Thu hút người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động

Khanh Lê 25/03/2020 08:00

Theo Bộ LĐTBXH, mục đích của trợ cấp về tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) là nhằm bảo đảm cho người lao động trong quá trình tham gia lao động bị TNLĐ hoặc mắc BNN được điều trị ổn định để phục hồi chức năng và khả năng lao động, được bố trí công việc phù hợp, được bù đắp về vật chất và tinh thần để ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình khi bị mất hoàn toàn, hoặc một phần khả năng lao động. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định, mức hỗ trợ thấp.

Thu hút người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động

Sửa đổi bảo hiểm lao động là cần thiết.

Mức hỗ trợ thấp

Từ ngày 1/7/2020, lương cơ sở sẽ tăng lên 1.600.000 đồng/tháng, theo đó, các loại trợ cấp khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng tăng theo. Cụ thể, Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định: Người lao động suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Từ 1/7/2020, người lao động suy giảm 5% khả năng lao động sẽ được hưởng 8.000.000 đồng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 800.000 đồng.

Khoản 2, điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định mức trợ cấp hàng tháng như sau: Người lao động suy giảm 31% khả năng lao động thì hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Từ 1/7/2020, suy giảm 31% khả năng lao động, người lao động được hưởng 480.000 đồng/tháng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 32.000 đồng/tháng.

Theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, ngoài mức hưởng trợ cấp hàng tháng, mỗi tháng, người lao động được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. Từ 1/7/2020, trợ cấp phục vụ = 1,6 triệu đồng/tháng.

Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cũng nêu rõ: Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Trong đó, người lao động được nghỉ tối đa 10 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; 7 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31 - 50%; 5 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 15 - 30%. Từ 1/7/2020: Mức trợ cấp tăng lên 480.000 đồng/ngày.

Để bảo đảm ổn định công việc và thu nhập cho người lao động, Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định: Người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới, nếu phải đào tạo để chuyển đổi nghề thì được hỗ trợ học phí. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở. Mặc dù vậy theo ý kiến nhiều chuyên gia với mức hỗ trợ trên khá thấp và đây cũng chính là lý do khiến NLĐ không mấy mặn mà tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Sẽ sửa đổi cho phù hợp

Thực tế cho thấy, việc triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN còn vướng mắc, chậm, do một số quy định về tài chính, thủ tục hành chính quá phức tạp. Trong khi đó, mục đích chính của Luật ATVSLĐ đặt ra là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có hợp đồng lao động, chuyển mạnh từ bị động giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, BNN.

Đánh giá việc triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTBXH cũng cho rằng, thực tế sau 3 năm triển khai bên cạnh những mặt tích cực thì việc triển khai chính sách TNLĐ cũng như bệnh nghề nghiệp chưa được mong muốn. Nguyên nhân do mức hỗ trợ không cao nên NLĐ không mấy mặn mà, trong khi đó về mặt thủ tục vẫn còn phức tạp nên càng khiến NLĐ “ngại”. Chính vì vậy, có không ít NLĐ không mấy quan tâm và có ý kiến khi DN không làm hồ sơ hưởng TNLĐ, BNN. Xuất phát từ thực tế này, hiện Bộ LĐTBXH đang khẩn trương xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP theo hướng bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm TNLĐ, BNN. Dự kiến Bộ LĐTBXH sẽ xây dựng dự thảo trình Chính phủ trong năm nay. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách TNLĐ, BNN tại các đơn vị sử dụng lao động, cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết đóng, hưởng chế độ TNLĐ, BNN; kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO