Quảng Nam: Xâm hại rừng có dấu hiệu gia tăng

Tấn Thành 01/06/2019 08:00

Qua 5 tháng triển khai Kế hoạch số 43 ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam, lực lượng chức năng lập hồ sơ 202 vụ vi phạm; tịch thu 247,4m3 gỗ các loại; tạm giữ 19 xe ô tô, 20 xe mô tô và ghe máy; phá hủy 98 lán trại, 38 máy nổ… Qua đó cho thấy những vụ việc xâm hại rừng ở Quảng Nam có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt từ dịp Tết Nguyên đán đến nay.

Quảng Nam: Xâm hại rừng có dấu hiệu gia tăng

Gỗ đã xẻ thành tấm lâm tặc bỏ lại ở rừng thuộc xã Trà Leng.

Trước tình hình trên, đầu tháng 4/2019, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục ban hành Công văn số 1722 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 43, ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh về mở đợt cao điểm kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp. Thế nhưng những vụ việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn liên tiếp xảy ra và lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện các vụ phá rừng và bắt gỗ lậu trên sông, trên các tuyến đượng từ miền núi về xuôi.

Như vụ tàn phá rừng ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, hay như vụ phá rừng ở 2 thôn Pà Căng và Bến Giằng thuộc xã Cà Dy, huyện Nam Giang vào tháng 4 vừa qua. Tại khoảnh 3, 6, 9 tiểu khu 324 và khoảnh 3 tiểu khu 323 tại thôn Pà Căng, lực lượng chức năng phát hiện 8 cây gỗ bị chặt hạ trái phép, thiệt hại 12,876 m3, gỗ tại hiện trường 4,735 m3. Tại khoảnh 6, 9 tiểu khu 314, thôn Bến Giằng phát hiện 4 cây gỗ bị chặt hạ trái phép, khối lượng gỗ thiệt hại 4,519 m3, khối lượng gỗ còn tại hiện trường 1,157 m3 gỗ xẻ…. rất nhiều vụ tương tự mà Đại Đoàn Kết đã liên tục phản ánh.

Điều đáng nói, hầu hết vụ xâm hại rừng tự nhiên đều thuộc quản lý của các Ban quản lý rừng phòng hộ, hay nằm trong lâm phận được giao khoán bảo vệ. Như vụ phá rừng ở thôn Pà Dá và thôn Bến Giằng (xã Cà Dy), số gỗ bị khai thác nằm trong diện tích rừng do UBND xã Cà Dy quản lý theo Nghị định 75, ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.

Hay như vụ phá rừng vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2019 vừa qua ở khoảnh 4, tiểu khu 677. Đây là khu vực được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn 2, xã Phước Năng, huyện Phước Sơn. Tiếp đến ngày 8/4, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Phước Sơn phát hiện tại khoảnh 12, tiểu khu 675 xã Phước Đức có 5 cây gỗ bị chặt hạ với khối lượng hơn 50m3. Khu vực bị xâm hại thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi và đã giao khoán cho cộng đồng thôn 4 (xã Phước Đức) bảo vệ…

Theo ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ cuối năm 2018 đến nay, số vụ phá rừng có chiều hướng gia tăng. Trong đó, lực lượng kiểm lâm đã xử lý 836 vụ, khởi tố 53 vụ án hình sự và thu nộp ngân sách nhà nước tiền phạt vi phạm 7 tỷ đồng. Còn lực lượng công an đã xử lý vi phạm hành chính 38 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, khởi tố 15 vụ án hình sự.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngành lâm nghiệp cần khắc phục, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm soát việc một số nơi lợi dụng chủ trương sắp xếp dân cư miền núi để lấy gỗ làm nhà; chưa có biện pháp xử lý triệt để việc xâm hại rừng tự nhiên. Đặc biệt, cần xóa bỏ các điểm nóng liên quan đến phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời điều tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm để bảo vệ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Xâm hại rừng có dấu hiệu gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO