Ma trận hàng giả mạo xuất xứ

Minh Phương 30/07/2019 07:00

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong vòng 6 tháng qua, lực lượng Hải quan đã bắt giữ nhiều lô hàng nhập lậu nhưng lại gắn mác “Made in Vietnam”. Có thể thấy, hàng Việt đang bị giả mạo ngày một  nhiều hơn.

Ma trận hàng giả mạo xuất xứ

Dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn xuất hiện.

Nhiều sản phẩm hàng hóa bị giả mạo xuất xứ

Từ năm 2016 đến nay, Hải quan đã bắt giữ hàng loạt các lô hàng nhập lậu nhưng lại dán nhãn xuất xứ Việt Nam. Điển hình trong năm 2016, cơ quan này đã bắt giữ lô hàng đèn led nhập khẩu của một công ty, phát hiện hàng ngàn sản phẩm đèn led và phụ kiện đèn led được sản xuất tại Trung Quốc nhưng trên bao bì lại ghi xuất xứ Việt Nam. Từ năm 2016 đến nay, nhiều vụ việc hàng hóa giả mạo xuất xứ được phanh phui trong đó, tiêu biểu là sự vụ một công ty nhập khẩu mặt hàng “Băng keo lưới bằng sợi thủy tinh dùng trong xây dựng, xuất xứ Trung Quốc”, thế nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa lại phát hiện nhãn hàng hóa trên bao bì trực tiếp và bao bì chứa đựng hàng hóa thể hiện nơi sản xuất của hàng hóa là Việt Nam (gắn mác “Made in Vietnam”).

Nhiều sản phẩm gia dụng khác như nồi cơm điện, giày dép, quần áo, đồ điện gia dụng, các phụ tùng xe máy, xe đạp… bị làm giả hàng “Made in Vietnam” cũng đã được cơ quan hải quan bắt giữ trong năm 2017 và năm 2018. Mới đây nhất, tháng 6/2019, cơ quan quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra và bắt giữ lô hàng của một DN tại quận 6 (TPHCM) với gần 10.000 sản phẩm cặp lồng, ấm pha trà, tô inox các loại không có hóa đơn chứng từ; hơn 2.000 vỏ micro trôi nổi, hơn 600 bộ tách trà không hóa đơn chứng từ nhưng lại ghi trên sản phẩm dòng chữ “Hang Viet Nam”, cùng gần 2 triệu sản phẩm đồ sứ không nhãn hiệu khác…

Những con số nói trên cho thấy, càng ngày hàng Việt càng bị các doanh nghiệp (DN) làm ăn phi pháp lợi dụng gắn nhãn mác giả mạo để đánh lừa người tiêu dùng. Thủ đoạn đó đã khiến không ít DN làm ăn chân chính chán nản. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây còn là sự dễ dãi lỏng lẻo trong quản lý của cơ quan chức năng khiến cho tình hình thêm phức tạp.

Không thể để niềm tin của người tiêu dùng bị lợi dụng

Theo chia sẻ của chủ một shop thời trang “Hàng Việt Nam xuất khẩu” trên phố Chùa Bộc (Hà Nội), thương nhân muốn có nhãn mác “Made in Vietnam” hay kể cả nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới không khó khăn gì. Họ chỉ việc đi ra phố Hàng Bồ, mua sẵn hoặc đặt in, thích số lượng bao nhiêu nhãn mác cũng có. Chính bởi vậy mới có chuyện các sản phẩm hàng hóa nhái các thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Nike, Gucci, Chanel, Levis... được bày bán tràn lan trên thị trường. Với giá chỉ khoảng 250.000 – 300.000 đồng/cọc nhãn mác bao gồm 200 sản phẩm, thương nhân dễ dàng có trong tay những nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng, và tất nhiên khi người tiêu ngày càng ưa chuộng hàng Việt thì các thương nhân sẽ dễ dàng đặt mua các nhãn “Made in Vietnam” cũng tại “thủ phủ nhãn mác” này.

Có thể khẳng định, bằng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhà quản lý đã và đang thành công trong việc thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc niềm tin ấy bị một số DN, những đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng khi gắn mác “Made in Vietnam’” vào sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng.

Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ ngày 1/6/2017, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam.

Bản thân lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng cho biết, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Trên thực tế, điều đó đã là một trong những nguyên nhân khiến cho việc xử lý hàng “đội lốt”, gian lận xuất xứ “có đất sống”, và càng đỏi hỏi cuộc chiến chống gian lận thương mại phải quyết liệt hơn.

* Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Bộ Công thương đang soạn thảo một văn bản quy định về việc, thế nào hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam và thế nào là hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng lưu thông trong nước. Tuy nhiên, trong khi chờ nhà quản lý đưa ra văn bản nói trên, người tiêu dùng vẫn đang “sống chung” với ma trận hàng hóa “Made in Vietnam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ma trận hàng giả mạo xuất xứ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO