Những cánh rừng kêu cứu - Bài 4: Xót xa 'Rừng Thượng tướng'

Đơn Thương 08/07/2016 09:01

Từ một khu rừng thuộc hạng di tích lịch sử tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, chỉ trong vòng vài tháng, rừng Khuôn Mánh mà người dân hay gọi là “Rừng Thượng tướng” đã biến mất. Đứng trước cảnh trọc trơ, đen nhẻm của những thân cây bị cháy người dân vô cùng ngao ngán và bất lực.  

Từ một khu rừng huyền thoại nay “Rừng Thượng tướng” đã sạch trơn.

Xót xa lắm!

Rừng Khuôn Mánh, rừng của Khu Di tích lịch sử, nơi mà Thượng tướng Chu Văn Tấn – “Hùm Xám Bắc Sơn” – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam vốn được coi là cánh rừng linh thiêng. Nơi đây, đúng 75 năm về trước, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Đảng đã ra đời Cứu quốc quân II gồm 36 chiến sĩ, trong đó đồng chí Chu Văn Tấn được cử giữ chức vụ Đội trưởng.

Dọc theo đường tỉnh lộ 265, cách UBND huyện Võ Nhai chưa đầy 10 km, những tấm biển tuyên truyền về bảo vệ rừng đã được dựng lên, thậm chí nơi đây còn được Hạt kiểm lâm huyện Võ Nhai thành lập hẳn một chốt chặn để kiểm soát các hoạt động vận chuyển và khai thác rừng. Thế nhưng chả hiểu sao “Rừng Thượng tướng” vẫn… biến mất.

Giữa những gốc cây bị cưa chặt và đốt phá, để bia tưởng niệm và nhà chờ trơ thông lốc, chúng tôi không thể không nghẹn lòng. Những gốc cây đen đủi bị chặt phá, những ngọn cây còn sót lại sau vụ tàn sát bởi cưa lốc, cành cây khều khào vươn lên trời như những cánh tay kêu van làm cho người được chứng kiến không thể xót lòng.

Cơn mưa rừng bất chợt xối xả trút xuống, nắng lại bừng lên chát chúa đem lại một cảm giác oi nồng. Mấy đứa trẻ đi chăn trâu ngồi tránh nắng, mưa bên hiên ngôi nhà chờ của Khu tưởng niệm chỉ lên phía quả đồi trọc lốc bảo: Ngày xưa trên đấy mát lắm đấy. Bọn cháu đi chăn trâu luôn lấy chỗ ấy làm nơi tránh nắng, tránh gió cho mình. Thế nhưng giờ họ chặt hết rồi, trả có chỗ nào để tránh nắng mưa nữa.

Đứng trên đỉnh đồi rừng Khuôn Mánh, tinh mắt có thể nhìn thấy UBND huyện Võ Nhai rõ một. Trong “cơn sốt” phá rừng tự nhiên diễn ra nhiều năm trên địa bàn toàn quốc, rừng tự nhiên ở Võ Nhai cũng như xã Tràng Xá cũng cạn kiệt. Tuy nhiên, do tính chất linh thiêng nên rừng Khuôn Mánh vẫn còn màu xanh, với những cây và tán vươn lên.

Lụi cụi với con dao rừng lên nước láng bóng, bà Hoàng Thị Hiên, một cư dân trong thôn đang lụi cụi tranh thủ lên mót lại ít củi thừa mà người ta không còn tận thu, xót xa: Chắc có phép gì đấy nên họ làm rầm rộ lắm. Chả cần phải đêm hôm và lén lút đâu. Họ đem cưa lốc lên đổ xăng, nổ máy và làm ngay giữa ban ngày. Rồi xe vận tải lớn chở đi ùn ùn có thấy ai bắt bớ gì đâu.

Theo con đường đá xanh dài đến vài trăm bậc, chúng tôi nặng nề đặt những bước chân để leo lên khu Bia tưởng niệm. Ngột ngạt, thông thốc, cùng những gốc cây ứa nhựa, chúng tôi cố hình dung về một khu rừng linh thiêng của ngày mà ông Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng trao lá cờ đỏ sao vàng cho ông Chu Văn Tấn để thành lập lên Cứu quốc quân II với 36 đồng chí. Mặc nhiên, dù trí tưởng tượng phong phú thế nào đi chăng nữa chúng tôi đều không hình dung được và chỉ còn lại cảm giác uất nghẹn dồn lên trong lòng.

Chia tay với một khu rừng lịch sử nhanh chóng biến mất trong vài tháng, chúng tôi tìm gặp ông Trưởng thôn có tên là Hà Văn Bắc. Ông Hà Văn Bắc vốn là họ hàng gần gũi với ông Hà Văn Sơn và ông Hà Văn Noi (còn gọi Hà Văn Mạnh) là một trong những người thuộc 36 chiến sĩ Cứu quốc quân II ngày đầu thành lập. Không nề hà, ông Hà Văn Bắc cho biết: Chắc là có sự cho phép từ trên. Vì tôi thấy họ khai thác ngang nhiên lắm.

Phá và huy động… trồng lại rừng?

Sau khi rừng của Khu Di tích lịch sử Khuôn Mánh bị phá, chắc do phản ánh và dư luận của người dân, lãnh đạo huyện và các cơ quan ban ngành liên quan vào thị sát. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Võ Nhai, ngày 13-6-2016, tức tốc ông Đặng Xuân Trường – Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai đã ra kế hoạch có tên: Vận động trồng cây tại Khu Di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh để gửi các cơ quan ban ngành đoàn thể trong toàn huyện.

Trong kế hoạch này, điều ở đây cần chỉ rõ là sự phá hủy rừng Khuôn Mánh thì mục đích để trồng rừng lại được ông Trường chỉ ra hết sức chung chung là: “Tổ chức, thực hiện trồng cây tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia rừng Khuôn Mánh góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tỷ lệ che phủ rừng, tạo cảnh quan Khu Di tích lịch sử quốc gia”??? Trong kế hoạch này, ngoài các cơ quan ban ngành thì đến Hội Cựu chiến binh huyện và các trường mẫu giáo mầm non cũng phải tham gia, với số lượng cây phải trồng lên đến 2.210 cây.

Để rõ thêm vấn đề, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Đặng Xuân Trường. Không nề hà, ông Trường cho biết, kế hoạch khai thác rừng này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên giao cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Võ Nhai thực hiện. Cũng trong trao đổi và lý giải của ông Trường, sở dĩ có hiện tượng này là do bản đồ rừng của Khu Di tích Lịch sử quốc gia Khuôn Mánh không có sự rõ ràng.

Từ sự không rõ ràng này nên trước đây Dự án 661 đã có một số diện tích rừng trồng tại khu vực này. Nay rừng 661 đã đến tuổi khai thác, chặt tỉa nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Võ Nhai khai thác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do quản lý và giám sát không chặt nên họ đã khai thác… quá quy định.

Cũng theo ông Trường, sở dĩ có hiện tượng này là do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra kế hoạch, cấp phép khai thác chỉ giao nhiệm vụ giám sát cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên mà không gửi cho địa phương. Do sự “đơn thương, độc mã” trong hành động này nên khi có ý kiến của dân thì mọi sự đã rồi.

Để xử lý “sự cố” này, ngày 29-6-2016, UBND huyện Võ Nhai đã ra Thông báo số 1690/TB – UBND do ông Dương Quốc Toàn, Chánh văn phòng kí. Tinh thần công văn này cho biết, sẽ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm thuộc lĩnh vực phụ trách của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc quản lý Khu Di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh.

Về quan điểm, ông Trường cho biết sẽ thực hiện nghiêm, hiện nay đã có kết luận và kế hoạch để gửi về cho các đơn vị liên quan để họ tự đề xuất phương án xử lý. Riêng với lãnh đạo xã, sẽ có một phó chủ tịch bị xử lý kỉ luật nặng vì đã cấp phép khai thác rừng không đúng quy định và không báo cáo kịp thời khi sự việc xảy ra.

“Chúng tôi sẽ kiên quyết, trong quá trình xử lý và các biện pháp đề xuất kỉ luật, có vấn đề phát sinh, có dấu hiệu tội phạm, chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chúng tôi sẽ đề xuất phương án truy tố các cá nhân, tổ chức liên quan đến các cơ quan thực thi nhiệm vụ” – ông Trường cho biết thêm.

Dọc đường về, nhìn những rừng cây trồng lại bằng giống cây công nghiệp ngắn ngày giữa những triền đá xám nơi Võ Nhai, tôi lại nhớ và tiếc thương đến một cánh rừng huyền thoại có tên là “Rừng Thượng tướng”. Chả mấy tháng nữa là bước vào năm chẵn, năm thứ 75 để tưởng nhớ về nơi ra đời của Cứu quốc quân II. Chắc ngày ấy, nhiều người ở các nơi về, đứng trước sự thông thống và sạch trơn của một khu rừng nơi di tích thì biết nói và biết lý giải thế nào đây nhỉ?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cánh rừng kêu cứu - Bài 4: Xót xa 'Rừng Thượng tướng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO