Quản lý nợ công: Phải chặt chẽ, minh bạch

Việt Thắng 21/03/2017 07:50

Ngày 20/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Quản lý Nợ công (sửa đổi). Nhiều đại biểu đã tỏ ra băn khoăn khi Luật không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước.

Đầu tư trọng điểm và hiệu quả để kiểm soát nợ công Ảnh: T.L.

Thiếu chế tài xử lý khi để xảy ra sai phạm

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề: Luật lần này có giải quyết được những bất cập mà Chính phủ vừa đề cập không? Từ khi có Luật năm 2009 đến nay, lẽ ra phải hạn chế nợ công tăng nhanh, nhưng vì sao nợ công lại tăng nhanh như thế? Cách tính nợ công như thế nào? Kinh nghiệm quốc tế tính nợ công có giống ta không? Trách nhiệm thẩm quyền của các ngành có được chia tách trong quản lý nhà nước không? Với Luật này có giải quyết việc chia cắt quản lý ODA, giám sát ODA có hoàn toàn yên tâm được không?

Giải trình về nợ công tăng nhanh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, điều này trước hết do công tác điều hành. Giai đoạn 2011-2015, đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%, sau đó điều chỉnh giảm 6,5-7%, nhưng thực tế chỉ đạt 5,9%.

Tuy nhiên vẫn đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, nên thời gian dài mức bội chi rất cao. Nhu cầu chi lớn nên vay lớn, vì thế nợ công tăng nhanh là đúng.

Đó là chưa kể giai đoạn 2011-2013 huy động vốn quá lớn, lãi suất quá cao, có khoản vay 13%, dẫn đến dồn áp lực trả nợ vào các năm 2014, 2015, 2016, 2017.

“Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, làm sao mà được? Như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được? Nợ công tăng nhanh là đúng, áp lực trả nợ cao là đúng” - Bộ trưởng Dũng cho hay.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, bàn nợ công nhưng phải bàn về khả năng thực tại của nền kinh tế. Dự báo thì chẳng năm nào đúng cả, làm sao tỷ lệ chả phình lên. Qua khảo sát kinh nghiệm của 40 nước trên thế giới thì hầu hết các nước không tính nợ doanh nghiệp vào nợ công.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, để đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới, Luật cần bám sát quan điểm, mục tiêu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật nhằm phân định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nợ công.

Đồng thời, cân nhắc, bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý; đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; giám sát sử dụng vốn vay; phương thức, điều kiện tái cơ cấu nợ.

“Dự thảo Luật quy định nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ song chưa có quy định thể hiện trách nhiệm, chế tài, biện pháp xử lý đối với các cá nhân liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng vốn vay khi xảy ra sai phạm, vay lại khi không có khả năng trả nợ do đó đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào Dự thảo Luật”- ông Hải nói.

Ai trả nợ cho Vinashin?

Theo ông Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách thống nhất với nội dung về phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo Luật.

Theo đó, không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước. Trong trường hợp doanh nghiệp (DN) không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên ông Hải cũng cho biết, có ý kiến thống nhất không đưa nợ tự vay tự trả của DN nhà nước vào phạm vi nợ công song cho rằng, việc không trả được nợ nước ngoài của DN nhà nước có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.

Trước vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị, định nghĩa rõ về khu vực công đến tài chính công và nợ công.

Nếu xếp DN nhà nước và Ngân hàng Nhà nước vào khu vực công thì nợ có được bảo lãnh hay không, vì đó cũng là nợ công. “Khi những DN này phá sản thì Nhà nước phải bảo lãnh và trả nợ. Ví như nếu cho Vinashin phá sản thì Chính phủ cũng phải trả nợ”- ông Bình bày tỏ.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, nếu không đưa DN nhà nước vào, cuối cùng thì Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm, lúc đó nợ công tăng cao thì tính thế nào? Ví dụ khi DN nhà nước phá sản không đủ điều kiện trả nợ thì Nhà nước cũng phải tính đến chứ không bỏ được. Do đó chúng ta phải tính đến lúc DN nhà nước khó khăn phá sản, không trả được nợ. “Chúng ta cũng nên có vài điều quy định hoặc một chương quy định về sử dụng vốn vay cho hiệu quả bởi hiện Luật không có quy định nào về nguyên tắc sử dụng vốn vay”- ông Tỵ đề nghị.

Công khai các khoản vay về cho vay lại

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần giải trình rõ cách tính nợ công, ví như nợ của Ngân hàng Nhà nước thế nào vì ngân hàng của ta là nằm trong Chính phủ chứ không như các nước khác là Ngân hàng Trung ương. Nợ của các quỹ nhà nước nhưng ngoài ngân sách vậy quản lý thế nào? Đó có phải là nợ công không?

Tạm ứng của ngân sách nhà nước nhưng năm sau bị vượt vậy có nằm trong nợ công không? Nợ của địa phương, nợ của Chính phủ, hay nợ đọng trong xây dựng cơ bản có nằm trong nợ công hay không thì cần phải xem xét. Bởi cuối cùng Chính phủ, Nhà nước là người phải trả nợ. Do đó cần phải làm rõ. Nợ của DN nhà nước do Nhà nước nắm quyền chi phối thì khi xảy ra tình huống thì xử lý thế nào?

Hiện đa số ý kiến cho rằng không đưa vào Luật nhưng liên quan đến trách nhiệm tài chính của nước ta. Cho nên cần nghiên cứu thêm để công khai minh bạch chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại.

Theo ông Hiển, cho vay về còn liên quan đến sử dụng hiệu quả vốn vay, vậy ai đánh giá hiệu quả đó, phải làm sao hạn chế cắt khúc, phải có quy trình rất cụ thể từ ký kết vay đảm bảo theo đúng tinh thần của Nghị quyết 07 của Trung ương. Bởi đã có tình trạng khi hỏi ngân hàng thì ngân hàng bảo chỉ ký kết còn hiệu quả thế nào thì không biết? Như thế thì không được. Vay phải biết hiệu quả như thế nào và phải đặt hiệu quả lên hàng đầu.

“Trong bảo lãnh và cho vay lại cần thận trọng, tránh việc thời gian qua nhiều khoản không thu hồi được phải trả nợ từ nhiều quỹ bị rủi ro cho nên Luật cần chặt chẽ. Chỉ tiêu kiểm soát an toàn nợ công cần chặt chẽ, làm rõ thẩm quyền, tránh thẩm quyền trung gian không rõ trách nhiệm, phải đặt tính hiệu quả lên là chính chứ không phải chỉ phát triển. Vay ODA như “thòng lọng” vậy, bài học của Hy Lạp cho thấy vay rất dễ dàng nhưng khi không trả được thì bị các nước khác đưa ra nhiều điều kiện, trong đó có vấn đề liên quan đến chính trị. Vì vậy chế tài quản lý nợ công phải chặt chẽ, công khai và minh bạch”- ông Hiển nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý nợ công: Phải chặt chẽ, minh bạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO