Thất thoát, lãng phí - Làm sao ngăn chặn? - Bài 2: Liên hoàn dự án để... cỏ mọc

Trần Duy Hưng 13/06/2019 08:00

15 năm trước, người dân Nam Định, nhất là người dân các địa phương nằm ven QL 10, đoạn qua chạy qua địa bàn TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc rất phấn khởi khi lần lượt được chứng kiến nhiều dự án kinh tế, văn hóa, xã hội... được chính quyền cho triển khai tại đây. Nhưng thật trớ trêu, cho đến nay, hầu hết trong số các dự án trên vẫn đang trong tình trạng đầu tư dang dở hoặc bị bỏ hoang...

Thất thoát, lãng phí - Làm sao ngăn chặn? - Bài 2: Liên hoàn dự án để... cỏ mọc

Hơn 10 năm qua, phần lớn diện tích trong KCN Mỹ Trung được người dân tận dụng làm nơi thả trâu, bò.

Bỗng dưng thành nơi chăn thả trâu, bò

Tính từ cầu Tân Đệ, dự án (DA) “để cỏ mọc” đầu tiên có cái tên “rất kêu” là DA xây dựng “Trung tâm thương mại và Du lịch quốc tế đồng bằng sông Hồng”, do Công ty CP tập đoàn quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư trên diện tích đất rộng 20ha, thuộc địa bàn xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc. DA được khởi công xây dựng ngày 20/2/2008. Theo giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Nam Định, DA có số vốn đăng ký đầu tư lên tới 427 tỷ đồng, qui mô đầu tư xây dựng giai đoạn 1 bao gồm: Khu trung tâm thương mại, khu làng nghề thủ công truyền thống; khu dịch vụ khách sạn, nhà hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí, siêu thị, resort, biệt thự cao cấp, sân tập golf...Thời hạn hoàn thành đầu tư được ấn định đến hết năm 2012. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 11 năm DA được khởi công xây dựng, người dân địa phương không thấy một trung tâm nào được xây dựng, đi vào hoạt động ở đây. Thứ duy nhất đang hiện diện chỉ là hệ thống tường bao quanh khu đất rộng 20 ha do Tập đoàn Năm Sao dựng lên để giữ đất, bên trong cỏ dại mọc um tùm...

Vào thời điểm năm 2011, nhận thấy Tập đoàn Năm Sao không thực hiện đúng tiến độ đầu tư như cam kết, UBND tỉnh Nam Định đã ra văn bản đốc thúc, yêu cầu Tập đoàn này tập trung đầu tư hoàn thiện DA, nếu không sẽ thu hồi. Phải đến khi đó, bằng văn bản, Tập đoàn này mới “thú nhận” rằng đang gặp nhiều khó khăn; …

Không thực hiện được DA Trung tâm Thương mại-Du lịch, Tập đoàn Năm Sao quay sang xin tỉnh Nam Định cho chuyển đổi thành DA xây dựng Cụm công nghiệp. Những tưởng sau đó tại đây sẽ hình thành một Cụm công nghiệp như cam kết của Tập đoàn Năm Sao. Tuy nhiên, cho đến nay, Tập đoàn này không có thêm bất cứ hoạt động đầu tư nào khác tại đây. Ngày 7/6/2019, thông tin với PV, ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Nam Định cho biết hiện tỉnh vẫn “đang đợi” Tập đoàn này đầu tư tiếp. “Đến hết năm sau (năm 2020-PV) họ không đầu tư, tỉnh mới thu hồi” - ông Dũng cho hay.

Nếu như sau 15 năm, 20 ha đất dự định dùng để xây dựng khu đô thị, rồi khu Trung tâm Thương mại-Du lịch, rồi Cụm công nghiệp vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang thì 13 năm qua, phần lớn trong số 150 ha đất của cái gọi là KCN Mỹ Trung nằm liền kề cũng chỉ là nơi người dân địa phương tận dụng chăn thả trâu, bò. Năm 2006, UBND tỉnh Nam Định giao cho Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh (trước đây thuộc Tập đoàn Vinashin, nay thuộc TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) làm chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung (thuộc địa bàn xã Mỹ Trung-huyện Mỹ Lộc), với tổng mức đăng ký đầu tư gần 359 tỷ đồng. Để có đất giao cho Công ty Hoàng Anh, trước đó chính quyền tỉnh đã thu hồi đất nông nghiệp của nhiều hộ nông dân địa phương. Theo ông Trần Minh Hoan, Trưởng BQL các KCN tỉnh Nam Định, do nằm ở vị trí ven QL 10 đắc địa, khi đó chính quyền tỉnh Nam Định định hướng và kỳ vọng KCN Mỹ Trung sẽ được xây dựng trở thành KCN hiện đại, tập trung thu hút các DA sản xuất bằng công nghệ cao, tạo sự bứt phá về thu ngân sách cho tỉnh...

Sau khi được giao đất, Công ty Hoàng Anh đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây tường bao, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước. Tuy nhiên sau đó, với hàng loạt sai phạm, thua lỗ, dẫn tới việc Tập đoàn Vinashin bị sụp đổ. Hàng loạt dự án đầu tư của Tập đoàn, trong đó có DA đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung (thông qua công ty con là Hoàng Anh Vinashin) bị đình trệ. Trên thực tế, từ năm 2010 đến nay, Công ty Hoàng Anh đã dừng hẳn việc đầu tư tại đây. Hạ tầng không hoàn thiện nên hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN rất thấp; đến nay mới chỉ có 13 nhà đầu tư vào thuê tổng cộng hơn 26 ha; hơn 83 ha đất thương mại còn lại của KCN nhiều năm nay bị bỏ hoang; được người dân địa phương tận dụng làm bãi chăn thả trâu, bò.

Cũng theo Trưởng BQL các KCN tỉnh, dù rất muốn “đòi” lại đất KCN Mỹ Trung, nhưng cho đến nay tỉnh Nam Định vẫn không thể. Nguyên nhân, hiện Công ty Hoàng Anh đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 20 triệu USD, phần lớn trong số này có nguồn gốc từ nguồn Trái phiếu quốc tế. Mặt khác, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN Mỹ Trung từ lâu đã được Công ty Hoàng Anh mang đi thế chấp tại các ngân hàng. Do vậy, tất cả các phương án từ cho Công ty Hoàng Anh tuyên bố phá sản đến tìm kiếm nhà đầu tư mới thay thế công ty này đều không thực hiện được.

Bệnh viện thành tụ điểm hút chích

Nằm đối diện với KCN Mỹ Trung, DA BV Đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định cũng không kém phần tai tiếng về sự lãng phí. Sau mấy năm chuẩn bị, tháng 11/2007 BV này được tỉnh khởi công xây dựng trên diện tích đất rộng 9,3 ha thuộc địa bàn phường Lộc Hạ, TP Nam Định. DA do UBND tỉnh làm chủ đầu tư; Công ty CP xây dựng 504 (Vinaconex) và TCT Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đảm nhiệm việc thi công.

Tại thời điểm đó, tỉnh Nam Định kỳ vọng sau khi hoàn thành đây sẽ là BV lớn, hiện đại nhất vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Ban đầu DA có tổng mức đầu tư 598 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách, nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn khác. Đến tháng 11/2009, DA được điều chỉnh vốn đầu tư lên 850 tỷ đồng (tăng 252 tỷ đồng). Điều đáng nói là, theo kế hoạch, công trình phải được hoàn thành từ năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 12 năm được khởi công, BV được thiết kế hiện đại, quy mô 700 giường bệnh này chỉ là những khối nhà xây dựng dang dở ở dạng thô; xung quanh cỏ mọc um tùm; là tụ điểm hút chích của người nghiện; nơi qua đêm của người vô gia cư.

Thất thoát, lãng phí - Làm sao ngăn chặn? - Bài 2: Liên hoàn dự án để... cỏ mọc - 1

Nhiều năm qua, BV đa khoa 700 giường Nam Định trong tình trạng xây dựng dang dở.

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, bên cạnh những vi phạm của nhà thầu UDIC, nguyên nhân chính dẫn đến việc công trình lâm cảnh dang dở kéo dài là không được Trung ương tiếp tục bố trí vốn vì không nằm trong danh mục đầu tư công tại Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12 của Quốc hội; cũng không thuộc diện được đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ ngân sách Trung ương đã được tỉnh phân bổ cho các dự án khác. Ngân sách tỉnh thì quá khó khăn, không đủ lực tự hoàn thiện...

Cách đó không xa là DA “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần”. Đây cũng được xem là DA “điển hình” ở tỉnh Nam Định về sự chậm trễ, lãng phí. Theo đó, từ năm 2005, DA đã được Chính phủ phê duyệt, với tổng số vốn đầu tư lên đến 991 tỷ đồng. Để phục vụ dự án, tỉnh Nam Định đã thu hồi cả trăm ha đất nông nghiệp của nông dân xung quanh khu vực Đền Trần-Chùa Tháp. Tuy nhiên, phải 14 năm sau, vào đầu năm 2019 vừa qua, tỉnh Nam Định mới khởi công xây dựng được Khu trung tâm lễ hội; trước đó tỉnh mới chỉ thực hiện tu bổ được một số di tích phụ cận...

Chỉ ven một đoạn đường dài chưa đến 10 km ở địa phương mà có tới 4 DA trọng điểm trong tình trạng đầu tư dang dở, chậm trễ, bỏ hoang. Lãng phí về thời gian, đất đai, tiền bạc, cơ hội phát triển ở đây cùng nhiều hệ lụy xã hội khác, không thể đo đếm!

(Bài 3: Đất bỏ hoang... vì phát triển khu đô thị)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất thoát, lãng phí - Làm sao ngăn chặn? - Bài 2: Liên hoàn dự án để... cỏ mọc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO