Tập huấn giáo viên: Không dễ về đích

Lam Nhi 27/04/2021 06:48

Sau chọn sách giáo khoa (SGK), công tác bồi dưỡng cho giáo viên để đảm bảo thành công khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là một bài toán không dễ. Bởi so với lớp 1 thì việc triển khai chương trình, SGK mới ở lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn.

Nếu được đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên sâu, GV sẽ dạy học hiệu quả hơn.

Tập huấn “không F1”

Tại Hội nghị sơ kết bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý (GV, CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020 và kế hoạch năm 2021 diễn ra cuối tuần qua, công tác bồi dưỡng GV cho chương trình GDPT 2018 làm sao đạt hiệu quả cao nhất đã được đặt ra. Theo đó, cách làm mới hiện nay đó là dù là GV cốt cán hay GV đại trà đều được nghiên cứu một tài liệu như nhau. Không có F1, F2 trong bồi dưỡng là nhấn mạnh của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.

Nếu như trước đây bồi dưỡng cán bộ là GV ở cấp trung ương rồi chuyển giao cấp cơ sở, mỗi lần chuyển giao lại “rơi” một ít. Trước kia là bồi dưỡng theo đợt, còn chương trình lần này bồi dưỡng GV thường xuyên, liên tục, tại chỗ, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Đặc biệt là có sự hỗ trợ của GV cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Liên quan đến việc tập huấn SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ triển khai trong năm học tới, hiện nhiều địa phương cho biết đang bồi dưỡng GV ở các môđun 2, 3 (phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá HS). Dự kiến, việc tập huấn SGK có thể thực hiện trong tháng 6 và tháng 7 bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp để kịp cho năm học mới.

Ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho biết trước năm học mới, theo kế hoạch GV thực hiện chương trình mới sẽ được tập huấn môđun cuối cùng là xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Đây là môđun quan trọng để GV và cán bộ quản lý hiểu được sự chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, SGK, tránh tình trạng rơi vào quá tải do cứng nhắc thực hiện như với SGK lớp 1 năm trước.

Trước đó, đại diện Bộ GDĐT cũng khẳng định Bộ GDĐT sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động tập huấn GV, đồng thời yêu cầu các nhà xuất bản phải phối hợp với địa phương để kết hợp ngay trong tập huấn GV thực hiện chương trình mới. Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho địa phương và nhà xuất bản để làm hiệu quả, trong đó quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giới thiệu, tập huấn sách; kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn SGK cho GV, tránh tình trạng thời gian gấp gáp, GV phải di chuyển xa, tập huấn không đảm bảo chất lượng.

Chủ động tự bồi dưỡng

So với chương trình hiện hành, chương trình và SGK lớp 6 theo chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới. Trong đó, không còn các môn Lý, Hóa, Sinh riêng biệt nữa mà trở thành môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử, Địa lý không còn là môn riêng mà là môn tích hợp cộng thêm những yêu cầu khác. Đây là một khó khăn với GV khi chuyển đổi sang nội dung, phương pháp dạy học mới.

Về phía học sinh, các chuyên gia nhìn nhận do đầu vào của HS lớp 6 năm học 2022-2023 không được học chương trình, SGK theo Chương trình GDPT 2018 ở bậc Tiểu học nên nếu “đột ngột” yêu cầu các em chuyển sang một chương trình mới, sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ.

Giải pháp đưa ra là hiện Bộ GDĐT đã xây dựng chương trình và kế hoạch bổ sung cho lớp 5. Điều này nhằm giúp HS tiểu học được bổ trợ các kiến thức, đảm bảo yêu cầu đầy đủ kiến thức để tiếp nhận chương trình lớp 6 mới.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GDĐT Hà Đông (Hà Nội) cho biết SGK trong năm đầu tiên đổi mới chương trình, SGK ở bậc THCS có nhiều điểm mới từ dạy học tích hợp liên môn, thêm hoạt động giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm… các trường sẽ gặp một số khó khăn, chủ yếu là thay đổi quan điểm giáo dục, phương pháp dạy học từ đội ngũ.

Đặc biệt với lớp 6 có nhiều điểm mới, nên nếu được đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên sâu, GV sẽ dạy học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do số lượng GV đông, Bộ GDĐT mới chỉ dừng lại ở mức độ tập huấn, chưa có các khóa đào tạo lại. Do đó, đòi hỏi GV phải nỗ lực tự học hỏi, tự bồi dưỡng, trao đổi với đồng nghiệp để nắm rõ môn học mình phụ trách.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhìn nhận, thách thức khi triển khai chương trình - SGK ở lớp 6 là rất lớn. “GV giảng dạy lớp 6 năm học tới phải rất tâm huyết, hiểu về chương trình, làm chủ chương trình và dạy học bằng cả tâm huyết của mình thì mới vượt qua những khó khăn vướng mắc”, Thứ trưởng Độ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập huấn giáo viên: Không dễ về đích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO