Tổng cục Thể dục thể thao: 5 VĐV điền kinh nghi dính doping được giải trình lần cuối

PV (tổng hợp) 28/11/2022 16:40

Sau khi các VĐV giải trình lần cuối, Ủy ban phòng chống doping Đông Nam Á và ban tổ chức SEA Games sẽ có kết luận VĐV nào dương tính và đi kèm án phạt. Dự kiến thông báo chính thức sẽ được Tổng cục TDTT công bố vào giữa tháng 12 tới.

Theo Dân Trí, trong kết quả được phòng xét nghiệm tại Thái Lan thông báo ngày 17/11, các mẫu thử lần hai (mẫu B) của 5 VĐV điền kinh Việt Nam tiếp tục có kết quả dương tính. Như vậy, chắc chắn các VĐV này đã dính chất cấm trong quá trình thi đấu tại SEA Games 31.

Danh tính các VĐV hiện vẫn đang được Trung tâm phòng chống doping Việt Nam và bộ môn điền kinh giấu kín. Được biết, cả 5 VĐV điền kinh dính doping đều có thành tích huy chương ở SEA Games 31.

Như vậy, sau khi Cơ quan chống doping quốc tế (WADA) chính thức công bố, các VĐV này không chỉ bị tước thành tích, mà còn phải nhận án phạt cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) cho biết: "Các VĐV nghi ngờ dương tính với chất cấm doping tại SEA Games vừa qua, tôi chưa có phát ngôn chính thức nào về chuyện này. Việc có VĐV dương tính với doping thì không phải chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia Đông Nam Á đều có. Chúng ta có 5 trường hợp dương tính với chất cấm thông qua kiểm tra mẫu A. Quyền lợi của các VĐV là đề xuất mở mẫu B được lưu trước đó để kiểm tra. Trong quá trình đó, tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi về việc tại sao chưa công bố nhưng tôi phải tuân thủ theo quy tắc".

"Không ai có thể xâm phạm quyền riêng tư của VĐV vì họ còn có quyền giải trình lần cuối", ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh.

Được biết, sau khi các VĐV giải trình lần cuối, Ủy ban phòng chống doping Đông Nam Á và ban tổ chức SEA Games sẽ có kết luận VĐV nào dương tính và đi kèm án phạt. Dự kiến thông báo chính thức sẽ được Tổng cục TDTT công bố vào giữa tháng 12 tới.

Trước mắt, theo ông Trần Đức Phấn, 5 VĐV dương tính với doping tại SEA Games 31 sẽ không được tham dự Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022. "Theo quy định của WADA, khi đã bị nghi vấn, VĐV không được thực hiện quyền cơ bản của họ nên họ không được đăng ký thi đấu ở Đại hội năm nay", ông Phấn nói.

VĐV sử dụng doping sẽ bị tước huy chương tại đại hội. Ảnh: Internet.

Trong lịch sử, thể thao Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp dính doping kể từ SEA Games 2003. Trong đó có một số ca điển hình như á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn hay "Công chúa" thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương... Đa số trường hợp này đều khẳng định họ thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống doping ở mức tối thiểu.

Tại SEA Games 31, ban tổ chức đã lấy mẫu ngẫu nhiên của khoảng 1.000 vận động viên. Theo quy trình, mỗi vận động viên khi lấy mẫu xét nghiệm sẽ chia làm 2 lọ gồm lọ A (mẫu A) và lọ B (mẫu B). Mẫu A được chuyển tới Bangkok, Thái Lan để kiểm tra.

Về quy trình xét nghiệm, bác sĩ Vũ Trọng Hải, Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam, từng trao đổi: "Kết quả doping thì có thể có rất sớm chứ không hẳn là lâu sau mới có kết quả nhưng đi kèm với nó còn rất nhiều quy trình khác. Sau khi có kết quả mẫu A, vận động viên có quyền tiếp theo là mở mẫu B và đây sẽ là mẫu mà vận động viên sẽ tự chi trả, tự mình giám sát quá trình mở mẫu, thậm chí là chỉ định phòng là xét nghiệm, chứ không nhất thiết phải làm ở phòng xét nghiệm trước đó. Khi đã mở mẫu B thì kết quả mẫu B mới là kết quả cuối cùng. Nhưng khi mẫu B có kết quả khác với mẫu A thì mẫu B mặc nhiên được công nhận, vì đã mở mẫu B thì đó là mẫu cuối cùng".

Tại SEA Games 31, điền kinh Việt Nam bảo vệ thành công ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 22 huy chương vàng, nhiều hơn đội xếp thứ nhì là Thái Lan 10 huy chương vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng cục Thể dục thể thao: 5 VĐV điền kinh nghi dính doping được giải trình lần cuối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO