Từ đói khát tới béo phì

Linh Chi 22/10/2017 06:10

Trong cái nắng nóng lên tới gần 40 độ C ở Ấn Độ, Gagan Juneja cùng người chị song sinh của mình đổ ra đường nhìn người dân chơi Kabbadi, một môn thể thao đấu đội truyền thống của nước này. Nhưng ngày nay lũ trẻ không mặn mà với trò chơi này mà chuyển sang các thiết bị điện tử cầm tay.


Các cửa hàng đồ ăn nhanh đông khách tại các trung tâm mua sắm ở Ấn Độ. (Nguồn: AP).

“Bây giờ ai cũng có xe đạp điện” - Gagan nói. “Người ta còn chả thèm đi bộ. Chả có một chút hoạt động ngoài trời nào”.

Là một cặp song sinh, Gagan và chị là Muskan nhìn không hề giống nhau chỉ ngoại trừ một điểm chung duy nhất: Cả hai đều bị thừa cân. Hình ảnh đó cũng phản ánh rõ rệt một xu hướng đáng ngại hiện nay ở Ấn Độ: Tỷ lệ béo phì ngày càng tăng.

Giống như nhiều thanh thiếu niên ở độ tuổi 17, cặp song sinh Gagaan và Muskan phải vật lộn với lượng chất béo thừa thãi trong cơ thể. Không chỉ vì ít hoạt động, mà còn do cặp song sinh này...nghiện ăn. Và mẹ của chúng, bà nội trợ thích nấu ăn, luôn ép con mình ăn nhiều. Đó là chưa kể các món quà vặt đường phố có giá rất rẻ có thể tìm thấy ở khắp nơi trên đường phố Ấn Độ.
Gagan cho hay món ăn ưa thích của cậu là món gà bơ béo ngậy truyền thống của Ấn Độ và món burger gà của chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald. Trong khi người chị Muskan lại thích bánh pizza pho mát. “Chúng là những thứ thức ăn đậm chất béo, bởi vậy nên tôi rất thích chúng”- Gagan nói.

Ấn Độ, một quốc gia từng nổi tiếng với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, thậm chí cao hơn cả vùng cận-Sahara của châu Phi, giờ lại đang đối mặt với tình trạng béo phì gia tăng nhanh đến chóng mặt, và có khả năng biến thành một cuộc khủng hoảng quốc gia.


Cặp song sinh Gagan và Muskan bắt đầu ăn kiêng để giảm cân. (Nguồn: CNN).

Tỉ lệ thừa cân tăng cao
Tiến sĩ Pradeep Chowbey có văn phòng làm việc tại một bệnh viện không xa nhà của cặp song sinh Gagan và Muskan. Chuyên môn chính của ông là phẫu thuật túi mật, nhưng gần đây phòng khám của ông luôn bận rộn với những khách hàng bị béo phì.

Cũng giống như nhiều vấn đề khác của Ấn Độ, nạn béo phì một phần bắt nguồn từ việc quốc gia này đốt cháy giai đoạn đến thời kỳ phát triển công nghiệp. Quá trình công nghiệp hóa ở nước Mỹ phải mất hơn 1 thế kỷ mới thành hình, trong khi Ấn Độ đang cố bắt kịp chỉ trong vòng vài thập kỷ.

Đối với các nước đang phát triển như Ấn Độ, nạn béo phì lại chưa được coi là một ưu tiên giải quyết của Bộ Y tế. Điều này cũng là do trong con mắt của nhiều người, Ấn Độ vẫn là một quốc gia nghèo, đói và có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Thế nhưng những con số thống kê lại nói điều ngược lại.

TS Chowbey cho hay, các nghiên cứu gần đây nhất đối với học sinh cấp 3 tại các trường công cho thấy 33% học sinh bị béo phì. Một nghiên cứu khác thực hiện trên 4.000 trẻ em ở thủ đô New Delhi cho thấy 22% bị thừa cân và 6% bị béo phì.

Vấn đề dinh dưỡng cũng phản ánh rõ về Ấn Độ ngày nay, một quốc gia có đà tăng trưởng nhanh và kéo theo sự thay đổi lớn về kinh tế-xã hội cũng như văn hóa. Nếu trước đây, Ấn Độ là một quốc gia đang phát triển nỗ lực chống lại nghèo đói, nạn thất học và bệnh dịch, thì giờ nó trở thành một cường quốc trỗi dậy nhanh chóng, nơi sản sinh ra nhiều tỷ phú.

Tình trạng béo phì ở trẻ em là một vấn đề của Ấn Độ hiện đại, kể từ khi các siêu thị kiểu Mỹ đổ tới, sự trỗi dậy của các cửa hàng ăn nhanh, các mặt hàng tiện ích như điều hòa, các phương tiện như xe hơi...đã làm thay đổi phong cách sống của nhiều gia đình khá giả sẵn sàng chi tiền.

Trẻ em Ấn Độ cũng trở nên lười vận động hơn trước kia. Sức ép từ cha mẹ khiến chúng lao vào học tập lấy thành tích, trong khi thời gian rảnh ít ỏi lại bị đổ vào các trò chơi điện tử, điện thoại di động và Facebook.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến nỗi người ta thành lập hẳn Tổ chức Béo Phì Ấn Độ, bên cáo buộc các chương trình quảng cáo thực phẩm không lành mạnh trên truyền hình, gây ra thói quen ăn uống xấu cho người dân. Tổ chức này ước tính rằng lượng tiêu thụ đường ở trẻ em đã tăng tới 300% trong vòng 2 thập kỷ qua.

Béo phì không chỉ ảnh hưởng tới các vùng thành thị. Các nhà nghiên cứu nước này đã chỉ ra rằng nó còn ảnh hưởng tới khu vực nông thôn. Tự động hóa gia tăng, phương tiện giao thông tốt hơn và việc cải thiện chất lượng sống đã dẫn tới thói quen ăn thực phẩm đã chế biến và lối sống ít năng động hơn. Một nghiên cứu do Tạp chí Nội tiết và trao đổi chất của Ấn Độ chỉ ra rằng ở vùng nông thôn, tỷ lệ thừa cân đã tăng từ 2% (1989) lên 17,1% (2012).

Năm 2001, Ấn Độ chỉ có khoảng 4-5 ca phẫu thuật chữa bệnh béo phì, nhưng trong năm 2016, con số này đã tăng lên 30.000.

Sức ép từ việc học
Trở lại với trường hợp của cặp song sinh nhà Juneta, Muskan trở về phòng với khay thức ăn có món Aloo Parathas, một loại bánh mỳ dẹt nhồi với khoai tây. Nhưng bữa ăn này đã được biến đổi, thay vì dùng Ghee - một loại bơ giàu chất béo phổ biến trong các món ăn của tỉnh Punjab - Muskan dùng dầu ô liu. Đó là nỗ lực ăn kiêng của cô bé.

Muskan đang theo một chương trình ăn kiêng gồm các món như Salad, súp và trứng luộc. Người em trai Gagan thì tham gia tập luyện tại một phòng thể hình gần nhà. Tuy nhiên, Gagan nói rằng cậu thường xuyên phải bỏ tập vì chuẩn bị cho các bài kiểm tra ở trường học. Cậu nói 80% bạn bè trong lớp bị béo phì.
Vào thời điểm Gagan đã hoàn thành xong chương trình học ở trường, ăn bữa trưa, ngủ trưa, làm bài về nhà và học thêm; đã là 9 giờ tối. Phần lớn cuộc sống của những học sinh như Gagan không hề có vận động cơ thể.

Ngày nay, do thiếu thốn các ngôi trường học tốt để phục vụ dân số khổng lồ, trẻ em phải đạt được điểm số nhất định trong học tập mới có thể được đến lớp. Bởi vậy, trẻ em nước này thường phải chịu sức ép rất lớn.

Madhulika Sen, Hiệu trưởng trường Quốc tế Tagore ở New Delhi, thừa nhận rằng học sinh Ấn Độ ngày nay phải chịu sức ép rất lớn. Nhưng bà cũng cho rằng các bậc cha mẹ và ngay cả trẻ em nên tự nhận thức được tầm quan trọng của các bài tập thân thể.

“Sức ép không lớn đến nỗi mà trẻ em không thể bỏ ra nửa giờ để hoạt động thể chất”- bà Sen nói. “Các bậc cha mẹ cũng thường thấy vui khi con em họ ngồi im một chỗ cùng sách vở, hoặc ngồi trên máy vi tính, bởi nhờ vậy họ an tâm làm việc hơn”.

Monika Mahna, một bà mẹ 39 tuổi sống ở thủ đô New Delhi, đã quyết định cần phải tích cực chăm sóc sức khỏe gia đình hơn. Bà kể lại rằng tất cả các thành viên trong gia đình bà trước đây đều bị béo phì, khiến bà quyết tâm thay đổi cách sống và thuê một chuyên gia huấn luyện tại gia. Kết quả là bà giảm được tới 20 kg, trong khi chồng của bà trước đây từng bị béo bụng giờ đã có thân hình cân đối hơn. Cậu con trai lớn nhất, Sparsh, 20 tuổi, giảm hơn 10 kg. Tuy nhiên, cậu con trai nhỏ Mudit, 14 tuổi, vẫn bị thừa cân.

“Cháu vẫn bị béo phì”- Mudit thừa nhận. “Cháu thường ăn và ngồi chơi game rất nhiều”.

Mudit đang theo học tại một trường tư khá nổi tiếng ở thủ đô New Delhi, nơi mà các bài tập thể chất chỉ chiếm thời lượng 1 giờ đồng hồ mỗi tuần. Bà Monika khẳng định rằng bà sẽ tiếp tục nỗ lực để giúp Mudit giảm cân.

“Các bà mẹ Ấn Độ thường muốn cho con cái họ ăn thật nhiều. Cứ như thể nếu bạn không cho con cái ăn, chúng sẽ không yêu thương bạn. Đó là văn hóa của chúng tôi”- bà Monika nói.
Ở Ấn Độ, mời thức ăn thường là cách để thể hiện tình cảm. Phụ nữ nước này cũng được đánh giá bởi cách mà họ thiết đãi khách khứa. Sẽ không có chuyện người khách nói “Không” khi được chủ nhà mời ăn uống, và họ không nên để thừa thức ăn trên đĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ đói khát tới béo phì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO