Nỗi buồn sau vinh danh

Lam Nhi 10/10/2017 10:15

Lễ tuyên dương 84 thủ khoa đầu ra xuất sắc năm 2017 của Hà Nội vừa được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Sau 15 năm, tính cả năm nay, đã có 1.617 thủ khoa được vinh danh, đón nhận bằng khen của UBND TP Hà Nội.


Nữ thủ khoa Bùi Thị Hà tại lễ tuyên dương năm 2016 sau 1 năm ra trường vẫn chưa xin được việc làm đúng chuyên ngành.

Nỗi buồn thủ khoa

Chưa có một thống kê nào về những thủ khoa sau khi được vinh danh ra sao, làm việc ở đâu, có đúng với chuyên ngành đã được học, có đóng góp gì cho thủ đô và đất nước… Nhưng câu chuyện buồn về nữ thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 sau hơn 1 năm ra trường vẫn chưa xin được việc làm, phải đi bán hoa quả thuê, phụ mẹ nuôi lợn khiến nhiều người không khỏi xa xót cho những cử nhân ngành sư phạm sẽ đi đâu về đâu?

Một câu chuyện buồn khác, cũng trong ngành giáo dục là nơi này nơi kia, có những thầy cô dù rất cố gắng nhưng cũng không trụ lại nổi với nghề, đành làm đơn xin ra khỏi biên chế của ngành. Người ngoài muốn vào, người trong muốn ra phải chăng đang là bài toán khó với ngành giáo dục.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 1,1 triệu giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Số lượng giáo viên ở cấp mầm non thiếu khá trầm trọng - thiếu tới gần 33.000 người. Ở phổ thông thì thừa thiếu cục bộ, có cấp học vừa thừa vừa thiếu. Cả nước đang thừa 26.750 giáo viên ở các cấp, trong đó cấp THCS, dư tới 21.005 người (gần 80%); nhưng lại thiếu gần 13.000 giáo viên các cấp.

Tại Hà Giang, nơi nữ cử nhân sư phạm tuy là thủ khoa đầu ra nhưng sau 1 năm vẫn chưa thể nộp hồ sơ ở đâu vì thời gian qua tỉnh nhà không có chỉ tiêu tuyển dụng do số giáo viên đối với cấp THPT đang thừa. Mặc dù lãnh đạo tỉnh và Sở GD&ĐT Hà Giang đều đã biết, đã nhiều lần đến nhà động viên em chờ khi có đợt thi tuyển thì nộp hồ sơ nhưng bao giờ thi thì không ai trả lời chính xác.

Hiện nhiều địa phương có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng ở Hà Giang, việc thi tuyển công chức không đặc cách đối với thủ khoa. Nữ thủ khoa cũng bày tỏ không sợ phải thi công bằng nhưng chờ mãi mà vẫn không có chỉ tiêu, em rất nóng lòng. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn với mẹ già và một người chị cũng là cử nhân đại học chưa xin được việc, em trai đang là sinh viên khiến em không thể ngồi đó chờ đợi mà đi bán hoa quả thuê, phụ mẹ việc chăn nuôi lợn.

Một nữ sinh của một tỉnh miền núi, gia đình thuộc hộ nghèo, rồi cận nghèo, rồi thoát nghèo vì… chính sách của thành phố nhưng đã nỗ lực vươn lên để thi đỗ đại học, học tập chăm chỉ để trở thành thủ khoa của một trường ĐH quả thật không dễ dàng gì. Tưởng như sau ngần ấy nỗ lực của em sẽ được đền đáp xứng đáng, nhất là với mong ước trở về quê nhà để được giúp đỡ mẹ, được cống hiến cho quê hương chứ không phải là quyết tâm bám trụ lại ở thành phố như nhiều người vẫn lo lắng người trẻ không thiết tha về quê hương, về vùng khó. Nhưng nghịch lý thừa giáo viên, ngành giáo dục cũng không “quản” được vì không phải là đơn vị cấp ngân sách, cũng không quản lý con người.

Vướng bởi cơ chế tuyển dụng?

Việc tuyển dụng ở các địa phương hiện nay vẫn do các sở nội vụ quyết định, ngành giáo dục gần như không với tay được là cái khó mà lãnh đạo ngành giáo dục từng chia sẻ thể hiện rất rõ ở câu chuyện này. Ngay cả những thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc nhất khóa học của một trường sư phạm trọng điểm như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng khó khăn đến thế để được làm việc đúng chuyên ngành thì học sinh giỏi nào còn muốn vào sư phạm? Chẳng thế mà có trường ĐH sư phạm lấy điểm đầu vào bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT công bố, còn CĐ sư phạm chỉ lấy 9, 10 điểm 3 môn cũng chưa tuyển đủ sinh viên khiến nhiều người lo lắng đến chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Đó là chưa nói đến câu chuyện đãi ngộ đối với nhà giáo ngay cả khi đã vào được biên chế cũng chưa thể đảm bảo nhu cầu cuộc sống hàng ngày, công việc nhiều áp lực trong khi với chính sách luân chuyển trong ngành giáo dục, nhiều thầy cô phải dạy xa nhà hàng trăm cây số gây khó khăn trong việc chăm sóc gia đình khiến không ít người nản lòng. Bằng chứng là thời gian qua, những lá đơn xin ra khỏi biên chế dù vẫn còn tha thiết với nghề, vẫn nhớ trường, yêu học sinh… của một số giáo viên đã gửi đi. Nghề giáo cũng như hàng trăm ngành nghề khác, việc người đến người đi là không tránh khỏi nhưng vẫn cứ thấy ngậm ngùi…

Nhiều chuyên gia giáo dục đã nhấn mạnh đến đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục chứ không chỉ là chương trình, sách giáo khoa mới. Niềm tin, sự kỳ vọng vào đội ngũ những người thầy là rất lớn, trong đó có lớp sinh viên, cử nhân ngành sư phạm đang trong quá trình học tập, rèn luyện, trau dồi tri thức trên giảng đường. Nhưng cơ hội nào cho các em nếu sau 1, 2, 3 năm ra trường vẫn không thể xin được việc làm?

Cũng có người đặt câu hỏi, tại sao trong thời gian chờ đợi, nữ thủ khoa không xin đi dạy ở trung tâm, không phát huy kiến thức đã được học, ít nhất là làm công việc gia sư. Nhưng thử hỏi ở một tỉnh miền núi như Hà Giang, cơ hội ấy có nhiều không? Đó là chưa kể, ngay cả với đồng lương biên chế của giáo viên mới ra trường (trong trường hợp được tuyển dụng), có lẽ em vẫn phải làm thêm những công việc khác để trang trải cuộc sống còn nhiều khó khăn, hoặc lấy chính nghề nuôi nghề với cái vòng luẩn quẩn là dạy thêm học thêm…

Câu trả lời có lẽ không chỉ dành riêng cho ngành giáo dục mà là vấn đề của nhiều bộ ngành, nhiều cấp mới có thể giải quyết được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn sau vinh danh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO