Xuất khẩu vào châu Âu: Chủ động chiếm lĩnh thị trường

Thanh Giang 25/12/2019 07:49

Theo Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU đã qua giai đoạn phát triển “nóng”. Hiện một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc khá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hàng nông sản xuất khẩu thô bị tác động mạnh từ biến động giá cả trên thị trường. Các yếu tố trên đang làm giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu (EU).

Xuất khẩu vào châu Âu: Chủ động chiếm lĩnh thị trường

Năm 2019, xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU giảm 13%.

Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào 28 nước thành viên của EU, trong đó có 5 nền kinh tế lớn nhất EU: Đức, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha. Điều đáng chú ý nhất, sẽ có nhiều mặt hàng sẽ được hưởng lợi ngay do giảm thuế quan.

Đơn cử, dệt may và da giày có đến 37 - 42,5% số dòng thuế được xóa bỏ ngay về 0% sau 3 - 7 năm. Đối với mặt hàng gạo và sản phẩm từ gạo, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Ngoài ra, mức thuế áp dụng trong hạn ngạch đối với mặt hàng gạo là 0%. Gạo tấm xóa bỏ thuế trong 5 năm. Sản phẩm từ gạo xóa bỏ thuế 3 - 5 năm…

Mặc dù kỳ vọng khá nhiều vào thị trường EU, song thời điểm hiện nay không ít hiệp hội các ngành nghề, doanh nghiệp tỏ ra lo lắng vì một số mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này đang có dấu hiệu chững lại. Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết: Năm 2019, Vasep đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt khoảng 2 tỷ USD chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước. Tuy nhiên, mục tiêu này không đạt được như dự kiến”.

Ông Trương Đình Hoè lý giải nguyên nhân: “Kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU chỉ đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2019, do tác động của việc thuỷ sản Việt Nam bị EU rút thẻ vàng vì chưa tuân thủ các quy định về việc đánh bắt cá”.

Liên quan đề vấn đề hàng hoá của Việt Nam vào thị trường EU đang có xu hướng chững lại, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ thông tin, tính đến tháng 11/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU đã giảm 1,26% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó điện thoại và linh kiện giảm 16%, cà phê giảm 16,3%, thuỷ hải sản gần 13%.

Nguyên nhân chủ yếu, từ năm 2000 đến 2018 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này đã qua giai đoạn phát triển “nóng”. Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu mang tính chất chủ lực lại phụ thuộc khá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặt hàng nông sản xuất khẩu thô lại bị tác động mạnh từ biến động giá cả trên thị trường.

Hy vọng thời gian tới sẽ khắc phục nhược điểm, tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA, tìm hiểu các quy định đối với hàng xuất khẩu vào EU, chú ý các quy định thuế quan, phi thuế quan, phòng vệ thương mại. Bước kế tiếp là xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn, tìm hiểu thị hiếu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu.

Về phía Vasep, ông Trương Đình Hòe yêu cầu, doanh nghiệp thủy sản phải nắm bắt kỹ những mặt hàng nào được giảm thuế, duy trì thuế. Từ đó có cơ sở chọn lọc mặt hàng lợi thế cạnh tranh về thuế suất. Các doanh nghiệp cũng cần chú ý đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đúng, không gian lận thương mại để hưởng thuế suất ưu đãi. Đặc biệt, sản phẩm phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu vào châu Âu: Chủ động chiếm lĩnh thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO