Thời gian ánh sáng

Nguyễn Quang Hưng 01/12/2018 09:05

Khi tôi viết đến đây thì trung thu đã qua rồi. Nhưng cũng chẳng sao, vì hình ảnh đoàn trẻ rước đèn mang một vùng ánh sáng trên đầu có thể trôi hết đêm rằm tháng Tám, kéo sang tối hôm sau, bước vào tối mùng một tháng tới và đến những đêm rằm khác. Như những câu chuyện đẹp về con trẻ cùng thương yêu và giấc mơ no đủ, vui tươi mà người đời dành cho chúng, có thể được truyền nhau kể mãi.

Thời gian ánh sáng

Tôi nhớ đến chiếc đèn ông sao, to ở mức quá to, mà bố tôi chẻ những thanh tre rồi buộc dây đồng các đầu que, dán giấy pơ luya lên. Chúng tôi cắt những tua giấy màu xanh, vàng, đỏ và vài hình như con hươu con nai dán lên, lấy bút dạ vẽ thêm những hình sao, trăng, đĩa quả…, trông còn thô thô, nhưng cũng được. Và bởi ông sao ấy to quá nên phải tìm cách cài vào trong đến mấy cây nến, châm lửa lên nhìn mới đủ sáng để tỏa ra được. Quầng sáng vàng hồng, ấm ấm, hơi là lạ mà vốn bình thường đốt một thứ gì đó, như búi rơm, thanh củi, que diêm…, khó cảm thấy. Cũng có thể như thế vì đúng vào tối trung thu nữa, cùng với xâu hạt bưởi treo ở đầu hiên, đốt tỏa mùi khen khét, thỉnh thoảng có tiếng nổ lép bép, với chiếc đèn ông sư khi châm nến đẩy đi một đoạn mà thấy như những cánh hoa vàng mờ mờ tỏa ra không ngừng.

Có năm bố tôi mua được chiếc đèn kéo quân ở trong phố Hà Nội về. Nó không còn được làm kiểu cũ nữa mà đã là khung nhựa phủ vải, gài bóng đèn ở trong. Cắm điện, đèn sáng nóng lên và tỏa nhiệt làm quay những hình người, hình mây gì đó. Căn nhà tắt điện đi, chỉ còn chiếc đèn tỏa ra các hình bầy trẻ, con rồng, đám mây…, trổ những đường lượn thanh mảnh trong bóng tối, vẽ nhanh lên tường, lên tấm ri đô, lên cánh tủ, lưng ghế… Tôi cứ ngồi nhìn đến ngây cả người để nghĩ viển vông về bao nhiêu chuyện tiên chuyện bụt, chuyện gì rờn rợn ma mãnh nữa. Những cảm giác trộn lẫn ấy nó khiến mình vừa hân hoan, vừa đắm chìm, vừa mơ hồ lo lắng.

Và vòm trời những năm tháng xa xôi còn khan hiếm điện ấy, ít đèn đường đèn ngõ như bây giờ, như có một tấm màn lớn trong tối thẫm hút về bóng mặt trăng rất to trên cao. Vì to quá nên cảm thấy như trăng đang sà xuống về phía mình. Tôi nhớ có năm trăng trung thu vàng tươi, sắc nét, có năm vàng mờ như lớp sương phủ, năm khác lại thoang thoáng như có màu hồng phấn.

Một tối như thế, ánh sáng và những tiếng động nhẹ, đan vào nhau lung linh, như mông lung, như không thực. Để cả năm phải nhớ về.

Còn nhiều buổi tối khác, lúc khác trong ngày, mà ánh sáng có những chuyến phiêu lưu đầy mời gọi, dẫn dụ trí não non nớt vào những nghĩ ngợi hoang đường. Tôi mê những luồng sáng, những vệt sáng, đốm sáng…, những diễn đạt khác nhau của ánh sáng trong ngày, qua cuộc va chạm, xuyên suốt và hòa sắc với nước, với cây lá, đồ vật. Nhiều lần, tôi rất sung sướng đứng mãi nhìn những luồng nắng vạch chéo dài xuống sân nhà, giữa khoảng rợp của mái ngói chìa ra hiên với mảnh vườn nhỏ kín bóng cây xanh um. Ở vuông trời giữa mái nhà và vườn đó, là vùng của những dải sáng, nhìn thấy cả những dây khói nhẹ lên quện trong vạch thẳng vàng nhạt pha sáng trắng. Có hôm bố nhóm củi trong bếp, đóng cánh cửa dẫn vào nhà cho khỏi khói, ánh sáng soi qua kẽ giữa những thanh gỗ dài, khói cũng chui qua khe mà vờn theo cái vạch sáng ấy, vệt vệt uốn lượn loang lổ trắng sữa pha thẫm tối. Khói làm hơi cay mắt và có mùi củi cháy, có cả mùi của đói bụng lúc chiều về.

Ngồi trong bóng tối âm âm mát mát ngôi nhà ngói cổ ba gian rộng của ông bà ngoại nhìn ra mảnh sân rực nắng. Trong này thì u trầm lặng ngắt, thế mà ngoài kia sáng đến chói mắt. Sáng tưởng như sắp biến thành tiếng động, tiếng rơi vỡ gì đến nơi! Ở quê hay thế, quê có những vùng rộng lớn rực sáng từ đỉnh cây rơm, trên tán lá cây ổi, ngoài cánh đồng chảy về rặng phi lao xa nối với trời, trên sân kho, mái ngói, ngoài mặt sông, làm ta thấy cả một vùng bừng lên, đầy ngập, mà tưởng cả khối sáng khổng lồ ấy phải nặng khủng khiếp! Cho nên những buổi trưa không ngủ đi chơi còn là những cuộc trốn nắng, bởi vừa lang thang theo nhau vừa lượn vào dưới những bóng tre, những gờ tường đổ bóng để khỏi bị nắng rát. Xuyên qua những lùm tre lớn ngả ngả, kẹt kẹt theo gió, lá tre xao xao nghe như thấy cả độ ram ráp cọ xát, những điểm sáng lọc xuống chói chói, lóng lánh. Trong vùng sáng thả mạnh, lá tre xanh như non hơn, mỏng hơn, những lá già xam xám màu tro bạc. Tôi nhặt những lá ấy rụng xuống, cắm vào mũ nan đầu tròn khum khum của mình, lá cứ dựng lên, mình đội mũ không giống chú bộ đội ngụy trang, trông thật là bất thường!

Nữ nhà văn một năm nọ kể cho tôi rằng, cô thích những bữa tiệc ánh sáng, và trong những chuyến đi có những lúc chỉ đơn giản là để thưởng thức những bữa tiệc ấy. Khi ánh sáng lọc vào những chuỗi hạt sương bám theo thân đến đầu các ngọn cỏ, cảm giác như chúng cộng hưởng hòa thành một vệt sáng trắng trong suốt và tinh mới, tưởng như chính những vạt cỏ như thế đang tự phát sáng.

Những giọt sương rung rinh theo cây cỏ, để nhận ánh sáng mà phản chiếu cả một vòm cong của rặng cây, khối mây lớn, một màu lơ xanh…, nhiều năm, được nghệ sĩ nhiếp ảnh tự nhận là “khùng khùng” xứ Đà Lạt thu vào trong ống kính. Anh cứ bò xuống nằm dài trên cỏ để chờ, rình, chụp những giọt sương đọng cả không trung. Những chùm sương nhận nắng một nửa trong màu nước, một nửa sáng lóe thành tia, mở ra trong tấm ảnh một hình dung kỳ vĩ. Lần ấy anh kể, từng có lúc sốt ruột cầm vòi phun lên cây cỏ để làm sương nhân tạo mà chụp cho nhanh. Nhưng thứ giả sương ấy chỉ đón nắng cho ra một thứ đục đục, nhàn nhạt, khiến cho nghệ sĩ thấy ê chề. Anh phải đợi sớm mai, đợi sương, đợi khi ánh sáng lên, anh mai phục, anh im lặng, anh ngây thơ, và anh ngẩn ra nhìn ngắm, thì rồi ánh sáng mới mọc lên từ những sương non lấp lánh ấy, nghệ sĩ bảo vậy, và anh đã mang suy tư ấy mà sống cùng sương sớm.

Thời gian đi, và những luồng ánh sáng ở lại, rung rinh trong suy nghĩ, như những đốm nắng lay động trên tán lá cây. Khoa học cho rằng, đuổi theo ánh sáng, đuổi kịp và vượt ánh sáng, sẽ có thể tìm lại, về lại những hình ảnh quá khứ, có thể ngược chiều lịch sử để quan sát ngày hôm qua của nhân loại. Suy tưởng kỳ diệu ấy khiến cho chúng ta càng quý yêu hơn những gì mà ánh sáng giúp ta lưu lại trong não, trong trí nhớ, trong nhung nhớ và thương mến đằng đẵng. Thỉnh thoảng tôi ngồi nhớ lại những ấn tượng ánh sáng những dịp ngân lên, có lần bừng thức, có khi rải rác lốm đốm, hoặc le lói thanh mảnh, hay chói chang quanh mình, để sung sướng được tưởng mình đang hòa vào trong đó, để được hòa những mảng những đốm những tia những vùng sáng mang sắc màu ấy lại cùng nhau. Ánh sáng yếu yếu vòm trời thấp hẳn đẩy những hạt mưa to bắt đầu đập xuống. Một lúc sau, cái vòm trắng lóa ấy tĩnh lặng cao dần lên trên những tàng cây sũng ướt. Khoanh sáng cong cong qua cửa tò vò hắt một khoảng mờ mờ vào gian bên ngôi nhà. Những tia li ti đều đặn điểm các nốt sáng trên hiên gạch sau khi đã chui qua tấm liếp đan cái dại cửa. Một vùng nắng trên ban công sắt uốn cong cong, nắng rực rỡ làm hơi nhòa đi màu tường vàng, những lá xanh nhạt vây quanh từng chùm hoa giấy hồng hồng. Vệt sáng cắt khúc khuỷu trên mái con ngõ dài giữa những nhà vươn cao dẫn đến bức tường ngôi đình trong phố, nhìn xa xa vẫn thấy hoa văn mặt rồng đắp nổi.

Trong những khoảng sáng ấy của tôi, có tôi mặc cái áo nhung hoa dài đến gối, tôi đang đứng, tôi đi, tôi đang chạy nhảy. Vẫn còn có những người, những nụ cười.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời gian ánh sáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO