Thái Lan - điểm nóng tai nạn giao thông của châu Á

Khánh Duy 06/01/2019 08:00

Ở Việt Nam, những ngày nghỉ lễ đón năm mới lâu nay đã trở thành điểm nóng của tai nạn giao thông, khi số vụ tai nạn tăng đột biến. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ có ở nước ta mà xảy ra khá phổ biến ở một số quốc gia châu Á, mới đây nhất và nghiêm trọng nhất là ở xứ sở Chùa Vàng.

Thái Lan - điểm nóng tai nạn giao thông của châu Á

Mật độ tham gia giao thông dày đặc ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Nguồn: Reuters.

“7 ngày nguy hiểm”

Chỉ nói tới việc lái xe trên đường bộ ở Thái Lan thôi cũng có thể khiến nhiều người dựng tóc gáy. Thế nhưng lái xe trong những thời điểm đặc biệt, như thời điểm mà người dân nước này hay gọi “7 ngày nguy hiểm” - 7 ngày nghỉ lễ đầu năm mới - thậm chí còn cho các tài xế cảm giác như họ đang nắm sinh mạng của chính mình trên tay lái.

Chính quyền Thái Lan hôm 4/1 cho hay, chỉ trong khoảng thời gian một tuần nghỉ lễ, nước này đa phải chứng kiến hàng loạt vụ đụng xe nghiêm trọng, những cái chết thảm thương, nhiều người bị thương...khi người dân liên tục di chuyển để đến thăm bạn bè và gia đình.
Nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn thương tâm đó bao gồm: Lái xe lúc hơi thở còn đầy hơi men, cảnh sát nhận tiền lót tay từ cánh tài xế và các bộ luật giao thông còn yếu. Trong khi đó, các nỗ lực của Chính phủ Thái Lan nhằm ngăn chặn tình trạng này đến nay chưa có hiệu quả.

Trong khoảng thời gian từ ngày 27/12/2018 đến 2/1/2019, có tổng cộng 463 người thiệt mạng trong 3.791 vụ tai nạn giao thông đường bộ ở Thái Lan; cao hơn so với con số 423 người chết trong dịp nghỉ lễ năm ngoái - theo thống kê của Cơ quan Phòng chống Thảm họa của nước này.

Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 22.941 người chết do tai nạn giao thông đường bộ ở Thái Lan mỗi năm, khiến cho các tuyến đường phố của nước này được gán cái danh là nguy hiểm bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo bản báo cáo về an toàn giao thông đường bộ của WHO năm 2018, ở Thái Lan trung bình cứ mỗi ngày lại có 62 người chết vì tai nạn giao thông - chỉ thấp hơn không đáng kể so với con số người chết 66 người/ngày trong dịp năm mới.

Phần lớn số người chết kể trên - 73% - là những tài xế lái xe máy, vốn tăng đột biến về số lượng trong vài thập kỷ qua và trở thành hình thức di chuyển phổ biến nhất đối với các hộ gia đình ở Thái Lan.

Xử lý yếu kém

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông gia tăng ở Thái Lan chính là các việc thực thi các quy định an toàn giao thông còn yếu kém. Cục An toàn đường bộ (thuộc Bộ Nội vụ Thái Lan) cho hay, phần lớn số người chết do tai nạn giao thông trong dịp năm mới vừa qua (41,5%) là do lái xe lúc say rượu, và 28% là do di chuyển quá tốc độ cho phép.

Tỉnh miền Bắc Chiang Mai - nơi có số người chết vì tai nạn giao thông lớn thứ hai trong dịp năm mới (16 người) - là minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng trên. Trong những năm gần đây, số lượng tài xế bị cảnh sát bắt chặn trên đường phố ở thủ phủ Chiang Mai đã tăng mạnh và cũng có thêm nhiều biển báo nhắc nhở cánh tài xế phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Nhưng ở nhiều khu vực của thành phố thủ phủ, dường như việc chặn cánh tài xế trên đường chỉ để một bộ phận cảnh sát “làm tiền” hơn là vì mục đích an toàn giao thông. Rất dễ bắt gặp các tài xế ở Chiang Mai bị cảnh sát chặn lại vì không có giấy phép lái xe hay không đội mũ bảo hiểm, nhưng những tài xế này lại tiếp tục hành trình của mình ngay sau khi chịu trả một khoản “phí”.

Ông Nikorn Jumnong - nguyên Thứ trưởng bộ Giao thông kêm Chủ tịch Tổ chức An toàn Dân sự, nói rằng hành động tham nhũng này cần phải bị ngăn chặn ngay nếu muốn an toàn giao thông đường bộ được cải thiện. “Đây là một trong những vấn đề thách thức của chúng tôi, và nó là vấn đề hai chiều. Một số người thực thi pháp luật phát hiện lõ hổng trong luật pháp và người tham gia giao thông cũng không chịu tuân thủ luật pháp” - ông Jumnong nói.

Tính trên toàn quốc, chỉ có khoảng một nửa tài xế xe máy mang mũ bảo hiểm và khoảng 20% người ngồi sau đội mũ bảo hiểm. Chỉ có 58% tài xế xe ô tô thắt đai an toàn - theo báo cáo của WHO. Dù con số này đã được cải thiện so với cách đây 1 thập kỷ, nhưng WHO ước tính rằng, nếu mỗi người lái xe máy ở Thái Lan đều đội mũ bảo hiểm thì sẽ ngăn chặn được 40% số người chết vì tai nạn giao thông.

Thêm vào tình trạng không đội mũ bảo hiểm và sử dụng đai an toàn, việc lái xe quá tốc độ cho phép, lái xe sau khi sử dụng rượu bia là những nhân tố chính khiến các vụ tai nạn giao thông gia tăng ở Thái Lan.

“Chúng ta cần phải thay đổi DNA của đất nước và giúp người dân có trách nhiệm hơn trong việc thực thi các quy định của pháp luật” - ông Jumnong nói - “Giáo dục về luật pháp chính là biện pháp hữu hiệu. Chúng tôi đang có nhiều bộ luật, và tôi nghĩ rằng chúng đã quá chặt chẽ. Nhưng vấn đề là việc thực thi các bộ luật đó”.

Thái Lan hiện cũng đang đạt được một số bước tiến mới trong ngăn chặn tai nạn giao thông đường bộ. Số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm từ 36,2/100.000 người trong năm 2015 xuống còn 32,7/100.000 người như trong bản báo cáo mới nhất mà WHO công bố.

Như một “bệnh dịch”

Nói đi cũng phải nói lại. Thái Lan không phải quốc gia duy nhất phải chật vật đối phó với an toàn giao thông đường bộ. Ở Việt Nam, chỉ trong khoảng 4 ngày nghỉ lễ, từ 29/12/2018 đến 1/1/2019 đã có 110 người chết vì tai nạn giao thông.

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, cả nước xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt, làm 110 người chết, 61 nạn nhân bị thương. Bình quân mỗi ngày có 27,5 người chết do tai nạn trên các cung đường, cao hơn bình quân ngày trong năm. Theo thống kê, đường bộ xảy ra 145 vụ, làm chết 109 người, bị thương 60 người. Đường sắt có 2 vụ, làm 1 người chết và 1 người bị thương. Trong những ngày nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý hơn 18.000 trường hợp vi phạm luật giao thông, qua đó phạt hành chính trên 15 tỷ đồng. Lực lượng chức năng còn tạm giữ hơn 2.800 phương tiện, tước bằng lái trên 1.000 tài xế vi phạm.

Giống như ở Thái Lan, tai nạn giao thông bắt nguồn từ các hành vi vi phạm giao thông phổ biến như chạy quá tốc độ, lấn đường vượt ẩu, đặc biệt là tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm. Và cũng tương tự như Thái Lan, số vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng đột biến trong những ngày nghỉ lễ là do lưu lượng giao thông tăng.

Trên thế giới, các vụ tai nạn giao thông thường được Trung tâm Pulitzer mô tả như một thứ “bệnh dịch” và là 1 trong 8 nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết cho con người ở mọi lứa tuổi, xếp trên cả HIV/AIDS và lao phổi - theo thống kê của WHO - trong đó có 1,35 triệu người chết vì tai nạn giao thông trên toàn thế giới vào năm 2016.

“An toàn giao thông đường bộ là một vấn đề ít nhận được sự quan tâm đúng mực mà đáng lẽ ra cần phải có” - Michael R Bloomberg, người sáng lập kiêm CEO của tổ chức từ thiện Bloomberg, và là Đại sứ toàn cầu của WHO về các loại bệnh không truyền nhiễm, nói trong một tuyên bố.

“Chúng ta đều hiểu rõ sự can thiệp nào sẽ có tác dụng ngăn chặn tai nạn giao thông. Các chính sách mạnh mẽ cùng việc thực thi chúng, thiết kế đường bộ thông minh cùng các chiến dịch tăng cường nhận thức của người dân về an toàn giao thông” - ông Bloomberg nói.

Bản báo cáo của WHO năm 2018 đã chỉ ra rằng, nhiều khu vực trên thế giới đã đạt được bước tiến trong giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, bước tiến đó là chưa đủ nhanh để có thể hoàn thành được mục tiêu của LHQ trong việc giảm một nửa số người chết vì tai nạn giao thông trong giai đoạn 2016-2020.

* Trong khoảng thời gian từ ngày 27/12/2018 đến 2/1/2019, có tổng cộng 463 người thiệt mạng trong 3.791 vụ tai nạn giao thông đường bộ ở Thái Lan; cao hơn so với con số 423 người chết trong dịp nghỉ lễ năm ngoái - theo thống kê của Cơ quan Phòng chống Thảm họa của nước này.

* Ở Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, cả nước xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt, làm 110 người chết, 61 nạn nhân bị thương. Bình quân mỗi ngày có 27,5 người chết do tai nạn trên các cung đường, cao hơn bình quân ngày trong năm. Theo thống kê, đường bộ xảy ra 145 vụ, làm chết 109 người, bị thương 60 người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Lan - điểm nóng tai nạn giao thông của châu Á

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO