Thứ Bảy, 04/01/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
LTS: Kể từ Tết Ðộc lập đầu tiên của đất nước - Tết Bính Tuất 1946, tới Tết cuối cùng trước lúc Người đi xa - Tết Kỷ Dậu 1969, Bác Hồ trên cương vị Chủ tịch nước đã cùng đón 24 mùa xuân với đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trong 24 năm ấy, có ba Tết Bác không làm thơ chúc Tết mà chỉ gửi thiếp chúc mừng (1955, 1957, 1958). Còn lại, năm nào Bác cũng có những vần thơ chúc mừng năm mới gửi tới đồng bào, chiến sĩ và người Việt Nam ở nước ngoài. Các bài thơ chúc Tết của Bác đều được đăng trên số Tết của các tờ báo cách mạng có lượng phát hành lớn nhất cả nước thời bấy giờ như báo Cứu Quốc, báo Sự Thật, báo Nhân Dân và kể từ khi Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời thì lời chúc mừng năm mới của Người còn được truyền qua làn sóng phát thanh đúng vào thời khắc giao thừa.
Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập chủ yếu đến những vần thơ Xuân của Bác đăng trên báo Cứu Quốc.
Sáng 19/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ phát lệnh Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và chỉ thị cho báo Cứu Quốc rời ngay làng Thu Quế, chuyển về nội thành Hà Nội, sau khi đã in xong và phát hành khắp nơi báo Cứu Quốc số đặc biệt 4 trang, in đỏ, kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa. Từ đó, báo Cứu Quốc xuất bản công khai ở thủ đô Hà Nội, trở thành tờ báo hằng ngày lớn nhất của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Việt Minh thời đó.
Nhà báo Hồng Hà, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên phóng viên báo Cứu Quốc đã từng kể lại: “Đó là những năm tháng nhân dân Hà Nội và cả nước hằng ngày đón đọc báo Cứu Quốc với niềm tin yêu và sự nhiệt tình khôn tả. Báo thu hút được rất nhiều cộng tác viên là cán bộ quân sự, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng của kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài cho báo Cứu Quốc, đặc biệt trong nhiều năm liền, Người viết chuyên mục “Chuyện gần xa” trên báo Cứu Quốc với bút danh “Ð.X”.”
Trong cuốn sách “Một số tư liệu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu Quốc” do nhà nghiên cứu Vũ Văn Sạch - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) - sưu tầm và chỉnh lý (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) thì từ năm 1948 đến năm 1954 có khoảng 400 bài viết của Bác Hồ đã đăng trên báo Cứu Quốc.
Ngày 2/2/1946 ứng vào ngày mồng 1 Tết Bính Tuất, Tết Độc lập đầu tiên. Theo hồi ức của ông Vũ Kỳ thì: “Sáng dậy sớm, chưa tới giờ làm việc Bác đã bảo lấy giấy ra khai bút... Bác đọc cho viết: Hôm nay là mồng Một Tết, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà... và cuối thư có mấy câu thơ: “Trong năm Bính Tuất mới/Muôn việc đều tiến tới/ Kiến quốc mau thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi!/ Việt Nam độc lập muôn năm”.
“Thư chúc mừng năm mới” ấy đã được đăng toàn văn trên báo Cứu Quốc (ra vào ngày mồng 3 Tết) trong đó còn kêu gọi: "Trong khi đồng bào ở hậu phương đốt hương trầm để thờ phụng Tổ tiên, thì các chiến sĩ ở tiền phương dùng súng đạn để giữ gìn Tổ quốc. Trong khi đồng bào ở hậu phương rót rượu mừng xuân, thì các chiến sĩ ở tiền phương tuốt gươm giết giặc... Chúng ta quyết không để cho bọn thực dân trở lại đè nén chúng ta".
Cũng trong Tết Độc lập đầu tiên 1946, bài báo Tết đầu tiên của Bác rất ngắn, ký tên Hồ Chí Minh, đăng trang nhất báo Cứu Quốc ra ngày 21/01/1946 với nội dung như sau:
“Tết; dân tộc Việt Nam là dân tộc rất giàu lòng đồng tình bác ái. Trong lúc này, toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn tết mừng xuân. Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào chia sẻ cuộc vui xuân mừng tết với:
Những chiến sỹ oanh liệt trước mặt trận
Những gia quyến các chiến sỹ
Những đồng bào nghèo nàn
Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về tết, xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.
Nhân dịp Tết Độc lập đầu tiên, cũng đăng trên báo Cứu Quốc, Bác đã làm câu đối để chúc đồng bào và chiến sỹ:
Rượu cộng hòa, hoa hòa bình, mừng xuân độc lập
Bánh tự do, giò bác ái, ăn tết dân quyền.
Tết năm ấy, nhiều gia đình, cơ quan đoàn thể đã treo câu đối này bằng chữ Nôm, chữ Hán hoặc chữ quốc ngữ ở vị trí trang trọng nhất. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, chỉ 20 chữ nhưng lúc ấy tác dụng tuyên truyền của câu đối về chính quyền non trẻ thật mạnh mẽ.
Sau chiến thắng Việt Bắc, thu đông năm 1947, niềm vui thắng trận tràn ngập tiền tuyến hậu phương. Trong không khí sôi động và phấn chấn ấy, bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ xuất hiện trên báo Cứu Quốc vào Xuân 1948 như một đoá hoa xuân ngào ngạt và rực rỡ sắc hương. Nguyên tác bằng chữ Hán, viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Đêm nguyên tiêu trăng sáng ngời trên một không gian bao la. Bài thơ nói lên cảm xúc và niềm vui dào dạt trong tâm hồn lãnh tụ đêm nguyên tiêu lịch sử.
Hoàn cảnh ra đời bài thơ "Nguyên Tiêu" của Hồ Chủ tịch được tường thuật trên báo Cứu quốc Liên khu IV, số 3, ra ngày 19/5/1949 như sau:
“Đêm rằm tháng Giêng, Hồ Chủ tịch cùng các nhân viên tùy tùng đi thăm mặt trận X gần sông. Sông chảy qua vị trí địch. Cụ ngồi trên một chiếc thuyền con. Đằng sau là thuyền của ban chỉ huy, vài nhà báo và đội vệ binh.
Tới giữa sông, Hồ Chủ tịch ra lệnh dừng thuyền lại. Cụ nói chuyện với ban chỉ huy và dặn đi dặn lại: Cần phải ưu đãi tù binh và những ngụy binh chạy sang hàng ngũ ta, đối với bộ đội phải thưởng phạt công minh, phải thi đua đánh mạnh và lập công... rồi Cụ quay sang nhủ chúng tôi: “Các nhà báo phải hiểu quân sự, cái gì bí mật thì đừng đăng, các chú hay phạm điều ấy lắm”.
Gần khuya, trăng lạnh, sương nhiều. Các vị trí địch bị màn sương bao phủ. Đoàn thuyền lại thong thả trở về. Nhìn trăng, Hồ Chủ tịch đọc:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang Xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Cụ đọc xong ông Xuân Thủy nói: “Thưa Cụ, xin Cụ cho phép dịch nôm để đăng báo”.
Cụ bảo “Trong câu thứ hai có “Xuân thủy” vậy Xuân Thủy dịch đi!”
Bài thơ được đồng chí Xuân Thuỷ - Chủ nhiệm báo Cứu Quốc thời ấy dịch:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Chiến dịch Biên giới năm 1950 thắng lợi, Việt Nam không còn chịu cảnh “chiến đấu trong vòng vây” nữa mà đã đến được với các nước anh em, bè bạn. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, như trong thơ Chúc Tết năm 1951 của Bác (đăng trên báo Cứu Quốc số 1748 - Xuân Tân Mão) như sau:
Xuân này kháng chiến đã năm xuân,
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công.
Toàn dân hăng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời.
Cho đến mùa Xuân này, thơ Xuân của Bác Hồ trên báo Cứu Quốc, hay nói đúng hơn là toàn bộ tư liệu về Bác Hồ trên báo Cứu Quốc vẫn là nguồn tư liệu quý giá để làm rõ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, về thu phục người tài và đại đoàn kết dân tộc. Là tờ nhật báo lớn nhất nước suốt những năm giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp, Cứu Quốc có sứ mệnh đặc biệt, là nguồn tư liệu lịch sử chân thực và vô cùng quý giá về lịch sử nước nhà và về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.