Thông điệp từ tranh minh họa

Quỳnh Chi 06/09/2020 10:00

Có thâm niên mấy chục năm làm xuất bản, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho rằng, bìa sách và các xuất bản phẩm của ta ngày càng đẹp, cập nhật với công nghệ thế giới nhưng cũng đã xuất hiện những lệch chuẩn thẩm mỹ đồ họa. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cũng là một gương mặt gắn bó với các minh họa trên báo chí.

Đêm Trung thu - một bức tranh đẹp của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

1. Có thời điểm, bước vào hiệu sách, lật 10 cuốn sách mới thì gặp tới 6-7 cuốn do họa sĩ Ngô Xuân Khôi làm bìa. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết, một bìa sách đẹp là bìa sách đảm bảo những yếu tố về màu sắc, hình ảnh, bố cục, kiểu chữ... phù hợp với nội dung cuốn sách, đồng thời phải có nét độc đáo bắt mắt và sáng tạo. Cũng như làm thơ, bìa sách phải tìm được cái tứ, phát hiện điểm mấu chốt, hồn cốt của cuốn sách để tạo nên một cấu trúc hài hòa.

Thường xuyên vẽ minh họa và làm bìa sách cho các nhà văn, nhà thơ nên anh cũng có nhiều kỷ niệm và quen biết thêm nhiều gương mặt văn nghệ. Anh kể: Một lần tôi vẽ minh họa truyện cho tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau khi truyện được in, tác giả truyện ngắn liên hệ với tôi xin được lưu giữ bản gốc của minh họa làm kỷ niệm. Tác giả này là nhà văn Nguyễn Hiệp ở Bình Thuận. Tôi đồng ý và hứa sẽ gửi tranh cho anh bằng đường bưu điện. Tranh vẽ trên giấy xuyến chỉ, tôi cứ cầm đi cầm về chưa ra bưu điện gửi được, dạo ấy thời tiết mưa nhiều, nước mưa thấm loang lổ vào tranh. Khi nhận tranh nhà văn nhắn: “Mình nhận được tranh rồi, nhìn tranh cảm động lắm vì cái tình”.

Gắn bó với công việc làm bìa suốt mấy chục năm qua, chứng kiến biết bao thăng trầm của ngành xuất bản, họa sĩ Ngô Xuân Khôi nhận ra sự thay đổi rất nhiều của bìa sách. Dù chỉ là “cái áo” bên ngoài, nhưng ngày càng được các đơn vị làm sách đầu tư. Anh cho rằng, sở dĩ sự đầu tư cho bìa sách ngày càng được các đơn vị xuất bản chú ý là do sự cạnh tranh trên thị trường sách. Bên cạnh đó, việc ra đời các nhà sách tư nhân thúc đẩy việc cạnh tranh chiếm thị phần diễn ra khốc kiệt. Nhu cầu của độc giả ngày càng đòi hỏi cao hơn. Việc cập nhật các công nghệ, vật liệu mới trợ giúp đắc lực cho các đơn vị xuất bản khuyến dụ người mua sách.

Bìa sách và các xuất bản phẩm của ta ngày càng đẹp, cập nhật với công nghệ thế giới đó là điều đáng mừng tuy nhiên họa sĩ Ngô Xuân Khôi vẫn có đôi điều băn khoăn về sự cầu kỳ của bìa sách hiện nay. Đó là xuất hiện những lệch chuẩn thẩm mỹ đồ họa. Các nhà sách chạy theo thị hiếu thị trường nhiều hơn là giúp bạn đọc nâng cao thẩm mỹ. Các vật liệu xuất hiện trên bìa sách đánh lừa giá trị nội dung cuốn sách, nhất là mảng sách dành cho thiếu nhi. Có những nhà sách người làm bìa không được đào tạo chuyên ngành mỹ thuật làm bìa khá ngô nghê nhưng lại lầm tưởng đấy là sự sáng tạo.

2. Bên cạnh làm bìa sách, họa sĩ Ngô Xuân Khôi còn tham gia vẽ minh họa cho nhiều tờ báo. Anh minh họa từ truyện ngắn của các nhà văn lão làng cho tới tác phẩm mới của các cây bút trẻ. Không chỉ minh họa truyện ngắn, họa sĩ Ngô Xuân Khôi còn minh họa bút ký, thơ… Thời 4.0, khi công nghệ phát triển, nhưng anh vẫn quen với vẽ minh họa bằng tay.

“Minh họa vẽ bằng các phần mềm máy tính rất hữu hiệu và công năng, nhưng minh họa văn chương tôi vẫn thích vẽ tay vì nó rung hơn, cảm xúc hơn, nhuần nhụy và ra được cái đặc trưng của từng chất liệu vẽ”- họa sĩ Ngô Xuân Khôi bày tỏ.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi bắt đầu việc vẽ minh họa chuyên nghiệp cho báo chí cách đây hơn 20 năm, ban đầu cộng tác với báo Văn nghệ. Từ đó đến nay Ngô Xuân Khôi gắn bó với công việc minh họa báo chí, và trở thành một người vẽ có duyên, thường xuyên nhận được lời mời cộng tác.

Theo anh, minh họa theo cách hiểu thông thường là vẽ để làm “sáng”, làm rõ nội dung truyện, nhưng không chỉ đơn giản và thuần túy vậy. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi quan niệm, minh họa là một đơn vị thông tin độc lập và hoàn chỉnh, chứ không chỉ đóng vai trò phụ họa cho bài báo, càng không thể chỉ để lấp chỗ trống.

“Minh họa báo chí là một yếu tố quan trọng trong cấp độ đọc đầu tiên, thu hút sự chú ý tức thì của độc giả. Một hình minh họa tốt sẽ “giữ chân” độc giả và dẫn dụ họ đến với truyện, với câu chữ. Không chỉ là thông tin thông thường, minh họa còn có thể tạo ra một mối liên hệ đặc biệt, mối liên hệ cảm xúc, giữa tác giả với họa sĩ, giữa tác giả với độc giả, giữa tờ báo với bạn đọc”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi chia sẻ.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi bảo, lần nào nhận được tác phẩm do các tòa soạn chuyển tới nhờ minh họa anh cũng phải đọc kỹ. Thời gian đọc có khi lâu hơn thời gian vẽ minh họa. Vì phải đọc, phải nuôi dưỡng cảm xúc và tìm ý tưởng thể hiện minh họa, rồi tính toán xem dùng bút gì, giấy dó hay giấy xuyến chỉ minh họa cho phù hợp với “chất” của từng tác phẩm văn chương.

Dù vẽ nhiều, nhưng họa sĩ Ngô Xuân Khôi thừa nhận, tên tuổi của tác giả, chất lượng của tác phẩm văn học có tác động đến việc hoàn thành những tác phẩm minh họa của mình.

“Tôi thường vẽ theo cảm xúc mà truyện mang đến. Truyện hay và có nhiều chi tiết, nhiều tình huống sâu sắc, gay cấn sẽ gợi ý, tạo hưng phấn rất nhiều cho người vẽ. Những truyện có nội dung và vùng miền địa lý mà mình am hiểu, có vốn sống càng thích thú, tự tin. Tạo âm hưởng văn hóa, không gian và thời gian mà các nhân vật trong truyện đang đang sống là điều tôi luôn chú ý, cố gắng tạo dựng cho bức vẽ”, họa sĩ nói.

Với họa sĩ Ngô Xuân Khôi, minh họa đôi khi là sự nối dài của truyện, nghĩa là không chỉ vẽ những gì được tả kể trong truyện mà nó là chắp nối sự liên tưởng, gợi mở những thông điệp mà câu chuyện muốn chuyển tải. Nhiều họa sĩ bản lĩnh và cá tính mạnh họa thường “áp đặt” minh họa, nghĩa là truyện gì, tác giả nào họ cũng vẽ theo lối ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông điệp từ tranh minh họa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO