Thương mại điện tử đang bị lợi dụng

Minh Phương 07/08/2019 08:00

Vấn nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ không chỉ hoành hành trên thị trường truyền thống mà còn xâm lấn mạnh mẽ sang thị trường online. Điều đó khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin vào các sàn thương mại điện tử. Cần phải chế tài mạnh để ngăn chặn đà gia tăng vấn nạn này.

Thương mại điện tử đang bị lợi dụng

Giao dịch trên các sàn thương mại điện tử ẩn chứa nhiều rủi ro.

Đánh lừa người tiêu dùng

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh, trung bình từ 25-30%/năm. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt mức 30%, tổng doanh thu bán lẻ TMĐT đạt trên 8 tỷ USD. Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT là một xu thế tất yếu song kéo theo đó là tình trạng hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác xâm nhập tràn lan gây hoang mang, mất niềm tin đối với người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thu Lan (ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, muốn tìm một món đồ của những hãng có thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel… không khó, chỉ cần gõ tên món hàng cần tìm trên mạng là hàng loạt các trang web hiện ra với đủ thứ thập cẩm hàng hiệu. Giá cả cũng được rao với hàng loạt giá từ hàng chục triệu đến vài trăm ngàn đều có.

Cũng theo chị Lan, bất cứ người tiêu dùng nào khi mua hàng trên sàn TMĐT đều như lạc vào ma trận khi thấy hàng giả được đưa “lên sóng” một cách công khai. Điển hình như trên trang “Vatgia online”, đồng hồ thương hiệu nổi tiếng Rolex được giao với giá chỉ hơn 500.000 đồng. Tương tự những hãng đồng hồ hiệu khác như Guess, Movado, Tissot… cũng chỉ có giá vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm... Trong khi những sản phẩm chính hãng lên tới cả nghìn, vài chục nghìn USD.

Không chỉ những nhãn hiệu nổi tiếng đã có thương hiệu mạnh trên thế giới bị nhái trên các trang TMĐT, nhãn hiệu “Made in Vietnam” cũng bị giả tràn lan. Nhiều nhất phải kể đến các sản phẩm may mặc thời trang. Người tiêu dùng có thể mua được những sản phẩm may mặc trên các trang mạng với xuất xứ “Made in Vietnam” với vô vàn các mức giá khác nhau. Từ giá dưới 100.000 đồng cho đến 700, 800.000 đồng/sản phẩm đều có. Tuy nhiên, sản phẩm thực khi đến tay của người tiêu dùng thường khác xa với hình ảnh quảng cáo trên các shop online. Điều này cho thấy, sàn TMĐT đang bị lợi dụng, đánh lừa người tiêu dùng để trục lợi.

Chưa đủ sức răn đe

Số liệu thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, chỉ riêng trong năm 2018, có đến 35.943 sản phẩm vi phạm về nhãn mác, xuất xứ, chất lượng, hàng giả, hàng nhái bị gỡ bỏ tại các sàn TMĐT; trên 3.000 tài khoản bán hàng bị khóa, trong đó có gần 2.800 trường hợp được phản ánh từ người tiêu dùng.

Trong 4 năm (từ 2014 - 2018), lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý 1.024.000 vụ vi phạm; riêng năm 2018, xử lý 232.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách 490 tỷ đồng. Các vụ việc vi phạm nhiều nhất là buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Lĩnh vực vi phạm chiếm số nhiều là vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái phép, gian lận tên hàng, xuất xứ hàng hóa qua cửa khẩu hải quan và trong lĩnh vực TMĐT.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389, TMĐT đã trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả của các loại hàng giả, hàng lậu... khiến người tiêu dùng ngày càng mất lòng tin vào kênh thương mại này. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do chế tài hiện nay đang quá “nhẹ tay”, trong khi lợi nhuận thu được lại quá lớn nên các cơ quan chức năng “dẹp” không xuể. PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhận định: Sở dĩ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn ngang nhiên xâm lấn cả thị trường truyền thống lẫn TMĐT là bởi phần lớn các vụ việc vẫn chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính (98,37%), chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (1,63%) là xử lý tư pháp qua toà án. Điều này cho thấy, khuôn khổ pháp luật trong xử lý vi phạm hàng giả còn quá nhẹ, chế tài chưa mạnh. Theo ông Thịnh, các đối tượng vi phạm chỉ bị xử lý vài chục triệu đồng, đây là mức quá nhẹ so với khoản lợi nhuận họ thu được từ việc sản xuất lưu thông hàng giả.

Giới chuyên gia cho rằng, việc ngăn chặn hàng giả hàng nhái ở cả thị trường truyền thống cũng như TMĐT sẽ vẫn còn nan giải nếu chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, những lỗ hổng, kẽ hở từ chính cơ quan quản lý, hoặc chính những tổ chức, hiệp hội được giao trọng trách chống hàng giả vẫn đang tạo “đất sống”, tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại. Chính bởi vậy, cần phải tăng nặng chế tài xử phạt nhằm răn đe các đối tượng kinh doanh bất hợp pháp trên các sàn TMĐT bằng cách: Dừng cấp tên miền; ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT với hàng hóa bày bán.

Về phía các doanh nghiệp (DN) cũng cần chủ động bảo vệ quyền lợi, uy tín của mình, không thể thờ ơ với vấn nạn này. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, bản thân mỗi DN phải xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với việc đăng ký nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, và một điều rất quan trọng là DN phải có quy chế bảo mật những tài sản trí tuệ, những bí mật, bí quyết kinh doanh nhằm hạn chế tối đa các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.

* Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn ngang nhiên xâm lấn cả thị trường truyền thống lẫn TMĐT là bởi phần lớn các vụ việc vẫn chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính (98,37%), chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (1,63%) là xử lý tư pháp qua toà án. Điều này cho thấy, khuôn khổ pháp luật trong xử lý vi phạm hàng giả còn quá nhẹ, chế tài chưa đủ mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương mại điện tử đang bị lợi dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO