Cuộc đời thủ môn Bùi Đức - Đức 'Ba Xương'

Trần Kiến Quốc 22/07/2019 09:30

Để trở thành thủ môn chính của Thể Công, anh đã phải luyện tập gian khổ, say mê, không kể giờ giấc, nắng mưa. Hàng chục năm sau cánh con em sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu sống quanh Thành Hoàng Diệu vẫn nhắc lại hình ảnh giữa cái nắng chang chang trên sân Cột Cờ, thấy chú Bùi Đức có 2 cằm bạnh, đứng quay lưng vào phía trong cầu môn, khi nghe ông huấn luyện viên Liên Xô hô “phải, trái” rồi sút bóng thì chú nhanh chóng quay người lại, tung mình, ôm gọn quả bóng.

Cuộc đời thủ môn Bùi Đức - Đức 'Ba Xương'

Đội Thể Công trên sân Cột Cờ, Hà Nội, năm 1958, dưới sự dẫn dắt của HLV người Đức Close Werner (đứng bìa trái). Thủ môn Bùi Đức đứng sát cạnh ông Werner. (Ảnh tư liệu).

Theo cách mạng

Sinh ra và lớn lên ở thành Nam, sau ngày Hồ Chủ tịch kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, khi mới 15 tuổi (tháng 3/1947), chú bé Bùi Đức tình nguyện nhập ngũ và được phân về Chi tình báo Song Hà (Hà Nội - Hà Đông). Chú được giao làm liên lạc, đưa tin ra vào nội thành, sau đó được gài vào làm thuê cho gia đình hai anh em Lệ và Hòe - những sĩ quan phòng Nhì của Pháp. Năm 1949, bị lộ, cậu được lệnh trốn ra ngoài. Đến năm 1950, Bùi Đức được cấp trên cho đi sang Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, học tập tại trường Lục quân Việt Nam, kết thúc khoá học (1953), anh trở về đơn vị làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở vùng núi Sa Pa, Hoàng Su Phì thuộc các tỉnh biên giới Hà Giang, Lào Cai.

Khi còn là học viên trường Lục quân, anh đã tham gia đội tuyển bóng đá, vì vậy, anh được Tổng cục Chính trị gọi về đầu quân cho Thể Công (1955). Nhớ lại cuộc hành quân về với đội, ông kể: ”Tôi vừa mừng vừa lo, vì từ bé đến giờ chưa qua một trường lớp về bóng đá. Chia tay đơn vị, khoác ba lô đi bộ dọc theo đường số 2 từ vùng núi đá trùng điệp sát biên giới xuống miền trung du, về tới đồng bằng, quãng đường ngót nghét 300km. Đi đến đâu mệt thì nghỉ nhờ dân, đến bữa thì dân cho ăn… Phải đi mất hơn một tuần mới tới đầu cầu Long Biên”.

Trong đội hình Thể Công

“Đoàn công tác TDTT quân đội” (Thể Công) được thành lập ngày 23/9/1954, gồm 23 cán bộ, chiến sĩ của trường Lục quân làm nòng cốt cho 3 đội: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ. Sau đó, anh em ở Sư 338, Sư 312, Du kích Ba Tơ… được bổ sung về. Sau khi đá thử, huấn luyện viên Nguyễn Thông (trước đá cho Olympic Hải Phòng) phân công Bùi Đức đá tiền vệ. Có một lần, thủ môn Lê Nhâm bị đau tay, Nguyễn Thông biết anh chơi bóng rổ tốt nên cho bắt thử. Lần đó, anh đã thể hiện tài năng trước khung thành: ra vào, khép góc, quăng quật và ngăn chặn các cú sút của đối phương. Và nghiệp thủ môn đã gắn với Bùi Đức.

Nhưng để trở thành thủ môn chính của Thể Công, anh đã phải luyện tập gian khổ, say mê, không kể giờ giấc, nắng mưa. Hàng chục năm sau cánh con em sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu sống quanh Thành Hoàng Diệu vẫn nhắc lại hình ảnh giữa cái nắng chang chang trên sân Cột Cờ, thấy chú Bùi Đức có 2 cằm bạnh, đứng quay lưng vào phía trong cầu môn, khi nghe ông huấn luyện viên Liên Xô hô “phải, trái” rồi sút bóng thì chú nhanh chóng quay người lại, tung mình, ôm gọn quả bóng.

Có một kỷ niệm khó quên. Trước trận bán kết của Thể Công với Thanh niên Hoàng Diệu (đội cực mạnh có nhiều danh thủ miền Bắc trước 1945), Võ Đại tướng bất ngờ đến thăm khi anh em đang nghỉ trưa. Thấy ông đến, trực ban vội hô: “Nghiêm! Báo cáo…”. Đại tướng xua tay: ”Đang nghỉ trưa, ăn mặc thế này thì báo cáo cái gì. Thôi, cho tớ xem đội hình đá chiều nay”. Sau đó, ông giao nhiệm vụ phải thắng!

Trận đó, Thể Công ghi trước một bàn, nhưng trọng tài chính là người của Hoàng Diệu đã thổi phạt đền. Bùi Đức tung người bắt được quả phạt, nhưng trọng tài không công nhận vì cho rằng đã di chuyển trước khi bóng lăn. Đá lại, tỷ số: 1-1! Sau đó, Trương Tấn Nghĩa ghi bàn thì Thể Công lại bị phạt 11m. Tỷ số lại cân bằng 2-2. Cho dù trên sân, đội Hoàng Diệu chơi “12 cầu thủ”, nhưng anh em Thể Công đã hoàn thành nhiệm vụ Đại tướng giao. Trung phong khoác áo số 10 Ba Đô ghi 1 lèo 5 bàn. Hôm đó trên sân Cột Cờ, Thể Công chiến thắng với tỷ số 9-2.

Cuối năm 1956, Bùi Đức cùng nhiều anh em Thể Công có tên trong đội hình của đội tuyển Quốc gia đi thi đấu hữu nghị giải “Việt – Trung - Triều - Mông” tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Đội đã mang về cho đất nước chiếc huy chương Đồng đầu tiên.

Năm 1957, Tuyển Việt Nam sang Campuchia thi đấu giao hữu và trở về với 1 trận hoà và 1 trận thắng. Năm 1958, tại Lai-xích (CHDC Đức), Thể Công lần đầu tiên tham dự giải SKDA của quân đội các nước anh em. Ta đứng thứ 11 trên 12 đội.

Trong nước, Thể Công là đội đứng đầu trong các giải vô địch quốc gia với các cầu thủ tên tuổi của thế hệ thứ nhất như Trương Tấn Bửu, Ngô Xuân Quýnh, Phạm Tất Thắng, Bùi Đức, Trương Tấn Nghĩa, Thông, Tý “bồ”, Hối, Thiêm…

Đầu 1960, một số anh em Thể Công gồm Bửu, Đức, Đô, Nghĩa, Tâm, Thành “lùn”, Lai, Phán, Minh… được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gọi lên giao nhiệm vụ sang làm nòng cốt cho trường Huấn luyện TDTT Trung ương. Xao xuyến vì phải xa Quân đội, nhưng anh em đã được Chủ nhiệm động viên: Vì lợi ích Quốc gia, các đồng chí hãy hoàn thành nhiệm vụ!

Năm tháng gắn bó với Trường Huấn luyện

Từ đây, bắt đầu những tháng ngày luyện tập trong đội hình trường Huấn luyện và tham dự những lớp đào tạo do chuyên gia Liên-xô giảng dạy. Cùng giai đoạn, trong một trận thi đấu của giải Ganefo 1963 tổ chức tại Jakarta (Indonesia), do va chạm mạnh với tiền đạo bạn mà thủ môn Bùi Đức bị gãy ba chiếc xương sườn; vậy mà ông vẫn tiếp tục thi đấu đầy quả cảm. Từ đó, cái biệt danh Đức “Ba xương” chính thức “gắn chết” với tên tuổi ông.

Năm 1964, trong một lần lên công tác trên Thái Nguyên, 2 tuyển trạch viên Trường Huấn luyện mang theo bóng và lang thang đi xem các cầu thủ nhí đá trên hè phố. Trên sân Đồng Quang có lũ trẻ đang “đá phủi”, 2 ông xin vào cùng chơi. Lũ trẻ cũng định “chơi xấu” 2 cầu thủ già nhưng không được vì 2 chú đá rất khéo. Tan trận, trò chuyện với lũ trẻ, hỏi thăm có biết nhà thủ môn Nguyễn Văn Vĩnh (đang bắt cho Trường Huấn luyện) thì bọn trẻ con chỉ vào Trần Văn Khánh.

Ông đã về nhà Khánh, xin phép gia đình: “Nếu anh chị đồng ý cho Khánh về với chúng tôi thì khỏi cần sát hạch, kiểm tra sức khỏe. Chúng tôi vừa cùng chơi với cháu. Cháu có đầy đủ tố chất thể thao”. Năm ấy Trần Văn Khánh vừa tròn 15 và được gọi về đội trẻ Trường Huấn luyện.

Với khả năng và kinh nghiệm của mình, ông đã góp phần đào tạo Trần Văn Khánh trở thành thủ môn quốc gia. Trước khi thầy trò chia tay, ông căn dặn: “Cháu cố gắng luyện tập tốt, bắt thật giỏi. Điều này không chỉ tốt cho cháu, mà còn khỏi mang tiếng là chú đã đưa cháu về đội”.

Năm 1976, trong trận Thể Công đá giao hữu với Tuyển Bắc Kinh, Trần Văn Khánh bị chấn thương, sụp xương gò má, phải nằm điều trị tại Viện Quân y 108. Từ đơn vị về thăm Khánh, được nghe trò Khánh tâm sự: “Cháu đã làm tốt việc chú giao”.

Thế hệ đồng đội của Trần Văn Khánh và Nguyễn Trọng Giáp - lứa nhập ngũ 1965 đầu quân cho Thể Công: Nguyễn Thế Anh, Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Văn Nhật, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Viết Cầu, Nguyễn Duy Phú, Bùi Xuân Thêu, Vũ Đình Bội, Bùi Ngọc Chi, Trần Quốc Nghị, Đặng Ngọc Hùng… cùng lứa 1971: Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Đỗ Văn Phúc, Trần Văn Thành, Trần Viết Cường… đã làm rạng danh cho cái tên Thể Công và CLB Quân đội những năm 1970-80. Họ góp phần làm nên “Thế hệ Vàng” của bóng đá VN.

Trở về đơn vị

Khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ mở rộng ra miền Bắc, năm 1965, ông trở về sư đoàn 312 cho đến khi sư vào Nam chiến đấu. Năm 1967, ông được phân công về Mỹ Đức (Hà Tây) phụ trách lớp học tiếng Anh và tiếng Hàn cho bộ đội làm công tác khai thác tù binh.

Năm 1970, ông được cử về Đại học Kỹ thuật quân sự phụ trách môn Thể thao quân sự và xây dựng đội bóng đá. Dưới sự dẫn dắt của ông, đội Sao Đỏ đã trở nên nổi tiếng ở khu vực Vĩnh Phú, đá thắng các đội bóng trường Xây dựng, Kiến trúc, Bách khoa… trong giải Bộ Đại học và thắng 3-0 trước đội Hoá chất Việt Trì (đội từng vô địch hạng B miền Bắc).

Trong giải phong trào toàn quân năm 1974, Sao Đỏ đã gây bất ngờ cho những người đam mê bóng đá. Trong trận đá trên sân Cột Cờ với đội Bộ Tư lệnh Thủ đô, mặc dù tương quan lực lượng nghiêng về đội bạn, nhưng Sao Đỏ bằng chiến thuật “phòng ngự - phản công” đã thủ hòa với tỷ số 1-1, nhờ cú sút phạt xuất thần của tiền vệ Khúc Văn Nghi cách cầu môn đến 30m. Sau đó đá tiếp, loại đội Bộ Tư lệnh Thủ đô - đội mà Cục Quân huấn đang có nhiều hy vọng đưa lên thi đấu hạng A.

Từ năm 1977, ông trở về Phòng TDTT (Cục Quân huấn) để theo dõi các đội quân đội tham gia giải toàn quốc, xây dựng phong trào và làm công tác huấn luyện.

Về với đời thường

Cho đến 1983, sau 36 năm công tác, ông về với đời thường. Với lòng say mê nghề nghiệp, có thời gian ông huấn luyện cho đội trẻ Nam Định. Đến khi vào tuổi 70, ông thường đạp xe từ Nam Định đi Hải Phòng thăm viếng gia đình, bạn bè; hay đạp về Hà Nội mỗi lần kỷ niệm thành lập Đoàn TDTT Quân đội.

Một lần vừa đạp xe từ Hải Phòng về, nghe tin Thể Công “già“ (có Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Văn Nhật, Vũ Mạnh Hải, Trần Viết Cường…) về đá giao hữu với Lão tướng Nam Định. Ông xin phép đá cho đội hình Thể Công. Vẫn quăng, lộn cứu nhiều bàn thua trông thấy. Tiền đạo Thế Anh phải chạy từ hàng trên về bắt tay ông: “Đã ngoài 70, mà cụ bắt vẫn như ngày nào!”. Trận đó, Thể Công “già” thắng với tỷ số 8-4.

Chiều ngày 7/7/2014, lúc 14h30, cựu thủ môn Thể Công Bùi Đức đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở 32 Hàng Cau, Nam Định, hưởng thọ 83 tuổi.

Với đời sống giản dị, thanh bạch, không tham quyền cố vị, luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ trên giao, suốt cuộc đời cống hiến cho nền bóng đá nước nhà; cuộc đời ông xứng đáng là một tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc đời thủ môn Bùi Đức - Đức 'Ba Xương'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO