Khoảng hơn một tuần trở lại đây, thông tin thanh long của các hộ nông dân ở các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An… đang vào mùa thu hoạch nhưng khó tiêu thụ, giá giảm sâu đã khiến cho nhiều người ngỡ ngàng.
Thanh long vào mùa nhưng khó tiêu thụ, giá giảm sâu.
Từ mức giá khoảng 20.000 đồng/kg, thanh long hiện chỉ còn dao động ở mức 2.000 đồng/kg. Thậm chí nhiều nơi, giá thanh long còn thấp hơn nữa. Vì thế, rất nhiều tổ chức, cá nhân ở khu vực TP HCM đã vận động người dân tham gia sử dụng thanh long, làm cầu nối trực tiếp giữa người tiêu dùng và nông dân trồng thanh long.
Với diện tích khoảng 27.000 ha, tỉnh Bình Thuận là nơi có diện tích thanh long lớn nhất cả nước. Mỗi năm, tỉnh sản xuất khoảng 600.000 tấn thanh long với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc - 80% sản lượng. Tuy nhiên, do thời điểm này nhiều vùng trồng thanh long ở Trung Quốc cũng như Campuchia đang vào vụ thu hoạch rộ, giá thanh long bị đẩy xuống rất thấp, đẩy nông dân vào thế khó. Tương tự, tại tỉnh Long An, thủ phủ thanh long lớn nhất miền Tây với diện tích khoảng 10.000 ha, nông dân ở các huyện Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa… cũng lao đao vì giá thanh long thấp.
Ông Đoàn Diệp Bình - Đại diện chuỗi siêu thị Lotte Mart cho biết, bắt đầu từ hôm 9/10, đồng loạt các siêu thị của hãng ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng sẽ bán thanh long (loại 1 không bị nám, mất tai) không lợi nhuận giúp nông dân với giá là 5.900 đồng/kg cho tới 8.500 đồng/kg.
Tương tự, chuỗi siêu thị Saigon Co.op với hàng trăm siêu thị, cửa hàng tiện ích ở khu vực TP HCM cũng đang lên kế hoạch mua và bán thanh long không lợi nhuận giúp nông dân miền Tây, Bình Thuận. Dự kiến, sẽ có hàng chục tấn thanh long được bán thông qua các siêu thị, cửa hàng như vậy.
Rất nhiều các cá nhân khác ở quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh (TP HCM) cũng nhận mua thanh long và bán với giá gốc không lợi nhuận giúp nông dân. Với khoảng hơn 10 triệu dân, TP HCM cũng là một thị trường tiêu thụ không chỉ thanh long mà các loại nông sản rất lớn.
Theo nhiều người, tình trạng nông sản chính vụ bị giảm giá, khó tiêu thụ tuy không mới nhưng là vấn đề khá nan giải. Việc các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia mua, giải cứu giúp nông dân là đáng hoan nghênh nhưng không phải là biện pháp lâu dài. Về cơ bản, nông dân cần được tư vấn nắm rõ và chấp nhận quy luật thị trường để sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nông dân nên tham gia vào các hợp tác xã để chủ động ứng phó với biến động về thị trường, giá cả cũng như nắm được thông tin về sản phẩm.