Vì sao Ngân hàng Nhà nước không phát hiện sai phạm tại OceanBank?

Tinh Anh 18/09/2017 22:17

Ngày 18/9, tiếp tục phần tranh luận giữa các luật sư và đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Một số luật sư đặt câu hỏi: Vì sao trong 2 lần thanh tra, kiểm tra tại OceanBank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát hiện được sai phạm chi lãi vượt trần?


Bị cáo Phạm Công Danh.

Nộp hơn 500 triệu đồng khắc phục bữa tiếp khách

Trong phần bào chữa của mình, Luật sư Nguyễn Phương Nam nêu quan điểm: Cáo trạng của Viện KSND Tối cao đã không phản ánh đúng bản chất vụ án, quy kết vội vàng đối với các bị cáo. Các kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa trong phần luận tội chưa phân hóa được hành vi của từng bị cáo. Luật sư Nam lập luận: Dù Hà Văn Thắm đã thừa nhận hành vi chăm sóc khách hàng thể hiện ở việc chi vượt trần lãi suất theo quy định của NHNN. Song, vào thời điểm đó việc chi vượt trần được nhiều ngân hàng thực hiện trong quá trình cạnh tranh huy động vốn chứ không phải mỗi OceanBank. Lúc đó, nếu có phát hiện ngân hàng nào chi lãi suất vượt ngưỡng thì người đứng đầu sẽ bị xử phạt, chứ không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo luật sư này, việc OceanBank chi lãi suất vượt trần trái quy định Thông tư 02 của NHNN đã được thừa nhận, nhưng cần nhìn nhận một cách thấu đáo rằng lúc đó việc chi chăm sóc khách hàng lúc đó đã được thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng ở tình trạng bỏ mặc làm ngơ, không có biện pháp nhắc nhở, ngăn chặn. Mặt khác, thực tế cho thấy việc chi lãi ngoài không gây thiệt hại cho ngân hàng... Tuy nhiên, quan điểm của VKS là việc cựu chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm, cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Minh Thu chỉ đạo cấp dưới chi trả lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm cho các khách hàng là trái quy định của pháp luật nên đã phạm vào quy định cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Chai – cựu GĐ chi nhánh OceanBank Bắc Giang dù chỉ chi lãi ngoài hơn 4 triệu đồng cũng vẫn bị cơ quan công tố cáo buộc tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Luật sư Nguyễn Hồng Quang (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Chai), bị cáo này không chỉ đạo việc chi lãi ngoài hợp đồng, không trực tiếp thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng và cũng không nhận tiền từ hội sở. Để chứng minh cho quan điểm của mình, Luật sư Quang dẫn lời khai của nhân viên của chi nhánh OceanBank Bắc Giang rằng, hội sở đã chỉ đạo chi lãi ngoài hợp đồng thông qua các cá nhân là nhân viên chi nhánh. Số tiền được xác định Chai chi lãi ngoài hơn 4 triệu đồng chỉ là tiền OceanBank mời cơm đối tác. Tuy nhiên, bị cáo Chai đã chủ động nộp 562 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Thiếu trách nhiệm hay bỏ qua sai phạm?

Bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Thủy – cựu GĐ chi nhánh OceanBank Bình Dương, Luật sư Phạm Trung Hiếu cho rằng, cáo trạng của Viện KSND Tối cao chưa đánh giá được vai trò, trách nhiệm của NHNN trong việc thanh tra, giám sát, đánh giá thiệt hại được cho là do chi lãi ngoài tại OceanBank.

Luật sư Hiếu đặt vấn đề: Trong quá trình OceanBank hoạt động lúc đó, NHNN đã có tới hai đợt thanh tra, kiểm tra ngân hàng này nhưng không phát hiện được sai phạm trong việc chi lãi ngoài vượt trần theo quy định, để rồi sau đó NHNN lại kết luận có sai phạm chi lãi ngoài hợp đồng, vậy có mâu thuẫn không? “Hai đợt NHNN kiểm tra không phát hiện vi phạm chi vượt trần lãi suất của OceanBank là vì sao? Trong những cuộc kiểm tra này, đoàn thanh tra đã thiếu trách nhiệm, hay là trình độ các thanh tra viên còn hạn chế chưa phát hiện ra sơ hở, hay đã phát hiện sai phạm nhưng vì lý do nào đó mà bỏ qua?...” – Luật sư Hiếu đặt dấu hỏi.

Không chỉ đưa ra các căn cứ để “gắn” NHNN vào cùng chung trách nhiệm trong việc chi lãi ngoài hợp đồng của OceanBank, Luật sư Hiếu còn đồng quan điểm với nhiều luật sư khác về việc không có cơ sở chứng minh thiệt hại do chi lãi ngoài tại OceanBank. Vị luật sư này cũng phản bác cáo trạng khi cáo buộc Lê Vũ Thủy là đồng phạm giúp sức của Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu trong việc chi lãi vượt trần quy định của NHNN. “Bị cáo không phải là người chủ trương, thực hiện chi lãi ngoài nên không phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng...” – Luật sư Hiếu nhấn mạnh.

Ai chịu trách nhiệm khoản tiền 500 tỷ đồng?

Liên quan đến số tiền 500 tỷ đồng mà Công ty Trung Dung vay của OceanBank, Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT VNCB) đề nghị HĐXX đánh giá vụ việc vào đúng bối cảnh khi đó. Thời điểm đó Ngân hàng Đại Tín (sau này là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB) của bà Hứa Thị Phấn là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém, được đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Vì thế luật sư cho rằng, NHNN cũng có phần trách nhiệm lớn về vấn đề pháp lý trong việc chuyển giao Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh.

Luật sư Hoài khẳng định, tài sản cầm cố trong khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung đối với OceanBank đều có giá trị pháp lý, nhưng việc định giá tài sản đảm bảo này chưa đúng thẩm quyền và giá trị giao dịch tài sản. Trong số tài sản cầm cố cho khoản vay 500 tỷ đồng của OceanBank, ngoài tài sản cầm cố là cổ phần của Công ty Trung Dung (250 tỷ đồng) thì còn có tài sản cầm cố của bà Hứa Thị Phấn. Luật sư Hoài cho rằng, không bỗng dưng Hứa Thị Phấn lại cho Phạm Công Danh mượn tài sản để vay tiền. Việc vay tiền này nhằm tất toán cho khoản vay trước đó của bị cáo Phấn tại Ngân hàng Đại Tín. Vì các lẽ trên, Luật sư Hoài đề nghị truy nguyên đường đi của dòng tiền và buộc bị cáo Phấn phải hoàn trả số tiền 500 tỷ đồng cho OceanBank.

Tuy nhiên, quan điểm của Luật sư Hoài đã bị Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) phản bác. Luật sư Thảo cho rằng, cáo buộc trên đối với Hứa Thị Phấn là không công bằng, không khách quan. Dẫn lại một số bản cung lời khai của Hứa Thị Phấn vào thời điểm bị cáo này đang nhập viện cấp cứu, Luật sư Thảo đặt câu hỏi cách lấy lời khai như vậy liệu có khách quan? “Trong khi Phạm Công Danh và Trần Văn Bình – cựu TGĐ Công ty Trung Dung được xem xét giảm nhẹ hình phạt thì Hứa Thị Phấn lại không được hưởng tình tiết này. Bị cáo cũng đã 70 tuổi, ở đây không có sự công bằng giữa các bị cáo...” – Luật sư Thảo nêu thắc mắc.

Tiếp tục phần bào chữa cho bị cáo Phấn, Luật sư Thảo khẳng định: “Việc bà Sáu Phấn cho Phạm Công Danh mượn một số tài sản để thế chấp khoản vay 500 tỷ đồng tại OceanBank là do có một số tác động gây căng thẳng, tạo sức ép...”. Cũng theo Luật sư Thảo, số tiền 500 tỷ đồng vay của OceanBank đã được Phạm Công Danh sử dụng, định đoạt và thụ hưởng, điều đó được thể hiện rõ thông qua việc kiểm soát, quyết định phương thức, mục đích và thời điểm sử dụng số tiền 500 tỷ đồng nói trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Ngân hàng Nhà nước không phát hiện sai phạm tại OceanBank?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO