Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và một khu di tích đáng tự hào

Trần Phước Thuận 24/01/2017 09:10

Đã lâu lắm rồi, vào một đêm tối trời của mùa đông năm 1896, có hai mươi gia đình nông dân nghèo ở thôn Thuận Lễ (Tân An) vì không chịu nổi cảnh hà khắc ở địa phương nên đã lìa bỏ quê hương dìu dắt nhau về phía Nam để tìm nơi sinh sống, phương tiện di chuyển của họ là những chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản; đa số đã hư nứt, sứt mẻ phải chắp vá nhiều nơi, có chiếc không có mui phên để che mưa che nắng; vì vậy họ phải chật vật và vất vả lắm mới đến được vùng đất phía nam sông Hậu. Trong số này có gia

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. (Ảnh: Thu Đông).

Khi đến vùng đất mới, mỗi gia đình đã tự tìm nơi sinh sống, riêng gia đình ông Chín Giỏi tìm đến tá túc với một người bà con ở Gia Hội (Bạc Liêu), lúc này chú bé Cao Văn Lầu vừa tròn bốn tuổi. Đầu hôm sớm mai sống ở nơi xứ lạ quê người lại không có tiền bạc, nên hai vợ chồng ông Chín Giỏi và các con lớn phải làm thuê làm mướn cả ngày mới kiếm được cái ăn cái mặc, nhưng ở đây là xứ nghèo, cái nghề làm thuê làm mướn cũng không thích hợp, nên càng lúc gia đình ông Chín Giỏi càng gặp khó khăn đến nỗi cái ăn ngày hai bữa cũng không sao lo nổi…

Ngay từ thuở thiếu thời, ông Cao Văn Lầu đã lâm vào hoàn cảnh không may, cuộc sống bần hàn thiếu thốn. Cả nhà phải chịu cuộc sống lênh đênh, cơ cực… hết ở chỗ này lại dời sang chỗ khác, từ Gia Hội dời sang xứ Xà Phiên (nay thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) rồi lại dọn về Họng Chàng Bè (Giá Rai, Bạc Liêu)… Ở nơi đâu cũng gặp cảnh bốc lột đàn áp của cường hào ác bá, của phong kiến thực dân.

Gia đình ông lại dọn nhà về chợ Bạc Liêu. May mắn thay! Nơi đây gặp được một người tốt bụng, đó là Hương sư Chơn ở làng Vĩnh Lợi tổng Thạnh Hòa đã cho gia đình ông một căn chòi và 8 công đất gần chùa Vĩnh Phước An (nay là một phần của khu di tích Nhạc sĩ Cao Văn Lầu).

Cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này từ buổi thiếu thời đã nhuốm màu bi kịch, nhưng đẹp tựa bài thơ, chưa đến mười tuổi đầu phải mò cua bắt ốc, lớn thêm một chút phải đào đất xên mương, có một lúc còn phải làm chú tiểu ở chùa, sáng chiều kinh kệ… Nhưng có lẽ chính những lúc bi đát nhất của cuộc đời đã tạo cho ông một ý chí kiên cường, một tinh thần vững chắc. Cái sở thích đờn ca của ông, cuối cùng cũng được toại nguyện, một cuộc hội ngộ thần kỳ của ông và Nhạc Khị, một thầy đờn nổi tiếng nhất vùng Bạc Liêu lúc bấy giờ, ông đã được vị thầy đờn huyền thoại này nhân làm học trò. Kể từ đây cuộc đời của Cao Văn Lầu đã sang trang sử mới.

Nhạc Khị đã chọn một chủ đề đầy tính bi kịch để gợi cảm hứng cho học trò, đó là một hình ảnh rất quen thuộc trong thời kỳ ấy – người phụ nữ mỏi mắt trông chồng ngoài mặt trận – hình ảnh Chinh phụ vọng chinh phu được ông rút ra từ nội dung bài Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn để hướng dẫn các môn sinh sáng tác.

Cao Văn Lầu đã sáng tác một nhạc khúc rất độc đáo, nhưng chưa kịp đặt lời thì phải chứng kiến một cảnh đau lòng – có thể nói đau lòng nhất trong cuộc đời của ông, vì người vợ trẻ từ lúc về nhà chồng đến nay đã tròn ba năm mà chưa có dấu hiệu thai nghén, theo phong tục xưa thì người phụ nữ như thế đã phạm vào một trong bảy đại tội, gọi là Thất xuất, theo lệ thường phải bị đuổi ra khỏi nhà. Ông bà Chín Giỏi mặc dù rất thương con thương dâu nhưng lại bị ám ảnh quá nặng nề bởi cái cổ lệ này, sợ con trai của mình bị tuyệt tự phải mang trọng tội với tổ tiên, nên đành cắn răng trả con dâu về nhà cha mẹ ruột. Cao Văn Lầu mặc dù rất thương yêu vợ mình, nhưng vì chữ hiếu phải đành ngậm ngùi chia tay với người bạn đời - người đã từng chia sẻ ngọt bùi với ông trong ba năm chăn gối.

Ông lại tiếp tục đặt lời theo đúng chủ đề Chính phụ vọng chính phủ do thầy đã chọn, nhưng khi đặt được vài câu thì hình bóng của người vợ hiền lại lóe lên rõ mồn một trong tâm trí ông như than vãn dặn dò: “Lòng dầu say ong bướm, xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang” hoặc nhắn nhủ tình lang như: “Xin đó chớ phụ phàng, chàng – chàng có hay”. Mặc dù ông Cao Văn Lầu cố gọt giũa thế nào trong lời ca 20 câu của ông vẫn là sự hòa nhập giữa hình bóng người chinh phụ đang chờ chồng nơi biên ải và hình bóng người vợ bình dị yếu đuối của ông. Bản Dạ cổ hoài lang đã ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế, nên từ nhạc điệu đến lời ca đều thật tuyệt vời, một bản nhạc lòng – một bản tình ca bất hủ.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Từ đó đến năm 1974 Cao Văn Lầu tiếp tục sáng tác thêm được 10 bản nữa nhưng đa số cũng chỉ lưu hành ở Bạc Liêu, chỉ riêng bản Dạ cổ hoài lang không dừng lại ở nguyên dạng như các bản cổ nhạc khác mà dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản Vọng cổ làm thay đổi một phần lớn bộ mặt Cải lương. Đây cũng là điều tối ưu của nó, có lẽ là do tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị rất hợp với người Nam bộ; hình ảnh người chinh phụ ở đây đã thực sự hòa nhập vào cuộc đời thường, phản ánh đúng tâm trạng yếu đuối của người phụ nữ khi xa chồng, nhất là trong những hoàn cảnh bắt buộc phải rẽ thúy chia duyên. Có lẽ chính cái “tính thường” này đã làm rung cảm người nghe, đã tạo sự chú ý cho nhiều soạn giả, cho nên nó dần dần được phát triển thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32... và được gọi tên là Vọng cổ một bản cổ nhạc trụ cột của cải lương Nam bộ...

Người nhạc sĩ thân yêu nay đã ra đi biền biệt về cõi vĩnh hằng, nhưng cái công bảo tồn văn hóa truyền thống và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vẫn còn in đậm trong lòng người. Nhà nước và nhân dân Bạc Liêu luôn ghi khắc, năm 1997 đã ra quyết định thành lập khu di tích Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, năm 2013 đã nâng cấp thành khu di tích quốc gia, tọa lạc ngay trên vùng đất ngày xưa ông và gia đình sinh sống. Đồng thời có một con đường thật dài từ sông Bạc Liêu ra biển được mang tên Cao Văn Lầu. Hiện nay tại quận 5 thành phố Hồ Chí Minh cũng có một con đường mang tên ông. Ông còn được, UBND tỉnh Bạc Liêu đã truy tặng bằng Tuyên Dương tại lễ Khánh thành Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngày 25 tháng 4 năm 2014, trong thời gian Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất đang diễn ra tại Bạc Liêu.

Sự ra đời Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu được nhà nước đầu tư xây dựng, vừa để tri ân một nghệ nhân tiền bối, cũng vừa để khẳng định Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi đã hình thành và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử và Sân khấu Cải lương Nam bộ. Khu di tích gồm nhiều hạng mục, từ ngoài nhìn vào là đài Nguyệt cầm được xây dựng bằng đá, ở vị trí trung tâm và cao nhất là biểu tượng cây đờn kìm cách điệu – chiếc đờn đứng đầu Tứ tuyệt (kìm, cò, bầu, tranh) trong Đờn ca tài tử. Xung quanh vách tường bên ngoài ghi tên 20 bản Tổ của Đờn ca tài tử. Trước đài Nguyệt cầm có chiếc cầu thang nhiều bậc, tượng trưng cho sự phát triển của bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 lên nhịp 4 và các bản Vọng cổ nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64. Phía sau đài Nguyệt cầm là bức tượng của Nhạc sĩ Cao Văn Lầu với tư thế đang ngồi ôm chiếc đờn kìm trông rất uy nghi và trang nhã. Mỗi một phần, một khu vực trong khu di tích đều bao hàm những nét văn hóa đặc thù, không những làm say mê du khách, mà còn làm tiền đề cho những nhà nghiên cứu văn hóa đến tham quan. Vườn tượng nhạc cụ dân tộc đã nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của Đờn ca tài tử. Nhà trưng bày Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ có thể nói là cái kho lưu giữ hàng trăm hiện vật và tài liệu quý của nhiều thế hệ nghệ nhân nghệ sĩ phương Nam. Nhà trưng bày Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là nơi lưu giữ hầu hết tác phẩm, sách vở, hình ảnh của Hậu Tổ và huynh đệ đồng môn của cụ…

Từ một ngôi mộ nhỏ ở cạnh nhà, đến nay là khu di tích cấp quốc gia uy nghi đồ sộ trên một diện tích 10.500m2 với 21 hạng mục đã được thiết lập từ lúc khởi công. Sự xuất hiện của Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một minh chứng hùng hồn về vị trí đặc biệt của Đờn ca tài tử Nam bộ tại Bạc Liêu, một đặc điểm văn hóa đã đi vào lòng người và đã gắn liền với đời sống dân tộc. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và nhân đân ở đây đã thực hiện ý nghĩa ăn trái nhớ kẻ trồng cây, đồng thời cũng phát huy thế mạnh của văn hóa trong quá trình phát triển tỉnh nhà, góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về văn hóa và du lịch. Mới đây, trong Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu được chọn là một trong bảy điểm du lịch quốc gia.

Cuộc đời Nhạc sĩ Cao Văn Lầu mang đầy tính bi kịch làm xúc động lòng người, Dạ cổ hoài lang một bản nhạc lòng bất hủ, khu lưu niệm mang tên người nhạc sĩ. Chủ trương xây dựng khu lưu niệm hoàn toàn phù hợp với thực tế, đáp ứng được những yêu cầu cần thiết cho khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu một nơi xứng đáng tự hào không những cho người Bạc Liêu mà còn cho cả giới Đờn ca tài tử và sân khấu Cải lương trên mọi miền đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và một khu di tích đáng tự hào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO