Tiền Việt vững giá trong dòng xoáy bất ổn

Thúy Hằng 01/09/2020 08:00

Căng thẳng chính trị giữa các quốc gia lớn leo thang, giá vàng tăng vọt, USD lao dốc, kinh tế toàn cầu có nguy cơ đi vào khủng hoảng… Rất nhiều biến động xảy ra trên thị trường tài chính toàn cầu ngay đầu năm mới 2020, nhưng Đồng Việt Nam (VND) vẫn ổn định.

Giá trị của dồng tiền Việt Nam được giữ vững.

Từ nền kinh tế vàng hoá, đô la hoá...

Khi vàng tăng giá, người Việt không còn cảnh xếp hàng đổ xô mua vàng, bán vàng. Khi bất động sản lên cơn sốt, tiền gửi tiết kiệm vẫn hút khách. Tỷ giá ít biến động để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm xuất nhập khẩu. Đồng VND đang tỏ ra mạnh mẽ trước những cơn gió ngược!

Còn nhớ thời điểm 2009, 2011, Chính phủ đã phải rất nỗ lực để chống đô la hoá nền kinh tế, cũng như vàng hoá nền kinh tế.

Đầu tiên là nền kinh tế đô la hoá. Vào những năm của thập kỷ 90, dường như như thước đo của hàng hoá là đô la. Một thống kê từng đưa ra vào quãng thời gian này, mức độ đô la hoá của nền kinh tế lên tới 30%. Nguyên nhân của tình trạng đô la hoá một thời là do chưa cân bằng lợi ích nắm giữ giữa đồng VND và USD, trong đó do biến động về tỷ giá, lãi suất thực tế và kỳ vọng, nhất là khi VND chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, lạm phát của Việt Nam tương đối cao so với các nước trên thế giới và khu vực.

Nhưng nỗi lo đô la hoá nền kinh tế đã được gác lại khi Ngân hàng Nhà nước thu hẹp lại quy mô tín dụng ngoại tệ. Đi đôi với việc giám sát và xử lý nghiêm việc thực hiện các quy định về quản lý ngoại hối, đảm bảo trên đất Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam, các ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế được phép huy động ngoại tệ nhưng lãi suất bằng 0, trong khi đó nâng cao lãi suất tiền VND, từ đó hạn chế nắm giữ ngoại tệ, chuyển sang nắm giữ VND.

Dứt nỗi lo đô la hoá nền kinh tế, năm 2011 Việt Nam tiếp tục đối diện với nỗi lo vàng hoá. Dẫn lại một vài con số mới khiến chúng ta giật mình. Theo đó các con số về nhu cầu vàng của Việt Nam và lượng vàng nhập khẩu vàng chính thức hàng năm vào Việt Nam của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, VIệt Nam là một trong những quốc gia có mức nhập khẩu vàng hàng đầu trên thế giới và tăng đáng kể từ những năm 2005 đến năm 2011. Những năm trước đó, hàng năm Việt Nam chỉ nhập khẩu dưới 50 tấn vàng thì từ sau 2005 lượng vàng nhập khẩu trung bình hàng năm của Việt Nam đã tăng lên trên mức 50 tấn, cá biệt có năm lên tới trên dưới 100 tấn. Chưa kể lượng vàng giao dịch hàng ngày qua các hãng vàng trong nước cũng lên tới hàng ngàn lượng.

Dường như tâm lý “mua vàng đút lọ” thường trực trong mọi người dân Việt Nam. Chính Ngân hàng Nhà nước cũng đã ước tính, vẫn còn một lượng vàng rất lớn ở trong dân khoảng 300 - 500 tấn. Ngay trong thời điểm hiện tại của năm 2020 Ngân hàng Nhà nước cũng rất trăn trở với đề án huy động vàng trong dân. Từ khi Chính phủ kiên quyết chống đô la hóa đến năm 2011, thị trường vàng miếng lại sôi động.

Nhưng rồi, nền kinh tế cũng không bị vàng hoá. Bằng chứng là trong giai đoạn hiện tại, khi mà giá vàng có thời điểm vọt lên 62,5 triệu đồng/lượng thì không còn cảnh rồng rắn xếp hàng giao dịch vàng.Theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm. Ghi nhận mua bán ngoài thị trường chỉ ở mức thấp và nhỏ lẻ. Giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới.

Theo Ngân hàng Nhà nước, với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.

Đến cú sốc đồng NDT mất giá

Bàn đến sự ổn định của tiền đồng, cũng phải kể đến cú sốc đồng nhân dân tệ (NDT) bị phá giá vào giữa năm 2019. Tính ra trong năm 2019, đồng NDT đã giảm giá khoảng 7% và là đồng tiền giảm giá mạnh nhất khu vực châu Á. NDT mất giá được cho là khó tránh áp lực lên tỷ giá VND/USD.

Từ sự kiện cú sốc đồng NDT kéo theo sự căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần (năm 2018), sau đó lại giảm lãi suất 3 lần (năm 2019), làn sóng cắt giảm lãi suất và phá giá đồng nội tệ lan rộng kéo theo nguy cơ chiến tranh tiền tệ toàn cầu, căng thẳng Mỹ - Iran lên cao, thị trường chứng khoán nhiều quốc gia liên tục sụt giảm…

Trong bối cảnh thế giới biến động khôn lường, thị trường tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá trong nước vẫn giữ được ổn định. Tỷ giá đã không chao đảo. Chính sách điều hành tiền tệ uyển chuyển và linh hoạt trong ngắn hạn, kiên định trong dài hạn đã giúp thị trường ngoại hối trong nước nói riêng, nền kinh tế vĩ mô nói chung những năm vừa qua ổn định, là điểm sáng của nền kinh tế

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Thị trường ngoại hối tương đối ổn định, tỷ giá diễn biến bám sát điều kiện thị trường…

Đồng VNĐ đang mạnh lên

Công ty Quản lý quỹ VinaCapital từng công bố nghiên cứu về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam, điểm đáng chú ý của nghiên cứu có bàn đến tác động hạn chế của dịch này đối với VND. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, VinaCapital dự báo VND sẽ bắt đầu mạnh lên kể từ năm 2021 dựa trên thực tế về thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam và dự trữ ngoại hối trong 9 năm qua.

Theo các chuyên gia của quỹ đầu tư này, VND sẽ không giảm giá mạnh như trong giai đoạn 2009 - 2011. Thực tế, trong năm nay, VND đã ổn định đáng kể trong so sánh với các đồng tiền trong khu vực.

Đáng chú ý, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã tích được nguồn dự trữ ngoại hối lên đến 20 tỷ USD, cộng thêm khoảng 5 tỷ USD từ đầu năm đến nay, nâng tổng số dự trữ ngoại hối lên trên 84 tỷ USD tương đương 33% GDP.

Hiện nay các nhà điều hành chính sách của Việt Nam đặt mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư.

Trở lại với bối cảnh kinh tế hiện nay cho thấy, kinh tế diễn biến phức tạp do ảnh hưởng với đại dịch Coivd 19, đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách tỷ giá. Song kinh nghiệm điều hành khéo léo của cơ quan quản lý tiền tệ những năm qua phần nào đem lại sự yên tâm cho người dân và nhà đầu tư.

Cập nhật số liệu mới nhất khi thực hiện bài viết vào ngày 20/8 cho biết, tỷ giá mua, bán VND/USD niêm yết trên website của Ngân hàng Ngoại thương niêm yết ổn định ở mức 23.090/270 VND/USD.

Giới chuyên gia phân tích, Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố có thể hỗ trợ tỷ giá ổn định. Thời gian qua, mức giảm giá của VND dự báo sẽ chỉ ở mức 2 - 3%/ năm.

Một thống kê từ BVSC, các đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền của các thị trường mới nổi là đồng rupiah của Indonesia (-19%); bath của Thái-lan (-9,7%); won của Hàn Quốc (-6,4%), rupee của Ấn Độ (-6,3%); đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm 1,8% so USD. Xét trong bối cảnh đó, việc VND chỉ mất giá 2% so USD được xem là chấp nhận được.

Theo Công ty chứng khoán MSB, chính sách tỷ giá của NHNN là phù hợp với cân đối vĩ mô và cung cầu thị trường. Chính các động thái bơm tiền mạnh mẽ của Fed và hạ lãi suất về mức 0% đã giảm áp lực lên VND cũng như các đồng tiền khác của các quốc gia mới nổi. Dự trữ ngoại hối ở mức cao và cán cân thanh toán thặng dư là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho NHNN giữ ổn định tỉ giá.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu và TS Nguyễn Xuân Thành cho một số ý kiến như sau:

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Trong bối cảnh hiện nay việc đầu tư tiền nhàn rỗi vào kênh gửi tiết kiệm, hay các kênh khác (chứng khoán, địa ốc, vàng và ngoại tệ) phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư. Theo tôi, kênh tiền gửi tiết kiệm là rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công và Quản lý Trường ĐH Fulbright: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng tiền của các nước trong khu vực ASEAN biến động mạnh so với đồng USD. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD không thay đổi mặc dù NHNN chưa phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, bởi NHNN áp dụng chính sách điều hành linh hoạt thông qua tỷ giá trung tâm.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền Việt vững giá trong dòng xoáy bất ổn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO