Sân khấu chung tay phòng, chống dịch

Minh Quân 11/08/2021 06:30

Tình hình dịch bệnh phức tạp, các loại hình sân khấu đã gặp vô số khó khăn trong việc luyện tập cũng như dàn dựng các vở diễn mới. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của những người nghệ sĩ, rất nhiều tác phẩm sân khấu về đề tài phòng chống Covid-19 đã và đang được hoàn thiện.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thể loại tác phẩm xét giải gồm những vở diễn, tiểu phẩm, bài hát thuộc các loại hình nghệ thuật sân khấu như Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, Ca kịch, Dân ca, Múa rối, Xiếc… thể hiện được nội dung tập trung phản ảnh công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện 5K và tiêm vaccine...

Với giải thưởng trên cho thấy, dù gặp vô số những khó khăn nhưng không vì thế mà các nghệ sĩ đứng ngoài cuộc trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, bằng ngôn ngữ sân khấu. Tiên phong trong việc dàn dựng các vở diễn phòng chống Covid-19 là sân khấu Lệ Ngọc với vở diễn “Cuộc chiến Covid”. Vở diễn được ra mắt vào đầu năm 2021, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn NSND Lê Hùng đã mang đến cho khán giả một câu chuyện hấp dẫn, đời thường, đủ cung bậc bi hài và rất xúc động một tinh thần tự hào Việt Nam. Ở đó, “Cuộc chiến Covid” không đi vào chi tiết chuyên môn mà đã nêu bật lên tinh thần của người Việt Nam. Người Việt Nam lá lành đùm lá rách, người Việt Nam thương nhau trong lúc hoạn nạn.

Nhà hát Tuổi trẻ mới đây cũng đã giới thiệu đến khán giả vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus”. Vở diễn mang thông điệp thời sự, với câu chuyện kịch xoay quanh cuộc sống hạnh phúc của “dân cư” (là những loài vật) trong một ngôi làng. Chỉ vì chủ quan khinh thường loại bệnh nhỏ bé, những cư dân nơi đây đã bị những con virus tấn công, xâm chiếm ngôi làng. Những cư dân còn sống sót trên hòn đảo, đặc biệt là bác Gấu lương y, đại diện cho những người bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã đoàn kết lại, sáng chế ra loại thuốc tiêu diệt con virus đáng ghét, đem cuộc sống tươi đẹp trở lại cho ngôi làng.

Một tác phẩm khác không thể không nhắc đến là vở kịch “Người trong mắt bão” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Nổi bật trong vở kịch là hình ảnh một nữ bác sĩ dù đã gần đến ngày sinh nhưng vẫn hăng hái tham gia công tác tại khu cách ly; là chiến sĩ công an nghe tin cha mất nhưng vẫn nén nỗi đau ở lại đơn vị làm nhiệm vụ; hay hình ảnh các cụ già tằn tiện chắt bóp đồng lương hưu ít ỏi để đóng góp vào quỹ phòng, chống dịch... Cùng với đó, vở diễn cũng khéo léo phê phán những đối tượng lợi dụng dịch bệnh để buôn bán vật tư y tế không đạt chuẩn, đội giá nhiều lần hoặc một số người dân còn thiếu ý thức khi đăng tin tức giả mạo trên mạng xã hội để câu view bán hàng, không chấp hành thực hiện thông điệp 5K.

Biên kịch Minh Nguyệt, tác giả kịch bản vở “Cuộc chiến Covid” cho biết, thực tế cuộc chiến chống dịch đã ngồn ngộn chất liệu cho nghệ sĩ sáng tác và không khó để lựa chọn những điển hình tiêu biểu để đưa vào tác phẩm. Bên cạnh những câu chuyện xúc động, những yếu tố tích cực, các tác phẩm còn khai thác cả những vấn đề tiêu cực ngay trong quá trình chống dịch. Tuy nhiên, dù lựa chọn chi tiết, vấn đề như thế nào thì tác phẩm cũng phải đảm bảo tính thuyết phục, chuyển tải những thông điệp ý nghĩa, có tính khái quát, chạm đến trái tim khán giả.

Cũng theo biên kịch Minh Nguyệt, cuộc chiến chống Covid-19 là mảng đề tài hấp dẫn, cần tiếp tục được các văn nghệ sĩ, trong đó có giới sân khấu quan tâm đầu tư khai thác nhiều hơn. Bởi thực tế đề tài về chống dịch không dễ được nhiều đơn vị dũng cảm chọn đầu tư vì khó dàn dựng. Nghệ sĩ phải mặc đồ bảo hộ trên sân khấu hạn chế hiệu quả diễn xuất, khó biểu đạt tâm lý, tình cảm cần thiết qua nét mặt, qua ngôn ngữ hình thể…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu chung tay phòng, chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO