Số thực

Thành Vĩnh 07/11/2015 09:51

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh trong phát biểu trước Quốc hội cách đây vài ngày cho rằng, thông tin đầu vào quyết định sự chính xác của số liệu công bố, ví dụ “có nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì”. Phát biểu của Bộ trưởng cho thấy con số thống kê sẽ không mang nhiều ý nghĩa nếu số liệu cung cấp cho thống kê không chính xác. Số thực là số khách quan, chính xác và hoạt động thống kê chỉ có ý nghĩa để hoạch định chiến lược, chính sách nếu thống kê đưa ra con số thực.

Số thực

Tranh minh họa.

Điều gì sẽ đem lại những con số chính xác? Sự khách quan và trung thực lúc nào cũng cần và dường như lúc nào cũng thiếu. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có một thực tế “làm đẹp con số vì chạy theo thành tích”. Tuy nhiên, những con số đôi khi đã “ảo” tới mức khó lòng chấp nhận như có lần chúng ta công bố số liệu tỷ lệ thất nghiệp là 1,84% hay là chỉ có 1% công chức “ngồi chơi xơi nước”.

Khi một số liệu thống kê không đáng tin cậy, thông thường người ta có quyền đổ phắt lỗi cho cơ quan thực hiện việc thống kê. Nhưng phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lại cho thấy một thực tế khác, là đối với cán bộ thống kê, việc làm sai số liệu không liên quan đến quyền lợi của họ, cũng chẳng nên băn khoăn về phương pháp tính toán những con số, mấu chốt của vấn đề nằm ở những con số đầu vào. Số liệu đầu vào không chính xác tất yếu tính toán kiểu gì cũng cho ra những con số không chính xác.

Trong tất cả những sự kê khai, có những thứ khó như tỉ lệ người thất nghiệp. Bởi vì có người có thể chỉ có lao động theo thời vụ, có khi không được đưa vào tính là thất nghiệp. Hoặc có nhiều lao động ở các địa phương tha hương đi làm ăn chỗ khác, địa phương cũng không biết kê khai thế nào. Nhưng có một thứ để kê khai, cực dễ đếm, là đếm tài sản, ví dụ như nhà, như xe, như đất đai…

Vậy mà những con số thống kê cũng hoàn toàn chưa chính xác. Ai phải kê khai tài sản? Đương nhiên là cán bộ, mà cũng còn kê khai chưa đủ, thì lấy đâu ra số liệu thống kê đúng.

Đó là một sự thật rất dễ nhìn thấy mà cũng chính Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã dẫn ra: “Các đại biểu đều biết là nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì, nhà của họ toàn đứng tên con cái, thậm chí đứng tên con cái cũng không khai nữa. Cho nên số liệu về nhà ở tính vào chưa chắc đã đúng. Chính đại biểu chúng ta trong này có khi nhiều người cũng chẳng kê khai, nói gì đến nhân dân. Đầu vào không chính xác thì đừng nói đến số liệu chính xác”.

Nhắc đến việc kê khai này, lại nhớ tới số liệu công bố năm 2014, trong số hơn 944 nghìn (tức là gần 1 triệu) trường hợp đã kê khai tài sản thu nhập, chỉ có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh và chỉ duy nhất một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Còn số liệu của năm 2015 là với 1.225.000 bản kê khai kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 người kê khai không trung thực .

Giữa số liệu công bố và số thực ở ngoài đời chắc chắn vẫn đang là khoảng cách. Năm nào, các bản kê khai đa số vẫn hoàn toàn “sạch sẽ” trên những số liệu xác minh và thống kê. Cho tới khi nào đột ngột lộ ra vài cái nhà hoặc một số tài sản khổng lồ khác qua một “sự cố” nào đó.

Kê khai tài sản thu nhập của cán bộ để làm gì? Mục đích là để chống tham nhũng. Nhưng khi số liệu không chính xác việc làm này chỉ mang tính hình thức và nếu không được làm rõ về mức độ trung thực của việc kê khai, không làm rõ nguồn gốc tài sản khi đã được kê khai thì nhân dân hoàn toàn có thể “dị nghị”. Hàng triệu bản kê khai trung thực mỗi năm (chỉ có vài trường hợp không trung thực) lại không làm tăng thêm niềm tin vào sự trung thực.

Ở đây cũng phải mở ngoặc để nói riêng về việc kê khai tài sản cho mục tiêu chống tham nhũng. Hàng triệu người phải thuộc đối tượng kê khai cũng là một trong những nguyên nhân khiến những bản kê khai thiếu tính chính xác vì không đủ lực lượng để xác minh.

Theo ông Jairo Acuna-Alfaro - Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng UNDP tại Việt Nam: “Kinh nghiệm thành công của quốc tế cho thấy số lượng quan chức phải kê khai tài sản càng “tinh” thì việc kiểm tra tính chính xác của bản kê khai càng dễ dàng”.

Trở lại với những con số thống kê. Hoạt động thống kê có vai trò cung cấp thông tin thống kê cho yêu cầu nhận diện, đánh giá đúng thực trạng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dự báo xu hướng phát triển để trên cơ sở đó giúp Nhà nước hoạch định chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách, quản lý, điều hành.

Cho nên thống kê không phải chỉ là trưng ra những con số cho đẹp. Để có thể có chiến lược và quy hoạch phát triển chính xác, thống kê cần có những con số thực. Cũng như để có một cơ chế quản lý và điều hành hiệu quả, có những cán bộ thực sự là những công bộc của dân, trước hết bắt đầu từ những bản kê khai trung thực.

Trong tất cả những sự kê khai, có những thứ khó như tỉ lệ người thất nghiệp. Bởi vì có người có thể chỉ có lao động theo thời vụ, có khi không được đưa vào tính là thất nghiệp. Hoặc có nhiều lao động ở các địa phương tha hương đi làm ăn chỗ khác, địa phương cũng không biết kê khai thế nào. Nhưng có một thứ để kê khai, cực dễ đếm, là đếm tài sản, ví dụ như nhà, như xe, như đất đai… Vậy mà những con số thống kê cũng hoàn toàn chưa chính xác. Ai phải kê khai tài sản? Đương nhiên là cán bộ, mà cũng còn kê khai chưa đủ, thì lấy đâu ra số liệu thống kê đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số thực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO