Tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình taxi

Hạnh Nhân 27/06/2020 09:35

Từ 1/4 tất cả các hãng taxi đều bình đẳng trong kinh doanh, không có bất cứ bên nào giành lợi thế hơn, dù là taxi công nghệ hay taxi truyền thống. Từ đó sẽ không nảy sinh những vụ kiện tương tự như vụ Vinasun kiện Grab. Có thể khẳng định, Nghị định 10/2020/NĐ-CP ra đời chính là biện pháp tháo gỡ sự bất cập, môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình taxi.

 Sau  ngày 1/ 4, các hãng xe công nghệ buộc phải gắn mào hoặc dán chữ “xe taxi” để  nhận diện.
Sau ngày 1/ 4, các hãng xe công nghệ buộc phải gắn mào hoặc dán chữ “xe taxi” để nhận diện.

Thí điểm để xây dựng luật?

Sau gần 3 tháng Nghị định 10 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô có hiệu lực thi hành, đến nay hầu hết các hãng taxi công nghệ đều hoạt động theo phương thức cũ mà chưa hề có ý định tuân thủ theo quy định mới. Các hãng taxi công nghệ không mặn mà với quy định mới bởi bị bó buộc không thể giành lợi thế với taxi truyền thống như trước đây.

Theo đề án thí điểm trước đó của Bộ GTVT, taxi công nghệ không cần phải gắn “mào”, cũng không có bất cứ dấu hiệu gì để nhận dạng là xe taxi. Do vậy, taxi công nghệ có thể tự do ra vào những tuyến phố có biển cấm taxi, tự do đi lại vào giờ cấm taxi... mà lực lượng chức năng khó lòng phát hiện, mà dù có phát hiện cũng khó lòng xử lý vì lái xe sẽ nói đó là xe gia đình, chở người thân.

Tuy nhiên, với quy định mới phải gắn mào, hoặc dán dòng chữ “xe taxi” phía trước và sau mặt kính chắn gió, taxi công nghệ giờ buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giờ được phép lưu hành, tuyến phố được phép đi vào như taxi truyền thống. Vậy nhưng ghi nhận của phóng viên Đại Đoàn Kết cho thấy hầu hết các hãng taxi công nghệ đều chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng quy định mới.

Anh Nguyễn Hoàng Anh, lái xe GrabPlus cho hay: “Đến thời điểm này vẫn chưa có gì thay đổi. Hiện, chúng tôi vẫn hoạt động bình thường, chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của hãng về quy định mới...”.

Mới đây, Bộ GTVT tiếp tục ký ban hành Thông tư hướng dẫn, làm rõ hơn những quy định về kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ theo Nghị định 10.

Theo đó, các đơn vị cung cấp phần mềm nếu có phát sinh các hoạt động điều hành xe phải chấp hành các điều kiện về kinh doanh vận tải. Trong mối quan hệ với tài xế, đơn vị cung cấp phần mềm sẽ là người sử dụng lao động, lái xe sẽ trở thành người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, Nghị định 10 và Thông tư 12/2020 TT-BGTVT đã điều chỉnh các hãng taxi công nghệ vào đúng khuôn phép. Theo đó, các hãng taxi công nghệ cũng phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo ATGT của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, quy định về nhận diện và niên hạn phương tiện... Từ đó đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh... giữa các hãng xe công nghệ và taxi truyền thống.

Giải thích về đề án thí điểm xe công nghệ khiến taxi truyền thống phải lao đao mất mấy năm trời, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay: Luật Giao thông đường bộ thực hiện từ năm 2008, lúc đó chưa có xe công nghệ nên chưa có quy định để điều chỉnh loại hình này. Vì thế phải có quá trình thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tìm ra giải pháp quản lý tốt nhất. Sau thời gian thí điểm, cơ quan chức năng đã đánh giá đúng được bản chất hoạt động của các ứng dụng gọi xe. Do vậy, Luật GTĐB sửa đổi lần này sẽ được Bộ GTVT soạn thảo trên tinh thần luật hóa loại hình xe công nghệ, đảm bảo hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý tất cả các loại hình kinh doanh vận tải.

Đảm bảo quyền lợi của lái xe công nghệ

Dù Thứ trưởng Bộ GTVT đưa ra lý giải như vậy, song cũng phải nhìn lại 4 năm thí điểm triển khai xe công nghệ. Trong vòng 4 năm thí điểm xe công nghệ, số lượng phương tiện tham gia vận tải hành khách theo dạng hợp đồng điện tử trên cả nước tăng đột biến. Kéo theo đó là những hệ lụy khôn lường về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự... Mâu thuẫn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ ngày càng trở nên gay gắt và đỉnh điểm là vụ kiện của Vinasun với Grab trong suốt thời gian dài. Cuối cùng tòa đã tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), Nghị định 10 góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe công nghệ và taxi truyền thống.

Ông Long cho rằng, Nghị định 10 đã quy định khá rõ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và công ty công nghệ, để không có đơn vị nào còn có thể mập mờ đánh lận con đen.

Theo đó, doanh nghiệp nào tham gia ít nhất một trong các công đoạn chính như điều hành phương tiện, quyết định giá cước... thì được gọi là doanh nghiệp vận tải. Ngược lại, đơn vị nào không tham gia các công đoạn trên thì được xem là doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. Và khi đã là đơn vị kinh doanh vận tải thì buộc phải tuân thủ các quy định như taxi truyền thống, không có ưu thế nào.

Với quy định mới, các lái xe công nghệ sẽ trở thành người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội... theo đúng quy định của Luật Lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế trên tổng doanh thu vận tải chứ không phải theo tỷ lệ % họ được hưởng như hiện nay. Mừng trước thông tin sẽ được hưởng mọi quyền lợi của người lao động như được ký hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm... thay vì chỉ là đối tác của hãng gọi xe, nhưng một số tài xế cũng lo ngại, nếu các hãng tốn thêm chi phí cho tài xế sẽ dẫn đến việc giá cước tăng, từ đó khách hàng sẽ cân nhắc lựa chọn xe công nghệ, như vậy thu nhập của tài xế có thể bị ảnh hưởng.

Vào thời điểm này, để tham gia môi trường kinh doanh với quy định mới, các hãng taxi công nghệ lẽ ra đã phải dần chuyển đổi mô hình hoạt động. Nhưng theo ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội), hiện cơ quan này chưa nhận được yêu cầu nào xin cấp lại phù hiệu xe, chuyển đổi hình thức theo quy định mới.

“Các hãng xe công nghệ dù lựa chọn loại hình nào thì cũng phải tuân thủ các quy định về gắn mào hoặc gắn chữ trên kính xe để nhận diện, sau đó là phù hiệu. Chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện Nghị định 10 sau đó sẽ kiểm tra, xử lý tài xế và doanh nghiệp vi phạm...”, ông Tuyển khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình taxi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO