnh sát ở TP. Hồ Chí Minh.

Cường cắt cỏ chăm bò giúp bố mẹ

Chia sẻ về những kết quả đạt được của học sinh, thầy Thái Văn Mạnh (Giáo viên môn Địa lý, trường THPT Trần Nhân Tông huyện Ea Kar) nói: “Những năm học cấp 3, Cường có đến nhờ tôi ôn tập. Đây là một học sinh có năng khiếu và khá nhanh nhạnh trong các môn học. Qua tìm hiểu tôi biết gia đình em có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy tôi đã động viên em cố gắng học tập và thi vào ngành công an hoặc quân đội. Bởi hoàn cảnh khó khăn nên em sợ bố mẹ không có điều kiện cho em theo học các ngành khác”. Dù đã lớn tuổi, nhưng nghe tin cháu nội đỗ vào Trường Đại học Công an, ông Hoàng Ngọc Đồng (ông nội Cường) không dấu nổi niềm vui và niềm tự hào về đứa cháu của mình. Ông Đồng chia sẻ: “Đời ông, đời cha đã khổ vì thiếu ăn, thiếu chữ, phải đi làm thuê làm mướn rồi. Giờ nghe tin thằng cháu nó học hành thi đậu, ông thấy vui cái bụng lắm. Chỉ mong nó vào trường học hành thật tốt sau này trở thành người có ích cho xã hội là cái phúc cho cả gia đình, dòng họ”.

Những con bê, gia đình Cường vay tiền ngân hàng mua về phát triển kinh tế

Sau khi biết được kết quả đậu đại học, để có tiền đón xe xuống TP. Hồ Chí Minh nhập học, hàng ngày Cường tranh thủ đi đúc trụ bê tông trồng tiêu cho các gia đình trong xã cùng với bố. Nghe tin Cường đỗ đại học với điểm cao nhiều người trong thôn đã đến chia vui cùng gia đình. Rời vùng quê nghèo về thành phố khi cơn mưa chiều sắp kéo đến, sau lưng chúng tôi những tiếng nói cười giòn giã chúc mừng trong căn nhà gỗ đơn sơ của gia đình em Cường vẫn vang lên khiến cho tâm trạng chúng tôi vui lây cùng em và gia đình. Hi vọng với sự quan tâm của gia đình và tình cảm của người dân nơi vùng quê nghèo sẽ tiếp thêm động lực cho em trên con đường học tập, trở thành người chiến sĩ công an giỏi “vì nước quên thân vì dân phục vụ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm tự hào của người Tày ở Ea Sar

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO