Thu hút dòng vốn đầu tư vào đô thị thông minh

Hồng Phúc 23/10/2019 08:00

Theo dự kiến, TP Hồ Chí Minh cần khoảng hơn 2.130 tỷ đồng để xây dựng đô thị thông minh chỉ riêng giai đoạn 2016-2020 (tầm nhìn 2025), nhất là dòng vốn và kinh nghiệm từ nước ngoài đầu tư trong các lĩnh vực mà thành phố còn thiếu và yếu (nhân lực, tài chính) như chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh.

Tính từ thời điểm TP HCM công bố Đề án vào ngày 23/11/2017 đến tháng 5/2019 đã hoàn thành được xây dựng 4 trung tâm, được xem là trụ cột của đô thị thông minh, bao gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội và Trung tâm An toàn thông tin. Trong đó, chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) được tin tưởng giao cho vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Vai trò của Trung tâm này là thu hút nhà đầu tư, qua đó có cơ chế và nhân lực tốt nhất cho đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Từ sau khi công bố Đề án, UBND TP HCM cũng thu hút được Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) tham gia vào giải pháp công nghệ và hướng dẫn triển khai đầu tư các hợp phần của đô thị thông minh tại các quận, huyện và sở ngành. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, sẽ giúp các cơ quan hành chính của TP HCM vận hành sâu hơn, đồng bộ hơn để thực sự trở thành công cụ giúp thành phố quản lý, hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Với các nền tảng trên, từ giai đoạn 2 (2021-2025), TP HCM đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực, từng bước giúp cho người dân chủ động tham gia trực tiếp vào quản lý và xây dựng chính sách phát triển xã hội, thông tin, cơ sở dữ liệu. Từ đó, thành phố đặt các nền tảng phát triển cho thời kỳ kinh tế số để đến năm 2025 và tầm nhìn cho các năm tiếp theo TP.HCM sẽ phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng TP HCM không nên phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, mà cần huy động được các nguồn xã hội hóa và đầu tư nước ngoài. Trong đó, việc áp dụng PPP được dự báo giúp chính quyền TP HCM giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong thay đổi diện mạo đô thị, từng bước đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế trong tình hình mới. Muốn vậy, các chuyên gia khuyến nghị chính quyền thành phố cần có khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cụ thể chi tiết đối với các hình thức đầu tư nói chung.

Theo UBND TP HCM, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm trong giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh, sẽ giúp chính quyền thành phố xây dựng các nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC,…Các nền tảng này, được dự báo sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Một số nhà đầu tư từ Phần Lan cũng chia sẻ kinh nghiệm của họ trong phát triển y tế thông minh, giao thông vận tải đô thị thông minh, với nhiều dự án xây dựng đã được hiện thực hóa. Do đó, các biện pháp, mô hình xây dựng đô thị thông minh của quốc gia này sẽ là kinh nghiệm tốt để TP HCM nghiên cứu, chọn lọc và vận dụng hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút dòng vốn đầu tư vào đô thị thông minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO