Qatar giữa vòng xoáy khủng hoảng

Khánh Duy 09/07/2017 08:00

Một giám đốc doanh nghiệp trẻ phải hủy một kỳ nghỉ hè cùng gia đình tới Arab Saudi dù đã đặt trước 150.000 USD; một người phụ nữ khác phải chờ cả tuần mới nhận được hàng đặt mua trên Internet…tất cả đều là những sự kiện diễn ra hàng ngày ở Qatar trong bối cảnh bị nhiều nước láng giềng cấm vận.

Qatar đủ sức mạnh tài chính để chống lại lệnh cấm vận, nhưng người dân nước này vẫn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Nguồn: AP.

Không thiếu tiền đối phó cấm vận?

Nhiều người khác nói rằng họ không thể thích nổi mùi vị của loại sữa nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ- hiện đang là nước viện trợ lương thực cho Qatar – và mong được sử dụng loại cũ nhập từ Arab Saudi. Cũng bởi vậy mà gần đây một doanh nghiệp lớn đã đưa ra một giải pháp: Nhập 4.000 con bò tới Qatar bằng đường không.

Qatar hiện đang bị nhiều nước áp đặt lệnh trừng phạt, và mới đây các nước liên minh do Arab Saudi dẫn đầu còn áp đặt thêm lớp lệnh trừng phạt mới sau khi chính quyền Doha từ chối chấp nhận “tối hậu thư” mà họ đưa ra. Đã hơn một tháng kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, nhưng một nước giàu có bậc nhất như Qatar lại chỉ chịu chút ít ảnh hưởng.

Khi mà các nước Arab chặn đường không và nhiều tuyến đường biển đối với Qatar hồi tháng trước nhằm buộc họ thay đổi chính sách ngoại giao và đóng cửa hãng truyền thông Al-Jazeera, ban đầu nó đã gây nên tình trạng hoảng loạn khi khiến nhiều siêu thị “cháy hàng”. Nhưng tình trạng này nhanh chóng kết thúc, bởi quốc gia giàu dầu mỏ này từ lâu đã tích nguồn vốn dự trữ khổng lồ đủ để 300.000 người dân của họ sống dư dả.

Là một nước nhỏ nhằm gần Vịnh Ba Tư, Qatar phải phụ thuộc vào Arab Saudi về đường biên giới trên đất liền duy nhất của họ, giờ đã bị đóng cửa. Những chú lạc đà cùng công nhân Qatar đang làm việc ở nước ngoài đã bị mắc kẹt kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Qatar Airways, hãng hàng không có nhiều chuyến bay bị buộc phải đi qua không phận Iran để ra khỏi khu vực, hiện phải triển khai 8 chuyến bay chở hàng mỗi ngày để nhập hoa quả tươi, thịt và rau tới Doha, thủ phủ của Qatar. Nhân viên tại hãng này cũng nói rằng họ chỉ cảm thấy bị ảnh hưởng chút ít từ lệnh cấm vận.

Ngoài ra, một khu vực cảng có số vốn đầu tư 7 tỷ USD đã đi vào hoạt động từ tháng 12 năm ngoái hiện cũng liên tục nhập khẩu hàng cung ứng từ Iran, Ấn Độ và nhiều nước khác. Tất cả số hàng nhập khẩu này đều được chính phủ Qatar chi trả.
“Chúng tôi có thể trang trải trong lĩnh vực tài chính mà không cần phải đụng tới các khoản đầu tư của chúng tôi”, Sheikh Saif Ahmed al-Thani, một quan chức truyền thông của chính phủ Qatar, cho hay. “Không vấn đề gì cả!”.

Tuy vậy, đối với các nước đang cấm vận Qatar - Arab Saudi, UAE, Ai Cập và Bahrain, thì hành động của họ là không thể thiếu trong việc thách thức quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới này, dù chỉ mang tính biểu tượng đi chăng nữa.

Vào ngày 22/6, 4 quốc gia này đã đưa ra một yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó yêu cầu cắt đứt quan hệ với Iran, các tổ chức khủng bố, đóng cửa Al-Jazeera và một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Qatar nói rằng “tối hậu thư” này chả khác gì một yêu cầu từ bỏ chủ quyền đối với họ. Kết quả là chính quyền Doha bác bỏ tối hậu thư này dù nó đã được gia hạn thêm 48 giờ.

“Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với mọi hậu quả”- Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, tuyên bố.

Kéo theo nhiều nước

Nhưng dù đã có chiến thắng bước đầu trong ván bài cấm vận kinh tế, người dân Qatar vẫn chịu ảnh hưởng từ cấm vận theo nhiều cách khác. Cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên sâu rộng này đang gây ra nhiều hiệu ứng đáng ngại và có khả năng lan rộng khắp Vùng Vịnh, ảnh hưởng tới sự đoàn kết chính trị trong khu vực. Giới chuyên gia đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng có thể gây bất ổn khu vực nếu cứ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí lâu hơn, như nhiều người quan ngại.

Hiện nay, dễ thấy là cuộc khủng hoảng này đã kéo theo nhiều bên, như Thổ Nhĩ Kỳ - nước đang ủng hộ Qatar và Nga- nước đang cố gắng giữ quan điểm trung lập. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cho hay ông đã có cuộc nói chuyện với lãnh đạo của Qatar và Bahrain trong nỗ lực tổ chức đối thoại.

Bình thường, Mỹ đáng lẽ ra cũng phải đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng này, bởi họ tự nhận mình là đồng minh gần gũi của tất cả các nước đang bất đồng. Qatar là nơi có căn cứ không quân lớn của Mỹ, nơi đóng quân của khoảng 10.000 nhân sự và nhiều phi cơ chiến đấu thực hiện các cuộc không kích hàng ngày chống IS ở Syria và Iraq.

Vậy mà Mỹ lại đưa ra quan điểm rất trái ngược, khi mà Bộ Ngoại giao nước này kịch liệt chỉ trích các yêu sách mà Arab Saudi và các đồng minh đưa ra, trong khi Tổng thống Trump lại đứng về phía các nước cấm vận này.

Trong suốt nhiều năm liền, Qatar đã có bất đồng với các nước trong khu vực liên quan tới chính sách ngoại giao độc lập của họ và sự bảo trợ đối với al-Jazeera- hãng truyền thông uy tín nhất trong giới Arab. Vụ bất đồng gần đây nhất, trong năm 2014, đã khiến Arab Saudi và UAE triệu hồi Đại sứ của họ từ Doha về nước trong suốt 7 tháng liền.

Nhà cầm quyền ở Qatar vốn có mối quan hệ bộ tộc rất sâu sắc với Arab Saudi và đã bỏ ra gần 2 thập kỷ qua để cố gắng thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nước này. Nhưng trong cuộc khủng hoảng lần này, không chỉ có giới lãnh đạo mà thậm chí cả người dân của 2 nước này cũng tham gia vào cuộc đấu tranh, khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn.

Tại Qatar, hàng đêm, người dân đổ tới một tấm bảng lớn ở vùng ngoại ô thủ đô Doha để ký tên mình vào một bức ảnh cỡ lớn của Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. Sau khi gây sốt trên Internet ngay trong những ngày đầu bị cấm vận, bức ảnh này đã trở thành biểu tượng cho sự đấu tranh của Qatar trước các siêu cường trong khu vực, và nó được dán trên mọi tòa nhà cao tầng, trên cửa kính xe hơi thậm chí trên điện thoại di động.

Người nghệ sỹ đã vẽ bức tranh trên, ông Ahmed Almaadheed, cho hay sau khi bức tranh của ông trở nên nổi tiếng, một thành viên của hoàng tộc Qatar thậm chí còn tới đề nghị mua lại bản gốc của bức tranh với giá 5 triệu USD. Tuy nhiên ông đã từ chối và nói rằng: “Đó là một phần của lịch sử. Tôi không muốn bán nó”.

Mỗi tối, nhiều người đàn ông và phụ nữ ở thủ đô Doha vẫn tới đây để ký tên họ vào tấm biển lớn này. Một trong số đó là Umm Hassan, một nhân viên chính phủ 40 tuổi, người đã tới đây lần thứ 3 liên tiếp. “Người dân dường như cùng có chung một suy nghĩ”; bà Hassan nói.

Cảng Hamad, mở cửa tháng 12 năm ngoái, được chính quyền Qatar sử dụng như công cụ đối phó cấm vận. Nguồn: Reuters.

Những chuyện éo le

Nhưng sự đoàn kết ấy cũng không thể che giấu nổi những câu chuyện buồn mà cuộc khủng hoảng đã mang tới.

Gia đình bà Hassan đã bị chia cắt bởi cấm vận. Gần đây nhất bà có một người thân qua đời ở Bahrain nhưng không ai trong gia đình có thể tới viếng. Rồi sau đó tới chuyện cô em gái của bà- người đã kết hôn với một công dân UAE mới đây phải gửi cô con gái 1 tuổi cho chồng ở UAE. Theo luật pháp ở hầu hết các nước Trung Đông, một đứa trẻ được thừa hưởng quyền công dân từ người cha, và sau khi lệnh cấm vận được áp dụng, UAE tuyên bố tất cả công dân của họ phải rời khỏi Qatar.

“Cái giá của cuộc khủng hoảng này chính là con người”- bà Hassan nói. “Nó xảy ra giữa các chính phủ, nhưng người dân lại hứng chịu hậu quả”.

Cuộc khủng hoảng này thậm chí còn lan tới các mạng xã hội. Một số người ở Arab Saudi đã lên Twitter để đùa cợt về việc người dân Qatar phải uống sữa nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đó là “sữa lừa”, trong khi nhiều cư dân mạng Qatar cũng lên Snapchat để đùa cợt về các lệnh trừng phạt.

Khi ngày càng có nhiều người tỏ ra quan tâm hơn đến cuộc khủng hoảng này, giới phân tích đều đồ rằng thời kỳ căng thẳng sẽ còn trở nên tồi tệ hơn trước khi có thể được cải thiện.

Trong những tuần gần đây, những kẻ hacker đến từ Qatar đã gửi tuồn cho báo giới nước này các bức email nội bộ của giới chức UAE để họ công bố với mục đích làm tổn hại uy tín. Giới chức Qatar trong khi đó cũng nói rằng UAE đang có một số chiến dịch ngầm nhằm làm tổn hại đồng tiền của nước họ.

Ông al-Thani- một quan chức truyền thông của Qatar nói rằng cuộc khủng hoảng có khả năng sẽ tăng nhiệt, nhưng tuyên bố rằng những bên cấm vận Qatar cũng sẽ chịu ảnh hưởng tương đương như họ.

“Dù chúng tôi chịu ảnh hưởng gì thì họ cũng phải chịu điều tương tự”, ông al-Thani tuyên bố. “Chúng tôi đang chịu mức giảm trên các tuyến đường bay, nhưng họ cũng vậy. Chúng tôi không gặp vấn đề gì về cả mặt nội bộ, tài chính và chính trị trong cuộc khủng hoảng kéo dài này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Qatar giữa vòng xoáy khủng hoảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO