Ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực tối ưu

Thuý Hằng 24/01/2022 08:00

Về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng vừa tạo động lực hỗ trợ cho nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân vừa phải đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng.

PV: Thưa ông, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp (DN) và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều chính sách tài khoá đã được ban hành. Ông có thể cho biết kết quả thực hiện các chính sách đó như thế nào?

Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Vừa qua, trước tác động nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Tài chính đã đề xuất, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 04 giải pháp bổ sung về miễn, giảm thuế gồm: giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác trong các quý III và IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn chịu tác động của dịch Covid-19; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh đối với các DN, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020.

Tính chung các giải pháp hỗ trợ bổ sung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định như trên, thì tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mà Nhà nước hỗ trợ cho DN, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng.

Trong quá trình xây dựng các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Tài chính đã tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng DN và người dân nhằm đảm bảo các giải pháp đưa ra là thiết thực, nhanh chóng tới được các đối tượng gặp khó khăn thực sự. Các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đều quy định rõ các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế được gia hạn, miễn, giảm, số thuế còn phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

Dịch Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay đã gây sức ép lên chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính có giải pháp gì nhằm đảm bảo thu chi ngân sách trong thời gian qua?

- Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng về tài khóa, tiền tệ (như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,...) tạo thêm nguồn thu cho NSNN; tăng thu từ tăng giá dầu thô (bình quân 10 tháng đạt 65,6 USD/thùng, cao hơn 20,6 USD/thùng so với giá dự toán); tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu (đến nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng cao). Kết quả thực hiện thu NSNN 10 tháng đã đạt 90,9% dự toán, và chúng tôi đang phấn đấu thu NSNN cả năm 2021 vượt dự toán.

Về chi NSNN, để chủ động ưu tiên cân đối nguồn cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội yêu cầu các Bộ, cơ quan TƯ, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách TƯ và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác (gồm tiền lương còn dư) để chi phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, để có thêm nguồn kinh phí mua và tiêm vaccine, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Vaccine phòng Covid-19 để huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Đến nay, Quỹ đã huy động được 8,8 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian tới, để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, Bộ Tài chính có giải pháp gì, thưa ông?

- Năm 2022 dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 còn có diễn biến phức tạp, tác động kéo dài. Trải qua 4 đợt dịch bùng phát, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó của cả nước và từng địa phương tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của DN và người dân đã giảm sút nhiều.

Nhiệm vụ đặt ra cho năm tới là phải kiểm soát an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, củng cố năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, mở rộng và tăng cường diện bao phủ vaccine, mặt khác phải có các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nhanh chóng khôi phục các hoạt động của nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, phục hồi thị trường lao động, đặc biệt là ở các trung tâm công nghiệp, dịch vụ. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng vừa tạo động lực hỗ trợ cho nền kinh tế, các DN và người dân, vừa phải đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô. Vừa qua, chúng tôi đã trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm 2022 cùng với nhiều giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực tối ưu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO