Tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

Thùy Dương (thực hiện) 24/05/2017 09:10

Về việc tái cơ cấu nền kinh tế, trao đổi với ĐĐK, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng việc thay đổi mô hình tăng trưởng từ việc dựa vào vốn và khai thác tự nhiên sang dựa vào hiệu quả của mô hình đó thì cần phải có thời gian. Tính bền vững đòi hỏi chúng ta có một bước chững lại để tạo ra nền tảng cho giai đoạn mới.

Ông Hoàng Văn Cường.

PV: Dù khó khăn nhưng Chính phủ kiên quyết đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay. Ý kiến của ông?

Ông Hoàng Văn Cường: Giải pháp Chính phủ đã đưa ra nhưng đúng là cần có thời gian thực hiện, cần một lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế. Mà tái cơ cấu nền kinh tế thì phải có thời gian chứ không thể ngay một lúc. Việc chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng từ việc dựa vào vốn và khai thác tự nhiên sang dựa vào hiệu quả của mô hình đó thì cần phải có thời gian. Và quá trình chuyển đổi đó, tất nhiên sẽ có một giai đoạn trầm lắng trở lại. Tôi cho chính những lý do đó đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng của ta trong 2 năm vừa qua không bứt phá nhanh. Tất nhiên, chúng ta có thể có những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, nhưng những giải pháp đó chỉ mang tính chất tạm thời.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng quan trọng là tính bền vững của tăng trưởng chứ không phải chạy theo chỉ tiêu...

- Tính bền vững ấy đòi hỏi chúng ta có một bước chững lại để tạo ra một nền tảng cho giai đoạn mới.

Nhưng hiện nay nợ công đang có dấu hiệu tăng lên, áp lực trả nợ lớn?

- Nợ công không phải giai đoạn này tăng mà tăng từ quá trình trước đây. Từ khi mô hình kinh tế của chúng ta dựa vào việc sử dụng vốn thì nợ công tăng lên. Còn trong vòng 2 năm nay không phải nợ công tăng, nhưng vì GDP của chúng ta không tăng khiến ta nhìn thấy tỷ lệ tăng lên. Chúng ta cũng không nên lấy tiêu chí nợ công như một cái gì đó quá lớn, cản trở phát triển.

Thực tế thì chi thường xuyên của ta quá lớn, rồi trả nợ nên tiền chi cho đầu tư phát triển ít, vậy rất khó để tăng trưởng?

- Chi thường xuyên của chúng ta lớn nhưng những năm gần đây chúng ta bắt đầu tiết kiệm chi thường xuyên. Nhưng có một điều là hiệu quả của những đầu tư công trước đây không mang lại hiệu quả cao nên không tạo ra nguồn lực để tái đầu tư, từ đó mà trả nợ. Chúng ta đang dùng tăng trưởng kinh tế này mà trả nợ, thậm chí vay để trả nợ. Đây là điều ta đang phải chịu hậu quả trong quá trình phát triển- đây là điều tất yếu.

Hiện xuất khẩu của ta trong những tháng đầu năm 2017 đang có dấu hiệu giảm, liệu đây có phải là mối lo không?

- Thời gian qua liên quan đến xuất khẩu tiểu ngạch ở một vài ngành thôi như thịt lợn chẳng hạn. Còn đứng về tổng thể không phải giảm, cho nên trong năm 2017 không đáng lo ngại.

Ông nghĩ sao khi vừa qua Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về xử lý nợ xấu?

- Đưa Nghị quyết về xử lý nợ xấu vào bổ sung cho kỳ họp này là điều cần thiết. Và giải quyết nợ xấu là một vấn đề khó. Phải thực hiện rất nhiều biện pháp; thậm chí, có những biện pháp không xử lý theo quan hệ kinh tế thông thường đồng thời phải sử dụng những biện pháp mang tính chất quyết liệt hơn, không chỉ dừng lại ở quan hệ dân sự. Ở đây liên quan đến cả những quan hệ dân sự thông thường, nhưng có thể có những vấn đề mang tính chất ảnh hưởng đến sự phát triển của rất nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Vì thế có thể cần những biện pháp mạnh hơn. Tôi cho rằng việc đưa ra Nghị quyết về xử lý nợ xấu hay có biện pháp khác là cần thiết.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO