Bạn đọc còn muốn tiếp cận từ phương diện khác

Nguyễn Hòa 08/05/2018 10:00

Từ góc nhìn của mình tôi nghĩ, ngày nay nhu cầu văn học của con người đã có sự thay đổi và nâng cấp, nhu cầu đối với văn học viết về chiến tranh cũng không nằm ngoài sự thay đổi và nâng cấp này. Đó là lý do để bạn đọc có đòi hỏi cao hơn về tác phẩm, nên vệt kéo dài của kiểu sáng tạo văn học về chiến tranh vốn khởi phát từ thời chiến tranh và có ý nghĩa to lớn trong thời chiến tranh, nay không còn thỏa mãn họ nữa.

Bạn đọc còn muốn tiếp cận từ phương diện khác

Đọc tác phẩm văn học viết về chiến tranh, thi thoảng tôi gặp chuyện vui vui. Đại loại như mô tả anh bộ đội có đôi bàn chân rất to, nhà văn nọ kể anh phải đi đôi giày cỡ 58. Hóa ra nhà văn nhầm giữa cỡ giày và cỡ mũ. Với bộ đội Việt Nam, cỡ giày to nhất chỉ 42, mũ 58 thì gần như là ngoại cỡ, vì vậy giày 58 chắc phải to như cái chảo! Nhà văn khác thì kể thời kháng chiến chống Mỹ, biệt động chiến đấu trong nội đô Sài Gòn, bị truy đuổi, các anh gắn súng AR15 vào ống xả xe Honda 67, vừa đi vừa bắn trả lại phía sau. Đúng là đến phim hành động của Hollywood cũng không thể hư cấu được pha oánh nhau kỳ tài đến vậy!...

Theo thời gian, tôi còn gặp không ít chuyện tương tự. Như trong một cuốn tiểu thuyết, nhà văn nọ kể trong các chiến dịch từ năm 1950 đến năm 1952 bộ đội Việt Nam xung trận cùng xe tăng. Gặp ông, tôi bảo bác nhầm đã đành, biên tập viên cũng không sửa giúp bác à? Nhưng ông lập tức bác bỏ, bảo rằng sau Chiến dịch Biên giới, quân đội đã được Liên Xô, Trung Quốc viện trợ xe tăng. Chán quá, tôi hỏi lại: “Thế theo bác, tại sao trận Làng Vây năm 1968 lại được coi là Ngày ra quân đánh thắng trận đầu của Bộ đội Tăng-Thiết giáp?”. Và ông im lặng!...

Đó là chưa kể chuyện đại loại như sống vào thời kỳ chưa có TV màu, chỉ có TV đen - trắng nặng hàng chục cân với bóng điện tử to bằng cổ tay mà nhân vật lại nhận xét nhau là “I-sê có vấn đề”; đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả cho biết nhân vật cụt hai tay vì bị máy ép mía cán đứt, đến giữa cuốn tiểu thuyết thì bỗng dưng nhân vật lại mọc ra hai tay để ôm một cô gái; rồi một nhà thơ phỏng vấn một nhà văn về nạn đói năm 1945, thấy bài phỏng vấn cho biết hồi đó phải chất xác người lên xe cút-kít để kéo đi chôn, tôi nói với nhà thơ: “Xe cút-kít chỉ có đẩy, kéo là lăn kềnh, làm sao kéo được”, nhà thơ trả lời: “Tôi ghi như nhà văn đã kể mà”. Đúng là bó tay!... Cho nên, dẫu không coi chi tiết không đúng với thực tế là yếu tố có thể làm sa sút giá trị tác phẩm văn học nào đó, nhưng tôi vẫn nghĩ đây là một biểu hiện của sự dễ dãi trong lao động nghệ thuật, và sai lạc nhỏ có thể đẩy người đọc tới sự thiếu tin cậy.

Đến gần đây, sau khi một số tác phẩm hồi ký, hồi ức về chiến tranh như Quảng Trị 1972 - Hồi ức của một người lính (Nguyễn Quang Vinh), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sĩ),… được xuất bản và bạn đọc khen ngợi, lại khiến tôi ngẫm nghĩ để trả lời câu hỏi: Vì sao thiếu vắng tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh, vì sao bạn đọc lại hâm mộ tác phẩm của người lính kể về đời chinh chiến của chính bản thân mình? Thật ra, tôi đã manh nha câu hỏi này từ ngày nhật ký của các anh chị Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Tiến Bình,… tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Theo tôi, trong các tác phẩm về đề tài chiến tranh xuất bản trước năm 1975, thì Mẫn và Tôi của Phan Tứ xuất sắc hơn cả; sau năm 1975 đến nay tác phẩm xuất sắc như vậy hầu như chưa có, chỉ có một số tác phẩm tạo tiếng vang một thời gian.

Điều đáng quan tâm là càng gần đây, tác phẩm viết về chiến tranh hầu như khá hiếm hoi. Không lạm bàn đến tài năng - yếu tố như “của trời cho” và không dễ có, chỉ bàn tới trải nghiệm chiến tranh thì phải chăng vốn liếng một số nhà văn tích lũy được đã và đang vơi mỏng? Vừa qua, một nhà văn xuất thân từ lính, có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh tâm sự với tôi rằng, tác phẩm anh viết là thể hiện ý muốn văn học hóa vốn sống, sự trải nghiệm chiến tranh của chính anh, và thẳng thắn thừa nhận nếu chỉ viết bằng vốn liếng trải nghiệm bản thân, ngày nào đó vốn liếng sẽ vơi mỏng; khi vốn liếng vơi mỏng thì chất lượng tác phẩm cũng suy giảm theo. Tôi coi đó là tâm sự thật lòng. Bởi về nguyên tắc, tích lũy vốn sống là một quá trình không chỉ dựa trên trải nghiệm bản thân, mà có thể bổ sung, làm phong phú qua tiếp xúc, hỏi người trong cuộc, đọc tư liệu, khảo sát thực tế… Để có thể sáng tác lâu dài, nhà văn không tự làm dày dặn, phong phú vốn sống có từ trước khi cầm bút, thì việc vốn sống dần dà vơi mỏng là khả năng khó có thể tránh khỏi.

Từ góc nhìn của mình tôi nghĩ, ngày nay nhu cầu văn học của con người đã có sự thay đổi và nâng cấp, nhu cầu đối với văn học viết về chiến tranh cũng không nằm ngoài sự thay đổi và nâng cấp này. Đó là lý do để bạn đọc có đòi hỏi cao hơn về tác phẩm, nên vệt kéo dài của kiểu sáng tạo văn học về chiến tranh vốn khởi phát từ thời chiến tranh và có ý nghĩa to lớn trong thời chiến tranh, nay không còn thỏa mãn họ nữa. Bên cạnh đó, dù tác phẩm văn học về chiến tranh xuất sắc đến mức nào, tính chân thực lịch sử bảo đảm đến đâu thì người đọc vẫn tiếp nhận tác phẩm với tính cách sản phẩm do nhà văn hư cấu, tưởng tượng. Họ hiểu câu chuyện của tác phẩm không phải vốn là như thế trong thực tế. Họ tiếp nhận để thỏa mãn nhu cầu về văn học và tôi tin, khi quá khứ chiến tranh còn đeo bám trong tâm trí của nhiều bạn đọc thì việc họ muốn tìm hiểu về chiến tranh từ phương diện khác như người lính thực sự sống như thế nào, thực sự chiến đấu ra sao, gian khổ họ trải qua cụ thể là gì, đâu là niềm vui và nỗi buồn, đâu là các suy nghĩ và tâm sự riêng tư vốn ẩn sâu trong thế giới tinh thần của mỗi người,… là điều bình thường. Nói cách khác thì người đọc chưa thỏa mãn khi đọc tác phẩm viết về chiến tranh từ hư cấu và tưởng tượng của nhà văn, mà họ còn muốn tìm hiểu cụ thể, trực tiếp qua lời kể của những người trong cuộc.

Và các tác phẩm Quảng Trị 1972 - Hồi ức của một người lính, Mùa chinh chiến ấy, Chuyện lính Tây Nam,… đã đáp ứng nhu cầu chính đáng đó. Đọc thì tôi hiểu, đó là những trang viết gan ruột, các anh trở về với quá khứ chiến trận, trực diện với nó để dựng lại một cách trần trụi, khốc liệt qua không khí rất riêng của đời quân ngũ trận mạc và về các trận đánh, không thi vị hóa cảm xúc, không lãng mạn hóa các sự kiện, đặc biệt là được kể bằng “ngôn ngữ lính tráng” không thể trộn lẫn, nếu không sống như lính, không trải qua như lính chắc chắn khó có thể chuyển tải…

Riêng với Nguyễn Ngọc Tiến, hơn mười năm trước, mỗi tuần vài buổi sáng ngồi café bên gốc cây xà cừ trên vỉa hè cạnh Nhà thờ Lớn - Hà Nội, tôi với anh đàm đạo vô số chuyện trên đời và trong những lần như vậy, anh kể về thời lăn lộn ở chiến trường. Năm 2017, được anh tặng tiểu thuyết Lính Hà là tôi đọc ngay. Đọc, tôi nhận ra những ký ức rời anh từng kể với tôi đã được tổ chức thành tác phẩm. Tôi đồ rằng anh không gọi đó là hồi ức vì các sự kiện, suy nghĩ ít nhiều đã được thực hiện qua thao tác kỹ thuật nghề nghiệp. Song các câu chuyện thì vẫn vậy, đậm nét cuộc sống lính tráng, nỗi gian truân sống - chết mà bạn tôi đã trải qua. Để rồi tôi vỡ ra một điều là ký ức về một thời chiến trận vẫn ám ảnh tâm trí Nguyễn Ngọc Tiến, khiến anh phải cầm bút.

Như ai đó đã nói chiến tranh là “thuốc thử” với phẩm chất, nhân cách, bản lĩnh con người. Đọc các trang viết cụ thể, trực tiếp càng hiểu người lính năm xưa đã vượt qua tất cả sao.

Lại nhớ cuối năm 1978, người bạn thân thiết của tôi về nhà cưới vợ. Vợ anh là y tá quân y viện gần nơi đóng quân. Anh chưa kịp thu xếp để vợ xuất ngũ thì bọn tôi lên Lạng Sơn. Một lần, biết tôi về nơi đóng quân cũ, anh vượt rừng đến nhờ tôi chuyển thư cho vợ. Mấy hôm sau, một buổi tối tôi sang quân y viện, thấy nhà cửa trống huếch, tối om, không bóng người. Rồi phát hiện ánh đèn leo lét ở dãy nhà cuối. Tìm đến thì biết đó là nơi các nữ y tá, trong đó có vợ bạn tôi, tập trung để sáng hôm sau lên Điện Biên.

Tôi vừa bước vào, vợ bạn tôi òa khóc. Tôi đưa thư, chuyện ít câu rồi chờ cô viết thư. Các cô khác bắt đầu người sụt sịt, người khóc to. Ngại quá, tôi ra đứng đầu hè. Lát sau vợ bạn đưa lá thư, nửa cân đường, tuýp thuốc đánh răng nhờ tôi chuyển cho chồng. Tôi ngậm ngùi chia tay mấy chị em. Hôm tôi đưa thư và quà. Đọc thư vợ, bạn tôi ngẩn người, không nói gì. Đó là lúc vợ chồng bạn tôi ở hai đầu của chiều ngang miền bắc, chồng Lạng Sơn, vợ Điện Biên.

Gần hai tháng sau, súng nổ khắp giải biên giới. Cả năm sau vợ chồng bạn tôi mới đoàn tụ. Khi hai con trai còn nhỏ thì bạn tôi mất, vì thế hai con dâu hầu như không biết gì về bố chồng. Nghe tôi kể lại, con dâu bạn tôi tâm sự qua email: “con đã có thể hình dung được cuộc sống thời các bố như thế nào, những khó khăn, vất vả, tình cảm mộc mạc đơn sơ mà chỉ ở thời các bố mới có. Mọi ký ức đều rất đẹp, rất đáng trân trọng. Thời chúng con bây giờ mọi thứ đã khác, tiền bạc, danh vọng đôi khi lấn át tình thân. Những gì các bố trải qua, tiền bạc không thể mua được”. Đọc thư, tôi bâng khuâng, lại mong các nhà văn cùng những người lính từng đi qua chiến tranh sẽ tâm huyết hơn, sẽ viết hay hơn, vì tác phẩm của họ không chỉ dành cho hôm nay, mà còn dành cho hậu thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạn đọc còn muốn tiếp cận từ phương diện khác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO