Nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn

Việt Thắng 01/11/2016 23:02

Ngày 1/11, thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại trước việc nợ công tăng cao trong khi nhiều dự án đầu tư lãng phí, thất thoát lớn.

Nhiều công trình được đầu tư lớn nhưng không phát huy hiệu quả, làm nợ công gia tăng. Ảnh: Hoàng Anh.

Đề nghị truy tố tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí tại các dự án lớn

Đó là vấn đề được ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề cập đến sau khi điểm tên các dự án lớn gây lãng phí trên 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong thời gian qua như: xơ sợi Đình Vũ; gang thép Thái Nguyên; nhà máy bột giấy Phương Nam; nhà máy Đạm Ninh Bình; nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất. Theo ông Phương, cần xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học, ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn đầu tư.

Nhấn mạnh “muốn điều trị bệnh thì phải tìm nguyên nhân gây bệnh”, theo ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) thì nguyên nhân là do chi vượt quá khả năng của nền kinh tế, trong khi đó lại có nhiều khoản nợ lớn. Dẫn chứng nợ công đã lên đến 64,98%, gần chạm trần 65%, nợ Chính phủ 53,1% GDP, trong khi ngưỡng cho phép là 50%, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đưa ra cảnh báo: Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn, và dự báo chi trả nợ sẽ tăng cao hơn giai đoạn tới. Nếu tiếp tục đầu tư như thời gian qua sẽ không ngăn chặn dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, và hệ quả sẽ ngày càng lớn.

Giải trình về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ công năm 2001 là 36,5% GDP; năm 2005 là 40,8% GDP; năm 2010 là 50%; năm 2015 là 62,2%GDP. Quy mô nợ công năm 2015 khoảng 2,68 triệu tỷ đồng (gấp 2,3 năm 2010) và 14,8 lần năm 2001. Tốc độ tăng nợ công 2011-2015 bằng 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế giai đoạn này là 5,91%. Hàng năm phải đảo nợ với con số năm 2014 là 106.000 tỷ; năm 2015 là 125.000 tỷ; năm 2016 là 95.000 tỷ. “Cho nên các ĐB nói nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là hoàn toàn đúng”- ông Dũng nói.

Giải pháp cho thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, ngân sách và thời gian tới sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật quản lý nợ công, hiện đang rà soát lại chiến lược nợ công và chính sách về thuế theo đề án đảm bảo an toàn nợ công và việc này đã báo cáo Bộ Chính trị. Tái cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài, đồng thời tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công.

Dồn lực cho nông nghiệp, công trình trọng điểm

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 phải thực hiện thành công tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho nên cần cơ cấu lại thu chi ngân sách và nợ công, quản lý tốt quy hoạch của từng địa phương với cả nước, bố trí vốn cho các công trình trọng điểm quốc gia để tránh tăng nợ công, và tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo bà Tuyết, 5 năm tới nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế cho nên cần nâng cao chất lượng theo hướng nâng cao giá trị gắn với nền nông nghiệp sạch với các cây trồng chủ lực, rau quả riêng biệt, cung cấp giống mới để đạt chất lượng và đột phá theo hướng chuyên canh gắn với biến đổi khí hậu và thị trường. “Do tăng trưởng không đạt kế hoạch khiến nợ công tăng nhanh, nợ công, nợ Chính phủ trên GDP là mức đáng quan tâm. Vì vậy phải chấn chỉnh các chính sách thuế, tránh thất thu ngân sách”- theo bà Tuyết.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020 cần thanh toán nợ đọng, tập trung bố trí vốn để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia, trọng điểm để phát triển đất nước tạo sự lan tỏa đối với các vùng xung quanh. Phát triển kinh tế vùng, liên vùng, khai thác kinh tế vùng thiết thực hiệu quả. Phải thống nhất liên kết vùng, liên vùng để nguồn lực được tập trung nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Còn ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) nhìn nhận trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Chính phủ cần tìm cách để khơi thông nguồn lực xã hội để doanh nghiệp, người dân mạnh dạn tham gia đầu tư vốn, thay vì gửi tiết kiệm. Bên cạnh chương trình khởi nghiệp đang được Chính phủ đẩy mạnh, cần khuyến khích thành lập những tập đoàn mang thương hiệu quốc gia với doanh thu, lợi nhuận lớn. Chính những doanh nghiệp lớn này sẽ dẫn dắt cộng đồng phát triển, tạo ra nguồn thu cho ngân sách.

“Ngân sách phải là nguồn vốn mồi tạo động lực đòn bẩy để phát triển. Trong thu hút vốn ODA cần tỉnh táo tránh rơi vào bẫy nợ nần, hay thu hút FDI cũng cần chọn lọc, tránh trả giá môi trường sau này. Chính quyền địa phương cũng cần siết chặt kỷ cương, tài chính ngân sách, xoá cơ chế xin cho”- ông Quốc bày tỏ.

Không thể vì lương thấp mà bổ nhiệm nhiều

Ngày 1/11, trao đổi với báo chí về việc ông Lưu Văn Bản- nguyên Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương, hiện là Bí thư Thị ủy Chí Linh giãi bày: “Việc ký quyết định bổ nhiệm tới 44 lãnh đạo trên tổng số 46 biên chế là do khối lượng công việc quá lớn nên phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân” - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Trả lời như thế là thiếu trách nhiệm. Một đồng chí lãnh đạo Sở mà nói bổ nhiệm nhiều lãnh đạo là vì dân thì quả thực tôi không thể hình dung và tôi cũng không biết vì dân là ở lý do gì”.
Ông Nhưỡng nói: “Đồng chí lãnh đạo đó trả lời là vì dân ở điểm nào, một cơ quan cũng bằng ấy chức năng người ta bố trí khác mà ở Hải Dương lại bố trí khác. Phải chăng ở Sở LĐTB&XH Hải Dương thì việc nhiều hơn? chức năng, nhiệm vụ nhiều hơn và tôi hỏi đã làm được những gì cho nhân dân? Tôi cho rằng, trả lời như thế là chưa tròn trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”.
Từ đó, ông Nhưỡng cho rằng,Đảng bộ, chính quyền Hải Dương cần vào cuộc một cách hết sức nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn. Không chỉ ở Sở LĐTBXH mà phải rà soát lại tất cả các Sở, ban, ngành và đây có thể coi là bài học cho các sở, ngành của các tỉnh trong cả nước để chấn chỉnh công tác cán bộ.

H.Vũ (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO