Biểu tình, bạo lực, hỗn loạn ở nước Mỹ

13/08/2017 18:12

Một cuộc tuần hành có hàng trăm người tham gia ở bang Virginia hôm 12-8 bỗng chốc biến thành cảnh tưởng hỗn loạn khi một chiếc xe hơi đâm bừa vào nhóm người chống biểu tình và khiến ít nhất một người thiệt mạng trong vụ bạo lực được xem là thách thức đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cảnh tượng người biểu tình văng lên không khi chiếc xe hơi tông vào đám đông. (Nguồn: ABCNews).

Bạo lực, hỗn loạn...

Chính quyền địa phương đã đổ lỗi cho những người tuần hành ủng hộ phát-xít mới và người da trắng tại thị trấn Charlottesville, nơi mà các nhóm đối lập cũng tổ chức biểu tình, ném gạch đá và xịt hơi cay, đã gây nên tình trạng trên. Được biết những người biểu tình thuộc nhóm cực hữu này đã tuần hành phản đối kế hoạch di dời một bức tượng anh hùng chiến tranh.

Một chiếc xe hơi xuất hiện sau đó đã lao vào đám đông, khiến 1 người phụ nữ 32 tuổi thiệt mạng, cảnh sát cho hay. Video đăng tải trên mạng xã hội cùng các bức ảnh mà hãng Reuters công bố cho thấy chiếc xe này đã tông vào một nhóm lớn những người chống lại cuộc tuần hành của những người cánh hữu.

Ngoài ra, 2 sỹ quan cảnh sát ở Virginia cũng thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng ngay gần đó sau khi hỗ trợ dẹp loạn biểu tình bạo lực.

Thống đốc Virginia Terry McAuliffe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ngăn chặn cuộc tuần hành ủng hộ người da trắng, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án vụ bạo lực nghiêm trọng.

"Tôi có một thông điệp cho tất cả những người ủng hộ thuyết ưu thế người da trắng và phát-xít mới, những người có mặt ở Charlottesville ngày hôm nay. Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản: Hãy về nhà!" - ông McAuliffe nói trong một cuộc họp báo - "Các bạn không được chào đón. Thật đáng xấu hổ".

Đến tối, các con đường của Charlottesville đã tĩnh lặng trở lại.

Vụ đụng độ xảy ra vừa qua đã cho thấy làn sóng ủng hộ thuyết ưu thế người da trắng đang trỗi dậy trở lại, sau nhiều năm ẩn dật dưới cái bóng của chính trị chính thống nước Mỹ.

Tổng thống Trump nói rằng "có rất nhiều bên" liên quan, khiến ông nhận phải chỉ trích từ giới chính trị rằng đã không dám công khai lên án phe cực hữu. Vụ bạo lực này cũng cho thấy cuộc khủng hoảng trong nước đầu tiên mà chính quyền của ông Trump phải đối mặt.

"Chúng tôi đã theo dõi sát sao sự kiện ở Charlottesville, Virginia" - ông Trump nói - "Chúng tôi cực lực lên án việc thể hiện sự thù hận, bạo lực và mù quáng này".

Cảnh sát cho hay họ đã bắt giữ một người đàn ông đến từ bang Ohio vì các cáo buộc liên quan tới vụ tông xe hơi vào đám đông, trong đó có cáo buộc tội mưu sát cấp độ 2. Nghị phạm này được xác nhận danh tính là James Alex Fields, một người đàn ông da trắng 20 tuổi đến từ Ohio. Hiện vẫn chưa rõ tại sao kẻ này đến Charlottesville, nơi có trường ĐH Virginia nổi tiếng.

Theo chi tiết được báo giới Mỹ thuật lại, vụ đụng độ xảy ra được vài giờ thì một chiếc xe hơi vận tốc cao đã lao vào đám đông, sau đó quay ngược lại đi cùng một tuyến phố. Sự việc diễn ra tại vị trí cách không xa tượng của Robert E. Lee, vị tướng nổi tiếng trong cuộc nội chiến Mỹ.

5 người đã bị thương nặng và 4 người trong tình trạng nguy kịch sau vụ tông xe; cảnh sát Virginia cho hay. Họ cũng cho biết đã mở một cuộc điều tra về vụ tông xe này.

"FBI sẽ thu thập tất cả chứng cứ và thông tin có thể" - Văn phòng FBI tại hạt Richmond cho hay.

Ngoài ra, cảnh sát bang Virginia cũng cho hay họ đã bắt giữ thêm 3 người đàn ông khác liên quan tới vụ bạo lực, trong đó gồm 2 nghi phạm 21 tuổi đến từ Tennessee và Virginia, 1 nghi phạm khác bị cáo buộc có hành vi gây rối trong khi 1 nghi phạm khác bị cáo buộc tội cố ý tấn công. Một nghi phạm khác, 44 tuổi đến từ Florida cũng bị bắt giữ vì mang theo vũ khí tới cuộc tuần hành.

Chủ nghĩa khủng bố nội địa?

Sau khi vụ việc xảy ra, rất nhiều chính trị gia kỳ cựu của đảng Dân chủ cùng các nhà hoạt động quyền dân sự, thậm chí một số thành viên đảng Cộng hòa, cũng nói rằng việc Tổng thống không lên án những người theo thuyết ưu thế da trắng là điều không thể bào chữa.

"Đó là những kẻ ủng hộ thuyết ưu thế da trắng và họ xuất hiện ngay trong nước" - Gardner, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện đảng Cộng hòa, nói.

Nancy Pelosi, Thủ lĩnh đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, nói trong một bìnhluận đăng tải trên Twitter rằng: "Hãy nhắc lại theo tôi, Tổng thống Trump: Thuyết ưu thế da trắng là một sự sỉ nhục với giá trị của nước Mỹ".

Vụ biểu tình bạo lực diễn ra ngay tại trung tâm thành phố, khi hàng trăm người, một số mang theo các biểu tượng ủng hộ thuyết ưu thế da trắng và mang theo cả cờ từ thời nội chiến của Mỹ, đã đối đầu với một nhóm đối lập có số lượng người tham gia gần tương đương.

Hội đồng thành phố Charlottesville đã phải tổ chức bỏ phiếu để cho phép cảnh sát trưởng tuyên bố lệnh giới nghiêm khi tình hình trở nên nghiêm trọng.

Vụ bạo lực này đã nhắc nhiều người nhớ đến tình trạng phân cực chính trị gia tăng đột biến kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Một số người biểu tình ủng hộ thuyết ưu thế da trắng mang theo khẩu hiệu "Các bạn sẽ không thể xóa sổ chúng tôi", trong khi những người biểu tình ở phe đối lập giơ cao biểu ngữ "Đập tan thuyết ưu thế" và "Những kẻ phát-xít hãy về nhà".

Scott Stroney, 50 tuổi, một Giám đốc làm việc tại ĐH Virginia có mặt tại hiện trường vụ tông xe hơi, nói rằng ông đã cảm thấy cực kỳ sốc khi chứng kiến những gì đã xảy ra.

"Tôi thậm chí đã bật khóc và không thể cất nổi một lời trong khoảng thời gian khá lâu" - ông Stroney nói với kênh CNN - "Cảnh tượng thật khó tin đến nỗi tôi không dám nhìn. Thật đau lòng khi phải chứng kiến cảnh tượng như vậy".

Tình trạng bạo lực đã bắt đầu từ đêm hôm thứ Sáu (giờ Mỹ), khi hàng trăm người biểu tình da trắng tuần hành cùng đuốc trên tay trên các tuyến phố, một cảnh tượng mà giới phê bình nước Mỹ mô tả là không khác gì các cuộc tuần hành của nhóm Ku Klux Klan.

Được biết, David Duke, một cựu thủ lĩnh của nhóm ủng hộ thuyết ưu thế da trắng Ku Klux Klan, cũng đã có mặt ở Charlottesville để tham gia cuộc tuần hành.

Cuộc tuần hành này cũng làm dấy lên một cuộc tranh luận căng thẳng bên trong nước Mỹ, liên quan tới lá cờ thời nội chiến của phe liên bang cùng nhiều biểu tượng của phe nổi dậy trong cuộc nội chiến Mỹ - vốn bắt nguồn từ vấn đề nô lệ.

Vụ bạo lực nghiêm trọng vừa qua cũng là sự kiện đụng độ mới nhất xảy ra giữa những người theo tư tưởng cực hữu - một số từng tuyên bố trung thành với Tổng thống Trump - và những người phản đối ông Trump kể từ sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ông hồi tháng Một vừa qua. Vào thời điểm ông Trump nhậm chức, những người biểu tình ở Washington cũng từng tụ tập và đập phá, đốt cháy xe cộ và đụng độ với cảnh sát ở Washington, khiến hơn 200 người bị bắt giữ.

Hồi tháng 7 vừa qua, hàng chục người cũng bị bắt giữ ở Charlottessville khi nhóm Ku Klux Klan tổ chức tuần hành phản đối kế hoạch di dời tượng Robert Lee. Những người da trắng mang đuốc này cũng tổ chức biểu tình chống lại kế hoạch trên trong tháng 5 vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biểu tình, bạo lực, hỗn loạn ở nước Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO